Bà Liz Truss sẽ thay thế người tiền nhiệm Boris Johnson để trở thành thủ tướng tiếp theo của Vương quốc Anh. Tuy nhiên, niềm vui thắng cử có thể sẽ không kéo dài quá lâu khi trước mắt là “núi” công việc bộn bề với một loạt các vấn đề không dễ dàng giải quyết trong một sớm, một chiều.
Từ cuộc khủng hoảng chi phí sống cho tới sự trì trệ của hệ thống dịch vụ công, bà Truss còn phải vực dậy một nền kinh tế “èo uột” trong khi giữ vững cam kết không tăng thuế.
Và bà sẽ thực hiện mục tiêu đó trong bối cảnh Đảng Bảo thủ xuất hiện nhiều rạn nứt, thậm chí có thể phản đối các kế sách của bà trong quá trình điều hành đất nước.
Bà Liz Truss sẽ sớm trở thành Thủ tướng Anh. Ảnh: BBC.
Khủng hoảng chi phí sống
Lạm phát tại Anh vượt 10% trong tháng 7 lần đầu tiên trong vòng 40 năm do chi phí năng lượng và thực phẩm tăng phi mã. Khoản tiền trung bình mà mỗi hộ gia đình tại Anh phải chi trả cho hóa đơn năng lượng tăng 54% trong năm nay và được dự báo tiếp tục leo cao.
Đây là tin xấu không chỉ đối với các hộ gia đình mà còn là các doanh nghiệp. Họ gặp khó trong đại dịch Covid-19 chỉ có thể "sống sót" bằng nguồn trợ cấp của chính phủ. Khó khăn một lần nữa ập đến khi nhiều doanh nghiệp phải gánh trên vai một loạt các loại chi phí không ngừng phình to, đẩy họ tới bờ vực đóng cửa khi chính phủ Anh chưa có bất kỳ động thái hỗ trợ nào.
Một nền kinh tế “èo uột”
Trong cuộc họp chính sách tiền tệ mới nhất, Ngân hàng trung ương Anh dự báo quốc gia này sẽ rơi vào một giai đoạn suy thoái kéo dài, bắt đầu từ cuối năm nay. Trong quý II, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc đảo này giảm 0,1% và nhiều chuyên gia dự báo kinh tế Anh sẽ tiếp tục suy giảm trong quý III, chính thức rơi vào một cuộc suy thoái kỹ thuật.
Trong ngày bà Liz Truss chính thức trở thành lãnh đạo mới của Đảng Bảo thủ, đồng bảng Anh tụt xuống ngưỡng thấp nhất so với đồng USD trong vòng 37 năm.
Dịch vụ công trì trệ
Nhiều bộ phận trong nền kinh tế-xã hội Anh không thể vận hành một cách hiệu quả. Thời gian bệnh nhân phải chờ đợi đội ngũ chăm sóc sức khỏe tăng cao kỷ lục. Nguyên nhân bắt nguồn từ thực tế Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) chịu áp lực lớn từ đại địch Covid-19, nhưng cũng phải kể đến tình trạng thiếu nhân lực và đầu tư không tương xứng, theo Hiệp hội Y tế quốc gia.
Vấn đề tương tự cũng xảy ra trong nhiều lĩnh vực khác như an sinh xã hội, giáo dục và dịch vụ công ích.
Thời gian bệnh nhân chờ đội ngũ hỗ trợ y tế tăng cao kỷ lục. Ảnh: The Guardian.
Làn sóng đình công
Kể từ đầu năm nay, công nhân ngành vận tải, luật sư, nhà báo, công nhân vệ sinh, bưu điện đồng loạt tổ chức nhiều cuộc đình công. Trong không ít trường hợp, chủ tịch các liên đoàn lao động lên tiếng đổ lỗi cho chính phủ khi đã không kịp thời đáp ứng các yêu cầu từ họ, qua đó không thể giải quyết triệt để gốc rễ vấn đề.
Các phong trào đình công chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới năng suất lao động và tăng trưởng của kinh tế Anh. Và bà Truss cam kết cải thiện tình hình trong quá trình vận động tranh cử.
Các vấn đề quốc tế
Bà Truss trở thành người đứng đầu chính phủ Anh trong bối cảnh không chỉ nền kinh tế trong nước mà kinh tế toàn cầu đứng trước nhiều thách thức lớn. Cuộc xung đột Nga-Ukraine chưa có hồi kết, căng thẳng Mỹ-Trung và đôi bờ eo biển Đài Loan gia tăng. Lạm phát leo tháng trên quy mô toàn cầu và nghiêm trọng nhất là một cuộc khủng hoảng năng lượng đang trực chờ. Trong khi đó, Brexit vẫn là một “mớ hỗn độn”, gây ra những tác động kéo dài cả nước Anh và Liên minh châu Âu.
Bà Truss, hiện tại vẫn là ngoại trưởng, hoàn toàn ý thức được những khó khăn đó, nhưng với việc trở thành thủ tướng trong thời gian tới, trách nhiệm trên vai bà sẽ lớn hơn rất nhiều.