Khi virus corona tấn công lãnh đạo quốc gia

Thủ tướng Anh Boris Johnson được xác định nhiễm virus corona chủng mới gần 2 tuần trước (27-3), nhưng ông chỉ vừa mới chuyển bệnh nặng tới mức phải điều trị trong phòng hồi sức tích cực (ICU) tối 6-4 và phải dùng máy thở.​

Dù chiều 7-4 (giờ London), giới chức Anh thông báo tình trạng của Thủ tướng Johnson đã ổn định và không bị viêm phổi nhưng việc ông Johnson phải vào điều trị trong phòng ICU càng khiến mọi thứ rối bời hơn, khi dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh ở Anh và được dự đoán sẽ đạt đỉnh trong tuần tới.

Tính đến chiều 7-4, nước Anh ghi nhận gần 52.000 ca, bao gồm 5.373 người chết.

Giao quyền cho ngoại trưởng

Theo lời người phát ngôn của Thủ tướng Anh, ông Johnson vẫn tỉnh táo khi được đẩy xe đưa vào phòng ICU vào khoảng 7h tối 6-4. Trước đó, ông cũng đã tạm giao quyền điều hành chính phủ cho Ngoại trưởng Dominic Raab, nhưng lúc này chưa biết sức khỏe của ông sẽ diễn biến thế nào.

Kể từ sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona chủng mới gần 2 tuần trước, ông Boris Johnson vẫn nắm quyền chỉ đạo chiến dịch chống COVID-19. Ông đã phải tự cách ly ngay tại nơi ở nằm kế bên Văn phòng Thủ tướng Anh ở số 10 phố Downing.

Ông Boris Johnson là người đứng đầu chính phủ đầu tiên, nhà lãnh đạo quốc gia đầu tiên trên thế giới nhiễm corona. Việc ông phải nhập viện trong tình trạng sức khỏe đáng lo ngại, theo báo Wall Street Journal, đã tạo ra một khoảng trống lãnh đạo, trong bối cảnh nước Anh đối mặt với cuộc khủng hoảng y tế tồi tệ nhất trong hơn một thế kỷ qua.

Dịch bệnh COVID-19 dự kiến đạt đỉnh tại Anh trong tuần tới, giờ là lúc chính phủ sẽ phải "cân não" trước những quyết sách trọng yếu nhất. Trong đó có chuyện sẽ phải tiếp tục duy trì các quy định hạn chế kinh doanh và thực hiện những biện pháp giãn cách xã hội trong bao lâu nữa. 

Thời gian qua, một số bác sĩ và chuyên gia dịch tễ học của Anh đã chỉ trích vị thủ tướng 55 tuổi vì đã không hành động nhanh chóng trong việc phát lệnh phong tỏa sau khi dịch bệnh mới xuất hiện ở Anh từ cuối tháng 1 năm nay.

Luôn có phương án thay thế

Tình trạng bệnh tình của ông Boris Johnson khiến dư luận đặt câu hỏi: liệu sẽ ra sao nếu các nhà lãnh đạo khác như Tổng thống Mỹ Donald Trump hay Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng bị mắc bệnh và không thể làm việc bình thường?

132 1 Khi Virus Corona Tan Cong Lanh Dao Quoc Gia

Thủ tướng Anh Boris Johnson trong bức ảnh chụp bên ngoài Văn phòng thủ tướng Anh ngày 26-3-2020 - Ảnh: Reuters

Ông Trump từng có nguy cơ bị phơi nhiễm virus corona, khi một trong các thành viên thuộc phái đoàn tháp tùng tổng thống Brazil tới gặp ông Trump ở Florida đã dương tính với virus corona. Người này đã có những lúc đứng khá gần tổng thống Mỹ mặc dù "gần như không có tương tác gì". Tuy nhiên, ông Trump tuyên bố ông đã có kết quả xét nghiệm âm tính với virus corona.

Theo bà Ann Keller - phó giáo sư chuyên ngành khoa học y tế cộng đồng của Trường y tế công thuộc ĐH California tại Berkeley (Mỹ), mọi chính quyền thường có một thứ tự phân chia trách nhiệm điều hành đất nước nếu một nhà lãnh đạo không thể làm việc vì bị bệnh.

Chia sẻ với trang Business Insider, bà nói: "Trong các nền dân chủ ổn định, nếu một nguyên thủ/lãnh đạo chính phủ có mệnh hệ gì trong lúc tại nhiệm, luôn có những mô hình chuyển giao quyền lực rõ ràng để không bỏ trống vị trí lãnh đạo ở cấp cao nhất".

Chẳng hạn tại Mỹ hiện nay, Phó tổng thống Mike Pence là người thứ hai trong thứ tự phân quyền điều hành sau ông Trump, tiếp nữa đến bà Nancy Pelosi - chủ tịch hạ viện. Tại Canada, Phó thủ tướng Chrystia Freeland sẽ tạm đảm nhiệm mọi trách nhiệm của ông Trudeau trong trường hợp ông bị bệnh.

Ở Anh, trong khi ông Johnson đang nằm viện, Ngoại trưởng Dominic Raab tạm thay thế. Mặc dù ông Johnson đã ủy quyền cho ông Raab thay thế mình trước khi tình hình sức khỏe tệ hơn, nhưng nếu ông Raab không thể đảm nhiệm việc này, chính các thành viên trong nội các Anh sẽ phải tự quyết định chọn ra ai trong số họ sẽ lãnh đạo đất nước.

Tuy nhiên, nếu ông Johnson bị bệnh quá nặng, không thể tiếp tục ngồi ghế thủ tướng, cũng sẽ không có chuyện tổ chức ngay một cuộc bầu cử khác, mặc dù đảng đối lập có thể gây sức ép với quốc hội để làm việc đó.

Cũng theo bà Keller, mặc dù thế giới đã chứng kiến một số trường hợp lãnh đạo phải chiến đấu với bệnh tật nguy kịch khi tại nhiệm, nhưng thế giới lại chưa từng đối mặt với tình huống nhiều nguyên thủ, lãnh đạo chính phủ các nước bị ảnh hưởng vì đại dịch.

Gây bất ổn thị trường toàn cầu?

Nhiều chuyên gia cho rằng việc một lãnh đạo thế giới bị bệnh có thể gây những ảnh hưởng nghiêm trọng về kinh tế và xã hội. "Các thị trường không thích sự bất ổn - bà Keller nói - Vậy nên, nếu một nguyên thủ/lãnh đạo chính phủ bị bệnh và không thể hoàn thành trách nhiệm, điều đó có thể gây ra nhiều bất ổn".

Bà Horton, chuyên gia nghiên cứu kiêm giáo sư tại ĐH Waterloo ở Ontario (Canada), đồng ý là sự không chắc chắn có thể gây ra bất ổn cho thị trường toàn cầu, nhưng bà nghi ngờ việc nó sẽ tạo nên những ảnh hưởng kéo dài. "Có sự lo lắng ngắn hạn về bất cứ thay đổi lãnh đạo nào, nhưng nó vẫn thường xuyên xảy ra nên tôi không nghĩ sẽ kéo dài ảnh hưởng", bà nói.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ

Bài liên quan