Làn sóng Covid-19 thứ hai: Châu Âu lo sợ ‘mùa Đông đen tối’, người dân mệt mỏi, ám ảnh thất nghiệp

Làn sóng Covid-19 thứ hai đang khiến châu Âu chao đảo. Những biện pháp phong tỏa cục bộ và toàn khu vực chống lại virus corona khiến cho kinh tế khu vực vốn đã mỏng manh nay càng kiệt quệ.

Sau một mùa hè mở cửa trở lại và đón nhận những lượt du khách tấp nập, làn sóng thứ hai của đại dịch Covid-19 lại khiến các quốc gia châu Âu một lần nữa phải gồng mình chống lại một cuộc khủng hoảng mới nhưng gây nên bởi mối hiểm họa cũ.

Trong những tuần vừa qua, hàng loạt các quốc gia tại “lục địa già” đã ghi nhận số lượng các ca nhiễm mới tăng cao kỷ lục. Để chống chọi lại với làn sóng thứ hai, châu Âu lại một lần, bắt buộc phải thu mình lại với những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt. Thế nhưng, không phải nước nào cũng nhận được phản ứng tích cực từ người dân.

Tình trạng đáng báo động

Châu Âu vừa trải qua một cuối tuần tồi tệ, khi hàng loạt những quốc gia được coi là hình mẫu chống dịch thành công vì đã đánh bại làn sóng Covid-19 thứ nhất như Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Italy… giờ đây đều đang thực sự “run rẩy” vì làn sóng dịch thứ hai.

Cụ thể, ngày 25/10, Pháp đã trải qua một ngày ác mộng khi ghi nhận con số kỷ lục 52.010 ca nhiễm mới trong một ngày. Đó là ngày thứ tư liên tiếp Pháp vượt mốc 40.000 ca nhiễm/ngày.

132 1 Lan Song Covid 19 Thu Hai Chau Au Lo So Mua Dong Den Toi Nguoi Dan Met Moi Am Anh That Nghiep

Tính đến ngày 28/10, Pháp cán mốc 1,2 triệu ca nhiễm và hơn 35.000 ca tử vong, vượt Argentina và Tây Ban Nha trở thành ổ dịch lớn thứ năm trên thế giới, sau Mỹ, Ấn Độ, Brazil và Nga.

Trong khi đó, tuần qua, Tây Ban Nha đã trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên vượt mốc một triệu ca nhiễm Covid-19. Trong một buổi họp với các quan chức trong nội các ngày 25/10, Thủ tướng Pedro Sanchez nhận định: “Thực tế là châu Âu và Tây Ban Nha đang bị đánh chìm trong làn sóng thứ hai của đại dịch”. Giới chức nước này cho rằng con số thực tế có thể cao gấp ba lần do năng lực xét nghiệm hạn chế.

Tại Bỉ, phát ngôn viên về Covid-19 của nước này, tiến sĩ Yves Van Laethem cho biết, bộ phận hồi sức tích cực tại các bệnh viện (công suất khoảng 2.000 giường bệnh) được dự báo sẽ quá tải trong vòng hai tuần tới nếu số ca nhiễm mới vẫn tăng như hiện nay. Mặc dù chỉ có 11,5 triệu dân, Bỉ có tới 321.031 ca mắc Covid-19 (15.622 ca nhiễm mới), trong đó, 10.810 người đã tử vong

Bỉ hiện đang là một trong những điểm nóng có tỷ lệ mắc Covid-19 cao nhất thế giới. Điều này khiến cho công việc của EU bị gián đoạn. Hiện phần lớn công việc tại Ủy ban châu Âu và Hội đồng châu Âu đều được điều hành trực tuyến và chỉ có các cuộc họp cấp thiết liên quan đến hoạt động của EU hoặc phối hợp giải quyết cuộc khủng hoảng dịch bệnh mới tổ chức trực tiếp.

Số ca mắc mới Covid-19 trong ngày tại Nga cũng tăng lên mức cao chưa từng thấy với 17.347 trường hợp, trong đó có 5.224 ca tại Moscow, nâng tổng số ca nhiễm ở xứ Bạch dương lên 1.531.224 ca. Các quốc gia Đông Âu như Czech, Ba Lan, Hungary cũng đang chứng kiến tình trạng lây lan dịch Covid-19 ở mức báo động. Trong đó, Czech là quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 trung bình cao nhất tại châu Âu, số ca trung bình trong tuần qua ở mức hơn 10.000 trường hợp mỗi ngày.

Thậm chí, các lãnh đạo, quan chức cấp cao của châu Âu cũng trở thành nạn nhân của đợt “sóng thần” Covid-19 thứ hai này. Trong đó có thể kể đến Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda, Thủ tướng Bulgaria Boyko Borisso, Ngoại trưởng Áo Alexander Schallenberg, Ngoại trưởng Bỉ Sophie Wilmes,… cùng một loạt thành viên chính phủ các nước Đông Âu.

Dè dặt nhưng quyết đoán

Các lãnh đạo châu Âu đang đứng trước hai lựa chọn khó khăn. Họ cho phép virus corona lây lan mạnh trong xã hội nhưng cũng muốn tránh phong tỏa toàn quốc và chỉ muốn phong tỏa, hạn chế các điểm nóng dịch bệnh.

