Câu chuyện Brexit kéo dài ba năm của Anh mặc dù đã có một bước ngoặt kịch tính nhưng đến nay kết cục của nó vẫn còn khó dự đoán.
Chính phủ của Thủ tướng Johnson đang đi đến thất bại trong nỗ lực thúc đẩy để thông qua dự luật thực hiện thỏa thuận Brexit tại Quốc hội chỉ trong vài ngày.
Trong một cuộc bỏ phiếu mang tính bước ngoặt hôm 22/10, các nghị sĩ cuối cùng đã ủng hộ một thỏa thuận ly hôn của EU - nhưng sau đó từ chối việc vội vã biến nó thành luật trước ngày 31 tháng 10. Quyết định này khiến thời hạn đó gần như không thể đáp ứng, nhưng nó không giết chết thỏa thuận - lần đầu tiên chiếm đa số trong quốc hội.
Gia hạn về mặt kỹ thuật?
Một điều luật được thông qua vào tháng trước tuyên bố rằng trừ khi các nghị sĩ ủng hộ thỏa thuận ly hôn vào ngày 19 tháng 10, Johnson phải viết thư cho các nhà lãnh đạo EU yêu cầu hoãn Brexit đến ngày 31 tháng 1 năm 2020.
Thủ tướng đã miễn cưỡng gửi thư vào cuối ngày thứ Bảy và các nhà lãnh đạo EU vẫn đang xem xét phản hồi của họ.
Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk cho biết hôm thứ ba sau những gì xảy ra ở Westminster rằng ông hiện đang khuyến nghị họ chấp nhận yêu cầu này.
Johnson trước đó đã nói với các nhà lập pháp rằng ông sẽ "tạm dừng" quá trình phê chuẩn trong khi EU quyết định gia hạn.
Mặc dù ông khẳng định Anh vẫn nên rời đi vào ngày 31 tháng 10, nhưng ông có thể có ít lựa chọn nên phải chấp nhận một sự "chậm trễ ngắn về mặt kỹ thuật" cho phép quốc hội có thời gian để thông qua luật trong vài tuần tới.
Các trợ lý Chính phủ cho biết ông Johnson có thể chấp nhận trì hoãn 10 ngày sau thời hạn 31/10- miễn đó là lần gia hạn cuối cùng của EU. Tuy nhiên, theo các quan chức của EU, Brussels có thể sẽ gia hạn cho Anh đúng như nước này đã chính thức yêu cầu là đến cuối tháng 1/2020, nhưng với điều kiện là Anh có thể ra đi sớm, bất cứ lúc nào khi Quốc hội Anh hoàn thành tất cả các bước để thông qua dự luật thỏa thuận ra đi.
Trì hoãn lâu hơn?
Mặc dù Johnson tỏ ra kiên quyết không trì hoãn Brexit trong nhiều tháng, EU cũng có thể cung cấp cho Anh một lựa chọn gia hạn dài hơn - điều mà các nghị sĩ phe đối lập cho rằng Thủ tướng sẽ bị luật pháp buộc phải chấp nhận.
Các nhà lãnh đạo châu Âu có thể yêu cầu một sự chậm chễ lâu hơn để nước này có đủ thời gian giải quyết vấn đề của mình.
Pháp luật quy định về trường hợp này thường sẽ mất vài tháng và phải được Hạ viện chấp thuận cũng như Thượng viện.
Có một nguy cơ thực sự là các nghị sĩ có thể cố gắng ngăn chặn việc rời khỏi EU và đưa ra các sửa đổi khác nhau, chẳng hạn như đưa ra sự chấp thuận đàm phán về một liên minh hải quan trong tương lai với khối hoặc thậm chí tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý mới.
Một sự chậm trễ lâu hơn cũng có thể cho phép tổ chức một cuộc tổng tuyển cử.
"Không thỏa thuận" Brexit?
Hiện tại thời hạn Anh rời EU mặc định là vào ngày 31 tháng 10 trừ khi 27 quốc gia thành viên khác đồng ý trì hoãn.
Các doanh nghiệp và thị trường trên khắp châu Âu lo ngại sẽ có một cú sốc gây ra bởi Brexit đột ngột mà ngay cả chính phủ cũng đánh giá rằng nó sẽ gây thiệt hại kinh tế, làm tăng khả năng EU sẽ đưa ra một sự gia hạn mới.
Mặc dù các nhà lãnh đạo EU tuyên bố sẽ không bao giờ chấp nhận Brexit không có thỏa thuận, quyết định gia hạn của họ phải được nhất trí và bất kỳ một trong số 27 quốc gia thành viên có thể ngăn chặn một động thái như vậy. Trong kịch bản rất khó xảy ra, Anh sẽ rời khỏi khối vào cuối tuần tới.
