Khi cô đơn trở thành một vấn nạn quốc gia: Nước Anh lần đầu tiên có Bộ trưởng Bộ cô đơn

Khoa học đã chứng mình, sự cô đơn có thể giết chết một con người. Nhằm giải quyết các vấn đề liên quan tới tình trạng sống cô độc của hơn 1/10 cư dân, nước Anh đã bổ nhiệm một Bộ trưởng chuyên trách.

426 1 Khi Co Don Tro Thanh Mot Van Nan Quoc Gia Nuoc Anh Lan Dau Tien Co Bo Truong Bo Co Don

Theo The Guardian, Bộ trưởng Bộ Thể thao Anh, bà Tracey Crouch sẽ kiêm nhiệm thêm chức trách Bộ trưởng Bộ cô đơn. Bà sẽ có nhiệm vụ giải quyết các vấn đề liên quan tới tình trạng sống cô độc của hơn 1/10 dân cư nước này. Bà Tracy Crouch sẽ tiếp tục triển khai chiến lược nhằm giải quyết các vấn đề tiêu cực liên quan đến tình trang sống đơn độc mà rất nhiều người Anh đang trải qua, trong đó có những vấn đề liên quan tới bệnh mất trí nhớ, chết sớm và huyết áp cao.

“Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để chấm dứt tình trạng sống cô đơn. Hiện nay, cô đơn là một thực tế đáng buồn của cuộc sống hiện đại, quá nhiều người đang sống đơn độc và chịu đựng…”, Thủ tướng anh Theresa May phát biểu trong buổi bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng mới.

426 2 Khi Co Don Tro Thanh Mot Van Nan Quoc Gia Nuoc Anh Lan Dau Tien Co Bo Truong Bo Co Don
Bà Tracey Crouch được chọn là “Bộ trưởng Cô đơn” ở Anh. Ảnh: Getty.

Các số liệu thống kê của chính phủ Anh cho thấy, phần lớn những người trên 75 tuổi ở Anh hiện sống một mình, và khoảng 200.000 người trong số họ không hề trò chuyện với bạn bè hay người thân nào trong hơn một tháng.

Theo tổ chức Campaign to End Loneliness (Chiến dịch chấm dứt cô đơn), hầu hết các bác sĩ tại Anh nhận thấy rằng, mỗi ngày có khoảng 1-5 người bệnh tới khám bệnh chủ yếu chỉ vì họ cô đơn và muốn trò chuyện với ai đó.

Thực tế, tình trạng cô đơn diễn ra ở tất cả mọi nơi trên thế giới. Hiện nay, nhiều quốc gia trên khắp thế giới đang phải đối mặt với “bệnh dịch cô đơn”. Trong cuộc sống hiện đại, ngày càng có nhiều người lựa chọn sống một mình, trì hoãn hoặc không kết hôn và thu mình lại trong chiếc điện thoại thông minh. Không chỉ ở Anh, tỷ lệ những người sống cô đơn ở Mỹ và nhiều đất nước khác đang tăng lên với tốc độ “tên lửa”.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, sự cô đơn có thể tạo ra một mối đe dọa tới sức khỏe cộng đồng còn nghiêm trọng hơn cả căn bệnh béo phì, và những bệnh tật liên quan đến nó còn có thể cạnh tranh với các nguy cơ mà hút thuốc lá mang tới.

Ở Nhật Bản, trái với hình ảnh của thế hệ trẻ đầy sức sống và vui tươi, người ta có thể bắt gặp hình ảnh những người trẻ ngủ gục ở bất cứ nơi đâu từ văn phòng làm việc tới những nơi công cộng như nhà ga tàu điện ngầm. Áp lực của cuộc sống hiện đại khiến người ta trở nên lạc lòng, cô đơn và không thể tìm được sự kết nối, chia sẻ với người khác.

Thực trạng này đã dẫn tới việc xuất hiện nhiều dịch vụ “cho thuê hơi ấm” kì lạ như dịch vụ thân mật này hoạt động 24/24 ở khu vực Akihabara. Những người đàn ông cô đơn tìm đến đây và trả tiền cho các dịch vụ bao gồm gối đầu lên đùi và được một cô gái ôm hoặc một cuộc đi dạo và tâm sự nhưng tuyệt đối không có mại dâm.

Đây là nơi những người trung niên, nam thanh niên tìm đến vì quá cô đơn và khát khao hơi ấm con người. Nhiều người tan sở không về nhà mà ghé qua các điểm dịch vụ như thế này chỉ vì sợ phải đối mặt với sự cô đơn đến ngột ngạt trong bốn bức tường căn hộ của mình. Ngoài ra, dịch vụ cho thuê bạn bè để đi chơi, tham dự cùng trong các bữa tiệc cũng rất phổ biến ở nước này…

Sự cô đơn đã trở thành một vấn nạn ở nhiều quốc gia. Chẳng hạn như ở Anh, trước khi có Bộ trưởng Bộ Cô đơn, nước này đã có đường dây nóng dành riêng cho những người lớn tuổi cô đơn, để họ có thể gọi điện và nói chuyện về bất cứ chủ đề nào, bất kể thời gian nào họ muốn. Mỗi tuần, trung tâm này nhận được khoảng 10.000 cuộc gọi.

Được kết nối với xã hội là nhu cầu cơ bản của con người – đó là một điều quan trọng cả về mặt phúc lợi xã hội và sự sống còn của mỗi người. Việc quan trọng nhất hiện nay là phải giúp công chúng hiểu rõ sự nguy hiểm của cảm giác cô đơn, đồng thời có những hành động đầu tiên để chống lại tác hại của “dịch bệnh” này. Trong đó quan trọng nhất là “cải thiện chất lượng các mối quan hệ xã hội, tăng cường tính tương tác và sự kết nối giữa người với người”.

Hoài Thu

Theo Nhịp sống kinh tế

Bài liên quan