Lục đục nội bộ giữa 4 quốc gia thuộc Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland

Covid-19 đã làm dấy lên một trong những cuộc tranh luận chính trị gay gắt nhất về việc liệu Vương quốc Anh (UK) có thể tồn tại qua đại dịch. 

Tối 10/5, Thủ tướng Anh Boris Johnson có bài phát biểu trên truyền hình từ số 10 phố Downing để thông báo kế hoạch nới phong tỏa. Ông kêu gọi hàng triệu người dân quay trở lại làm việc và đưa ra lộ trình sơ bộ về thời điểm trường học và các địa điểm kinh doanh có thể mở cửa trở lại. 

Thủ tướng Johnson cũng biến thông điệp cốt lõi của chính phủ, "Hãy ở nhà, bảo vệ dịch vụ y tế quốc gia, bảo vệ tính mạng mọi người", trở thành một lời khuyên mơ hồ hơn "Hãy cảnh giác, kiểm soát virus, bảo vệ tính mạng mọi người".

Nhưng thậm chí trước khi thông điệp của Thủ tướng Anh được phát đi, Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon đã có bài phát biểu riêng. Bà tiết lộ một thực tế khá đáng lo rằng ông Johnson nắm rất ít quyền lực thực sự đối với người dân Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland, 3 thành viên còn lại của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland (hay Vương quốc Anh - United Kingdom of Great Britain and Northern Ireland - gọi tắt là UK).

132 1 Luc Duc Noi Bo Giua 4 Quoc Gia Thuoc Vuong Quoc Lien Hiep Anh Va Bac Ireland

Nói về kế hoạch của Thủ tướng Johnson, bà Sturgeon cho biết "chưa từng thấy bản chi tiết của kế hoạch này, nên không thể áp dụng nó cho Scotland", đồng thời thêm rằng đã yêu cầu Phố Downing "không triển khai thông điệp 'Hãy cảnh giác' ở đất nước này". Thông điệp ở Scotland rõ ràng vẫn là "Hãy ở nhà". Tất nhiên, Thủ hiến Sturgeon hoàn toàn có quyền làm như vậy.

"Trong khoảng 20 năm qua, chính phủ Anh (England) chỉ nắm quyền điều hành Vương quốc Anh trong các lĩnh vực lớn", John Denham, từng là nghị sĩ đảng Lao động và giáo sư về bản sắc Anh tại Đại học Southampton, cho hay.

Từ cuối những năm 1990, Westminster trao phần lớn quyền lực cho các cơ quan lập pháp ở Scotland, Wales và Bắc Ireland, cho phép các chính phủ thành viên tự thiết lập các chính sách đối nội trong các lĩnh vực như y tế và giáo dục. 

Do đó, việc bà Sturgeon thấy bối rối khi Thủ tướng Johnson nhắc tới việc mở cửa trường học trong kế hoạch của mình tối 10/5 không phải là điều gì quá bất ngờ. 

"Khi thảo luận về việc mở cửa trường học, ông Johnson sử dụng những thuật ngữ về độ tuổi của học sinh khá khó hiểu. Những hướng dẫn mà ông đưa ra hoàn toàn không rõ cái nào được áp dụng ở cả UK, cái nào chỉ riêng ở England", Nicola McEwen, giáo sư tại Đại học Edinburgh, nói.

 

Nhiều nguồn tin ở Phố Downing cho biết bản thân Johnson cũng thấy thông điệp này khó hiểu. "Buổi ghi hình đó là một cơn ác mộng hoàn toàn. Ông ấy liên tục dừng lại, yêu cầu thay đổi chỗ này chỗ kia, phàn nàn về độ dài và nói rằng nó quá phức tạp", một nguồn tin chính phủ giấu tên cho biết.

Theo Luke McGee, nhà phân tích của CNN, dù điều này có thể mang tới một chút an ủi cho người Scotland, Wales và Bắc Irleland, thường có cảm giác là "người thừa", nó đã đặt ra câu hỏi liên minh này có thể kéo dài bao lâu, cũng như cần thiết tới mức nào. Cả ba chính quyền thành viên đều đi chệch hướng với Westminster trong cuộc chiến với đại dịch, mặc dù họ hiểu rằng Thủ tướng Johnson và Phố Downing đang chèo lái cả UK.