Một cuộc bầu cử khác?
Johnson đã cảnh báo các nghị sĩ trước cuộc bỏ phiếu hôm 22/10 rằng ông sẽ rút lại thỏa thuận Brexit của mình và cố gắng tổ chức một cuộc tổng tuyển cử nếu họ từ chối thời hạn mà ông đang cố đạt được. Tuy nhiên, sau đó Thủ tướng Johnson đã không còn lặp lại lời cảnh báo đó nữa.
Vượt lên trong các cuộc thăm dò, ông Johnson đã hai lần không thành công trong việc có được một cuộc bầu cử sớm để giành lại đa số trong quốc hội, và dường như ông đã rất phấn khích khi có được sự chấp thuận ban đầu của các nghị sĩ cho thỏa thuận Brexit mới của ông sau cuộc bỏ phiếu ngày 22/10.
Văn phòng Thủ tướng Anh nói rằng nếu EU gia hạn 3 tháng, thay vì một sự trì hoãn ngắn chỉ mang tính nguyên tắc trong vài tuần, Chính phủ sẽ cố kích hoạt một cuộc tổng tuyển cử. Tuy nhiên, một số nghị sĩ Bảo thủ cấp cao cho rằng sẽ không đủ thời gian để ông Johnson thúc đẩy một cuộc bầu cử trong năm 2019 vì quy định phải có 5 tuần thực hiện chiến dịch tranh cử.
Trong nỗ lực phút chót nhằm phá vỡ thế bế tắc về Brexit, Thủ tướng Anh Boris Johnson vừa nhấn mạnh sẽ trao cho quốc hội cơ hội cuối cùng, để xem xét kỹ lưỡng thỏa thuận Brexit của mình: "Cách để Brexit được thực hiện, theo tôi nghĩ cũng là hợp lý với Quốc hội. Đó là nếu họ thực sự muốn có thêm thời gian để nghiên cứu thỏa thuận tuyệt vời này thì họ phải đồng ý tổ chức tổng tuyển cử vào ngày 12/12 tới. Và đây chính là con đường phía trước mà chúng ta cần hướng tới".
Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Boris Johnson thừa nhận ông không thể đưa Anh rời Liên minh châu Âu theo kế hoạch đề ra vào 31/10. Nhà lãnh đạo Anh hy vọng phe đối lập sẽ thông qua yêu cầu của ông tổ chức bầu cử sớm để thiết lập một thế đa số mới ủng hộ chiến lược Brexit của ông, là đưa nước Anh rời mái nhà chung châu Âu bằng mọi giá dù có thỏa thuận hay không.
Thủ tướng cần sự ủng hộ của Công đảng đối lập chính để có thể tiến hành một cuộc bầu cử nhưng cho đến nay đảng này vẫn không chấp thuận.
Các nghị sĩ Công đảng nói rằng họ sẽ chỉ ủng hộ một cuộc bầu cử khi mối đe dọa của Brexit "không thỏa thuận" không còn nữa.
Một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai?
Các nghị sĩ Công đảng nói rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải tuân theo một cuộc trưng cầu dân ý mới, và hứa sẽ tổ chức cuộc trưng cầu dân ý mới nếu họ nắm quyền.
Các nghị sĩ muốn có một cuộc trưng cầu ý dân lần hai sẽ nỗ lực đề xuất sửa đổi dự luật để áp đặt cái mà họ gọi là "tiếng nói của người dân" vào trong thỏa thuận cuối cùng. Tuy nhiên, đề xuất này cũng khó có thể đạt được đủ số phiếu ủng hộ để giành chiến thắng tại Hạ viện.
Hiện xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng, việc gia hạn Brexit là cần thiết nhằm ứng phó với các kịch bản bất ngờ trên chính trường Anh như việc tổng tuyển cử sớm hay tổ chức trưng cầu ý dân lần hai về thỏa thuận chia tay giữa Anh và Liên minh châu Âu.
Mặc dù Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí về mặt nguyên tắc lùi thời điểm Anh rời khối, còn gọi là Brexit sau ngày 31/10, mở ra cơ hội mới cho những nỗ lực đàm phán giữa Brussels và London nhằm ngăn nguy cơ Brexit không thỏa thuận, song khoảng thời gian gia hạn kéo dài bao lâu vẫn đang là vấn đề gây nhiều tranh cãi.
Nguồn: Trâm Anh/ congly.vn