Sau khi được đánh giá là người giàu nhất nước Anh năm 2018 với khối tài sản ước tính 21 tỷ bảng Anh (26,7 tỷ USD), ông Jim Ratcliffe đang bị soi xét kỹ về chuyện thuế và khuynh hướng chính trị.
Tỷ phú Jim Ratcliffe. Ảnh: Reuters Tỷ phú Ratcliffe, giám đốc điều hành kiêm nhà sáng lập Tập đoàn hóa dầu Ineos, đứng đầu danh sách những người giàu nhất nước Anh năm 2018 do tờ Sunday Times công bố hồi tháng 5.
Đáng chú ý, trước đó vào năm 2017, ông Ratcliffe chỉ xếp vị trí 18 trong danh sách này. Tuy nhiên, chỉ sau 1 năm, giá trị của công ty ông đã tăng chóng mặt, giúp ông trở thành người giàu nhất nước Anh và được Nữ hoàng Elizabeth II phong tước hiệp sĩ.
Tập đoàn Ineos hiện sở hữu lực lượng lao động dồi dào 18.000 người và hoạt động tại trên 24 quốc gia. Tập đoàn này phát triển mạnh mẽ thông qua việc mua lại – trong đó có thương vụ 9 tỷ USD mua lại Tập đoàn hóa dầu Innovene, giúp ông Ratcliffe giành quyền sở hữu nhà máy lọc dầu khổng lồ Grangemouth ở Scotland theo một phần của thỏa thuận.
Với chiến lược của mình, Tập đoàn Ineos bị nhiều người cáo buộc “tước đoạt tài sản”. Tuy nhiên, ông Ratcliffe khẳng định vào năm 2016 rằng tập đoàn của ông chỉ đơn thuần là theo đuổi chính sách “quản lý với chi phí hiệu quả hơn”.
Mặc dù thành công vang dội, ông Ratcliffe từ lâu được biết đến là một người “bí ẩn” và “cô độc”.
Một cơ sở của Ineos. Ảnh: Bloomberg Trước sự kiện bỏ phiếu Brexit (Anh rời khỏi khối Liên minh châu Âu) vào năm 2016, tỉ phú Ratcliffe trong một lần hiếm hoi xuất hiện trước truyền thông khẳng định ông ủng hộ Brexit, nói rằng Anh có thể “thành công một cách hoàn hảo” mà không cần phải ở trong EU.
Tuy nhiên, không lâu sau khi được vinh danh là người giàu nhất nước Anh và được phong tước hiệp sĩ, tỷ phú Ratcliffe trở thành tâm điểm gây tranh cãi với quyết định rời quê hương đến “thiên đường thuế” Monaco sinh sống. Ông Ratcliffe không công bố lý do dù trước đó, vị tỉ phú 65 tuổi này từng than phiền về chính sách thuế của Anh.
Theo sau quyết định rời khỏi quê hương, tỷ phú Ratcliffe đã bị chỉ trích nặng nề, đặc biệt là khi ông từng khẳng định ủng hộ Brexit và luôn thể hiện mình là một người yêu nước. Giới chính trị gia ủng hộ EU khẳng định ông Ratcliffe là “một kẻ đạo đức giả”.
Theo Người Lao Động