Thủ tướng Anh Boris Johnson nhiều khả năng sẽ tiết lộ chi tiết kế hoạch Brexit cuối cùng của ông với các lãnh đạo EU trong vòng 24 giờ tới.
Telegraph dẫn nguồn thạo tin hôm 30/9 cho biết kế hoạch này sẽ bao gồm quyết định đưa ra với "chốt chặn cuối" ở khu bực biên giới giữa Cộng hòa Ireland và Bắc Ireland.
Anh và Ireland nhiều năm qua thống nhất duy trì một khu vực tự do đi lại chung, cho phép công dân 2 nước qua lại lẫn nhau không cần hộ chiếu hay còn được gọi là đường biên giới mềm. Trong trường hợp Anh rời EU mà không đạt được thỏa thuận, chiếu theo quy định của EU, biên giới giữa khối này với một quốc gia khác sẽ phải thiết lập các chốt kiểm soát hải quan và chấm dứt tự do lưu thông. Một đường biên giới cứng với Ireland theo đó sẽ được dựng lên.
Do đó, trong thỏa thuận Brexit mà cựu Thủ tướng Anh Theresa May đàm phán với EU, bà May đồng ý với phương án "chốt chặn cuối". Theo đó Bắc Ireland vẫn được điều chỉnh theo các tiêu chuẩn châu Âu để tránh việc kiểm soát hàng hóa với Cộng hòa Ireland, tức là Bắc Ireland vẫn nằm trong liên minh hải quan cho đến khi đạt được một giải pháp “biên giới mềm”.
Đổi lại, Anh vẫn sẽ ở trong liên minh hải quan EU với điều kiện London phải tuân thủ các quy tắc hiện hành của EU liên quan đến hàng hóa và nông nghiệp ở Bắc Ireland, cũng như các quy tắc về viện trợ và cạnh tranh.
Ông Johnson từng khẳng định điều khoản “chốt chặn cuối” mà người tiền nhiệm đàm phán với EU có “những nhược điểm rất nghiêm trọng”, "không khả thi” và “phản dân chủ”, do đó kêu gọi loại điều khoản này khỏi thỏa thuận Brexit. Tuy nhiên, giới chức EU khẳng định họ sẽ không đàm phán lại.
Theo Telegraph, văn phòng của ông Johnson sẽ thông báo kế hoạch phác thảo về Brexit trong các cuộc gọi tới các nước trong EU.
Văn bản chính thức sẽ được gửi tới Brussels sau khi Thủ tướng Anh phát biểu tại đảng Bảo thủ tại hội nghị ở Manchester hôm 3/10 tới.
Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Anh Sajid Javid khẳng định dù có đạt được thỏa thuận với EU hay không, Anh vẫn sẽ ra đi vào ngày 31/10.
Tuy nhiên ông Javid từ chối nói về cách London rời liên minh châu Âu nếu không có thỏa thuận nào được đưa ra trong bối cảnh nhiều chính khách Anh vẫn đang yêu cầu Thủ tướng Johnson trì hoãn Brexit nếu không có thỏa thuận.
Brexit là điều không ai ngờ tới
Anh quốc đã tranh luận về được và mất nếu gia nhập cộng đồng châu Âu gần như ngay từ khi ý tưởng này hình thành. Họ tổ chức trưng cầu dân ý lần đầu tiên về tư cách thành viên hồi năm 1975, chưa tới ba năm sau khi họ vào khối.
Cho đến năm 2013, Thủ tướng Anh lúc đó là ông David Cameron hứa hẹn sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU của Anh. Mục đích của ông Cameron lúc đó là giải quyết dứt điểm vấn đề này để sau này không ai đưa ra tranh cãi nữa và ông tin rằng phe ‘Ở lại’ sẽ thắng áp đảo phe ‘Ra đi’.
Vào ngày 23/6 năm 2016, vào lúc cuộc khủng hoảng người tị nạn khiến di dân trở thành chủ đề gây phẫn nộ chính trị trên khắp châu Âu và giữa những cáo buộc mà phe ‘Ra đi’ đưa ra về ‘dối trá’ và ‘gian lận’, người dân Anh đã bỏ phiếu rút ra khỏi EU với 52% số phiếu so với 48% chủ trương ở lại.
Cuộc trưng cầu dân ý này không chỉ không chốt lại được cuộc tranh luận mà còn làm phát sinh ra rắc rối để sau này giải quyết là điều gì sẽ xảy ra kế tiếp. Giờ đây, ngày đó cuối cùng cũng đã đến.
Tại sao lại liên quan đến biên giới Ireland?
Trở ngại đơn lẻ lớn nhất trong thỏa thuận Brexit là câu hỏi về đường biên giới trên bộ duy nhất giữa Anh và EU. Đó là ranh giới vô hình giữa Cộng hòa Ireland nằm trong khối EU với Bắc Ireland, phần lãnh thổ thuộc Vương quốc Anh.
Bà May và người đồng nhiệm Ireland của bà, Thủ tướng Leo Varadkar, muốn tránh dựng lại các trạm kiểm soát ở biên giới hai bên. Bắc Ireland đã trải qua một thời kỳ bạo lực đẫm máu kéo dài hàng chục năm trước khi đạt được Thỏa thuận Ngày thứ Sáu Tốt lành để tái lập hòa bình, và các hàng rào biên giới được dựng trở lại đe dọa phá hủy thỏa thuận này.
Tuy nhiên, cách thức mà bà May thỏa thuận để đảm bảo không xảy ra chuyện này – được gọi là ‘backstop’, tức là ‘chốt chặn được hỗ trợ’ – đã khiến nhiều nghị sỹ bất bình.
Theo cơ chế ‘backstop’ này thì toàn bộ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland vẫn duy trì quan hệ thương mại tạm thời với EU cho đến khi hai bên đạt được thỏa thuận cuối cùng để tránh dựng lại đường biên giới cứng – điều mà những người cổ súy Brexit cứng rắn sợ sẽ không bao giờ xảy ra. Khi đó, nước Anh vẫn sẽ bị cột vào với khối EU.
Và cơ chế này còn buộc Bắc Ireland vào những quy định của EU nhiều hơn nữa – gây ra sự bất bình ở những người không muốn có khác biệt nào giữa luật lệ của Bắc Ireland và phần còn lại của Liên hiệp Vương quốc Anh, trong đó có Đảng Liên minh Dân chủ (DUP) của Bắc Ireland – đảng liên minh với bà May để giúp bà có thể giữ lại được chính phủ sau thất bại của cuộc bầu cử trước thời hạn hồi năm 2017.
Nguồn: VTC News/VOAnews