Minh chứng nổi bật nhất cho điều này là hình ảnh hệ thống giao thông công cộng chật ních hành khách tràn ngập trên mạng xã hội sáng 13/5, khi phần lớn người dân England trở lại làm việc. Ngược lại, ba quốc gia thành viên vẫn tiếp tục khuyến nghị người dân ở nhà và phong tỏa nền kinh tế.

"Bạn giờ có thể gặp gỡ người khác ở nơi công cộng tại England, nhưng ở những nơi khác trong UK thì không", McGee cho biết.

Giáo sư Denham nghĩ rằng đại dịch là hồi chuông cảnh tỉnh về sự khác biệt của bốn thành viên Vương quốc Anh. "England ở trong tình thế khó khăn hơn ba quốc gia thành viên, nhưng có quyền lực tập trung hơn. Covid-19 đã cho thấy trong một số vấn đề, những quốc gia thành viên khác không thể hoặc không muốn làm việc với England và với cách điều hành của nước này", Denham nói.

McEwen đồng ý rằng đại dịch phơi bày sự không cân xứng về sức mạnh chính trị ở Vương quốc Anh, nơi đã bị tàn phá trong bốn năm qua với cuộc tranh luận về Vương quốc Anh rời Liên minh châu Âu (hay Brexit).

"Mối quan hệ căng thẳng giữa England và các quốc gia thành viên trong những năm qua đã trở nên trầm trọng hơn bởi thực tế rằng bốn thành viên được điều hành bởi các đảng chính trị khác nhau, với hệ tư tưởng và suy nghĩa khác nhau về tương lai của Vương quốc Anh", McEwen nhận định.

132 2 Luc Duc Noi Bo Giua 4 Quoc Gia Thuoc Vuong Quoc Lien Hiep Anh Va Bac Ireland

Thủ tướng Anh và Thủ hiến Scotland không cùng chung tiếng nói.

Tất cả những điều này đã tạo ra vấn đề chính trị đau đầu cho Johnson, người vừa là Thủ tướng Anh, vừa là lãnh đạo Đảng Bảo thủ và Liên hiệp. Năm ngoái, không lâu sau khi đặt chân vào Phố Downing, Johnson tự bổ nhiệm là Thủ tướng Vương quốc Anh với cam kết tăng cường mối quan hệ bền chặt giữa bốn quốc gia thành viên sau những thiệt hại do Brexit gây ra.

Nhiều thành viên cấp cao của liên minh cho biết mục đích của Johnson là để bảo vệ lợi ích đảng của ông, hơn là thực sự bảo vệ Vương quốc Anh. Điều họ lo ngại không phải là Thủ tướng Johnson muốn liên minh này tan vỡ, mà ông muốn England nắm vai trò trung tâm với sự điều hành trực tiếp từ London.

Vấn đề ở đây là nhiều người dân England không thực sự coi trọng vai trò của liên minh. "Cử tri England có xu hướng ưu tiên bản sắc của họ và muốn đặt lợi ích của England trên của liên minh. Đó không có nghĩa là họ chống đối liên minh, mà quan điểm về liên hiệp Anh là sự mở rộng của bản sắc và lợi ích của England. Nếu hai bên xảy ra xung đột, họ sẽ ưu tiên cho lợi ích của England", Denham nói.

Quan điểm England là trung tâm của liên minh đã khiến những thành viên khác thấy phẫn nộ. "Người xứ Wales có cảm giác rằng Westminster không hiểu hoặc không thực sự tôn trọng sự chia sẻ quyền lực cho các nước thành viên", Roger Awan-Scully, giáo sư về chính trị tại Đại học Cardiff và là chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu Chính trị, cho hay. "Khi có vấn đề gì quan trọng, họ xem các quốc gia thành viên như 'đồ thừa'. Covid-19 đã cho thấy rõ hơn điều đó".

Dù không ai tin rằng Covid-19 có thể đặt dấu chấm hết cho Vương quốc Anh, nhưng cách xử lý khủng hoảng của Johnson đã làm trầm trọng thêm rạn nứt giữa bốn nước thành viên, vốn xuất hiện từ cuộc khủng hoảng Brexit. 

"Nếu Vương quốc Anh muốn liên minh này tồn tại, họ cần xây dựng nó dựa trên quan hệ hợp tác giữa tất cả quốc gia thành viên", Denham nói.

VnExpress (theo CNN)

Bài liên quan