Thế nhưng, các nhà lãnh đạo châu Âu hiểu ra rằng, nếu không có những hành động nhanh chóng và quyết đoán, tình hình sẽ tiếp tục xấu hơn nữa, trong bối cảnh thế giới vẫn chưa điều chế được loại vaccine. Vì vậy, nhiều nước châu Âu đã phải lựa chọn tái phong tỏa, nhưng ít nghiêm ngặt hơn và trong thời gian ngắn hơn đợt một.

Ngày 25/10, nội các Tây Ban Nha phê chuẩn việc ban bố tình trạng khẩn cấp giống như hồi tháng Ba và tuyên bố áp dụng giờ giới nghiêm ban đêm trên toàn bộ đất nước (từ 23h-6h hàng ngày, trừ quần đảo Canary có tỉ lệ lây nhiễm thấp).

Tại Italy, quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất châu lục, Thủ tướng Giuseppe Conte buộc phải thắt chặt các lệnh hạn chế từ ngày 25/10, ra lệnh các nhà hàng và quán bar phải đóng cửa sớm và đóng cửa hoàn toàn các phòng tập, bể bơi, nhà hát, rạp chiếu phim.

Trong tháng tới, các nhà hàng, quán ăn sẽ được phép mở cửa vào cuối tuần, nhưng sẽ phải đóng cửa lúc 6 giờ chiều. Chính phủ cũng “khuyến nghị mạnh mẽ” các doanh nghiệp đẩy mạnh làm việc từ xa và tránh cho nhân viên ra khỏi nhà nhiều nhất có thể.

132 2 Lan Song Covid 19 Thu Hai Chau Au Lo So Mua Dong Den Toi Nguoi Dan Met Moi Am Anh That Nghiep

Pháp hiện là quốc gia có số lượng ca nhiễm Covid-19 cao nhất châu Âu. (Nguồn Getty)

Nỗi bực bội của người dân

Chính phủ nhiều nước châu Âu, vốn đang chìm trong suy thoái kinh tế, lo rằng đóng cửa lâu hơn sẽ ảnh hưởng tới các ngành kinh tế và gia tăng tỷ lệ thất nghiệp. Nền kinh tế của EU đã suy giảm 11,8% trong quý hai do Covid-19.

Trong bối cảnh đó, người dân cũng tỏ rõ sự mệt mỏi và phát động nhiều cuộc biểu tình nhằm phản đối của các lệnh hạn chế, giãn cách xã hội, khiến họ không thể đi làm, kiếm tiền để nuôi sống bản thân khi nền kinh tế toàn châu Âu vẫn chưa thể hồi phục sau đợt phong tỏa toàn bộ hồi mùa Xuân. Ngày 26/10, cảnh sát thủ đô Warsaw (Ba Lan) đã bắt giữ 278 người biểu tình chống lại các biện pháp hạn chế mới nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Tại Italy, hàng nghìn người tập trung biểu tình tại các thành phố lớn Milan, Torino, Napoli, thủ đô Roma. Thậm chí, những vụ đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát đã xảy ra. Đối tượng chính trong các cuộc đụng độ không phải những người dân chịu ảnh hưởng của Covid-19 mà là những đối tượng lợi dụng kích động bạo loạn, các nhóm cực đoan.

Chính phủ Tây Ban Nha cũng đang đối mặt với phản ứng dữ dội về kế hoạch ban bố tình trạng khẩn cấp trong sáu tháng (kéo dài đến tháng 5/2021) để khống chế đợt tái bùng phát. Các đảng đối lập cho rằng sáu tháng là quá dài nhưng Thủ tướng Sanchez nhận định đó là khoảng thời gian cần thiết để không chỉ vượt qua làn sóng Covid-19 thứ hai mà còn vượt qua giai đoạn thiệt hại nhất của dịch bệnh.

Các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm thừa nhận rằng phong tỏa toàn quốc là biện pháp khắc nghiệt và các biện pháp hạn chế cục bộ có thể có hiệu quả nếu giới chức giải thích rõ ràng với công chúng và chúng được thực hiện hiệu quả.

Ở giai đoạn vô cùng hệ trọng này, nước Đức, trên cương vị chủ tịch luân phiên Hội đồng EU, đang phải gánh chịu những trách nhiệm hết sức nặng nề. Từng là một biểu tượng chống dịch của châu Âu, giờ đây Berlin, cụ thể là Thủ tướng Angela Merkel lại phải đau đầu vừa chống dịch trong nước, vừa tìm cách để đoàn kết EU lại để ra được những chính sách kinh tế và hỗ trợ kinh tế mới để chống chọi lại một cuộc suy thoái kinh tế đang ngày càng hiện hữu.

Theo Wall Street Journal, làn sóng Covid-19 thứ hai tại châu Âu hiện nay là hậu quả trực tiếp của cuộc đua mở cửa và trở lại cuộc sống bình thường sau thời gian dài phong tỏa để cố gắng thúc đẩy phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, bài toán giữa kinh tế và y tế thật sự hóc búa trong bối cảnh hiện nay. Giờ đây, châu Âu chỉ còn cách đưa sách vở và ôn lại những bài học chống dịch trong đợt lây lan thứ nhất, nhằm tránh khỏi kịch bản “mùa Đông đen tối” có thể ập tới!

Nguồn: baoquocte.vn

 

Bài liên quan