Làn sóng bùng phát dịch Covid-19 trở lại châu Âu

WHO cảnh báo số ca mắc Covid-19 tại châu Âu tăng lên sau khi các quốc gia trong khu vực nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh.

 

132 1 Lan Song Bung Phat Dich Covid 19 Tro Lai Chau Au

Nhân viên y tế Đức lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại Munich hồi tháng 3. (Ảnh: AFP)

“Tuần trước, châu Âu đã chứng kiến sự gia tăng về số ca mắc Covid-19 hàng tuần lần đầu tiên trong nhiều tháng”, Giám đốc khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Hans Kluge, nói với các phóng viên hôm 25/6.

Ông Kluge cho biết hàng chục quốc gia châu Âu đã ghi nhận dịch Covid-19 tái bùng phát trong thời gian gần đây.

“30 quốc gia cũng ghi nhận sự gia tăng về số ca nhiễm mới trong 2 tuần gần đây. Tại 11 trong số 30 quốc gia này, tốc độ lây nhiễm gia tăng đã dẫn tới tình trạng tái bùng phát dịch và nếu không được kiểm soát, sẽ đẩy hệ thống y tế tại châu Âu tới bờ vực sụp đổ thêm một lần nữa”, quan chức WHO cảnh báo.

Ông Kluge không tiết lộ tên những quốc gia đang chứng kiến dịch Covid-19 tái bùng phát. Châu Âu hiện ghi nhận khoảng 20.000 ca nhiễm mới và hơn 700 ca tử vong vì Covid-19 mỗi ngày.

Từ 7 tuần trước, Đức bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế, vốn được thiết lập để kiểm soát sự lây nhiễm của dịch bệnh. Tuy nhiên, Đức đang phải đối mặt với sự bùng phát trở lại của Covid-19.

Ngày 23/6, Đức đã áp đặt trở lại lệnh phong tỏa đối với hơn 600.000 người tại 2 quận ở phía tây nước này, sau khi xuất hiện ổ dịch tại một lò mổ khiến hơn 1.500 công nhân bị nhiễm virus.

Bồ Đào Nha cũng triển khai trở lại các biện pháp hạn chế lây nhiễm tại thủ đô và khu vực xung quanh thủ đô từ ngày 23/6.

Tuy vậy, ông Kluge vẫn đánh giá cao Ba Lan, Đức, Tây Ban Nha và Israel vì ứng phó nhanh với các ổ dịch tại các trường học, mỏ than và các cơ sở sản xuất thức ăn trong những tuần gần đây.

“Khi các ổ dịch mới xuất hiện, chúng được kiểm soát thông qua các biện pháp can thiệp nhanh chóng. Đây là tin tốt”, quan chức WHO cho biết thêm.

Phát triển vắc xin Covid-19 có thể mất một năm

“Rất khó để khẳng định chắc chắn rằng chúng ta sẽ có vắc xin. Chúng ta chưa bao giờ có vắc xin cho virus corona mới. Vì vậy, nếu phát hiện ra vắc xin, hy vọng rằng sẽ có vắc xin, đó sẽ là vắc xin đầu tiên”, ông Tedros nói.

Ông Tedros cho biết WHO đã có hơn 100 “ứng cử viên” vắc xin Covid-19.

“Hy vọng rằng sẽ có vắc xin, dự tính chúng ta có thể có vắc xin trong một năm tới. Nếu được đẩy mạnh, thậm chí có thể chưa cần đến một năm, mà chỉ vài tháng. Đó là những gì các nhà khoa học đang nhận định”, lãnh đạo WHO cho biết.

Theo Tập đoàn Biotec Quốc gia Trung Quốc và truyền thông nhà nước Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), Trung Quốc và UAE đã khởi động thử nghiệm lâm sàng vắc xin Covid-19 giai đoạn 3. Đây được xem là bước tiến mới trong cuộc đua tìm giải pháp ứng phó với đại dịch toàn cầu.

Trước đó, Đại học Oxford cũng bắt đầu thử nghiệm vắc xin Covid-19 giai đoạn 3, trong khi công ty Moderna của Mỹ cũng lên kế hoạch bắt đầu thử nghiệm vắc xin Covid-19 giai đoạn 3 đối với 30.000 người vào tháng 7.

Các hãng dược trên toàn thế giới vẫn đang nỗ lực để tìm ra vắc xin trị Covid-19. Vắc xin cần trải qua nhiều bước thử nghiệm để đảm bảo mức độ an toàn và hiệu quả. Quá trình này thông thường mất vài năm.

Hiện chưa rõ khi nào vắc xin Covid-19 sẽ được đưa ra thị trường, song các nhà nghiên cứu hy vọng có thể sản xuất vắc xin này vào đầu năm 2021.

Nguồn: dantri.com.vn

 

 

Bài liên quan