Tranh vẽ trong cuốn sách Masquerade xuất bản năm 1979 chứa thông điệp về nơi chôn "báu vật", tạo ra cơn sốt săn lùng ở Anh.
Thỏ vàng đính ngọc là phần thưởng dành cho người giải được mật mã trong cuốn sách Masquerade. Ảnh: BBC.
"Hãy làm điều gì đó chưa ai từng làm", Tom Maschler, chủ tịch công ty xuất bản Jonathan Cape nói với họa sĩ Kit Williams năm 1976. Williams chấp nhận thử thách và vào tháng 8/1979 xuất bản Masquerade, cuốn sách sau đó trở thành tâm điểm chú ý của toàn thế giới.
Masquerade gồm 15 bức tranh minh họa câu chuyện về một con thỏ tên Jack Hare mang báu vật từ Mặt trăng đến người yêu là Mặt trời. Khi gặp Mặt trời, Jack nhận ra mình đã đánh mất báu vật và độc giả có thể xác định vị trí của nó bằng cách giải mã thông điệp ẩn kín sau các bức tranh.
Williams tạo ra "báu vật" là một con thỏ bằng vàng 18 carat đính ngọc trị giá 6.500 USD. Ông cất nó trong một chiếc hộp gốm để tránh bị tìm thấy bằng máy dò kim loại rồi bí mật chôn tại công viên Ampthill ở Bedfordshire. Chiếc hộp có dòng chữ: "Tôi là người giữ báu vật của Masquerade. Báu vật đang nằm an toàn bên trong tôi để chờ bạn đến lấy hoặc sẽ bị chôn vùi mãi mãi".
Williams thông báo cho độc giả rằng "báu vật" được chôn tại nơi công cộng ở Anh. Để đảm bảo các độc giả ở xa cũng có cơ hội tham gia, Williams ấn định người chiến thắng là người gửi câu trả lời chính xác đầu tiên qua đường bưu điện.
Cuốn sách bán được hàng trăm nghìn bản trên toàn thế giới, không chỉ ở Anh mà còn ở Australia, Nam Phi, Đức, Nhật Bản, Pháp và Mỹ. Vô số bãi cỏ ở Anh bị đào bới trong cơn sốt săn lùng báu vật.
"Trong lần phát hành đầu tiên, sách bán hết sạch trong vòng hai ngày", Williams kể. "Họ phải gấp rút tái bản. Cuốn sách trở thành một hiện tượng".
Williams trở thành tác giả được săn đón. Ông được mời đến các sự kiện ở Mỹ và xuất hiện trên các chương trình talkshow ở Anh. Hơn 200 lá thư được gửi đến nhà ông mỗi ngày và Williams phải đọc từng lá một.
Bằng cách nối đường thẳng từ mắt đến chân của mỗi con vật, từ được tìm thấy là Amulet. Ảnh: Deviantart.
Để giải mật mã trong các bức tranh, độc giả phải vẽ đường thẳng nối mắt của mỗi con vật với bàn chân của nó và chữ cái ở bên ngoài khung tranh. Đối với tranh vẽ hình người, độc giả nối mắt với ngón tay và ngón chân dài nhất của nhân vật.
Ghép các từ được tìm thấy trong từng tranh với nhau, độc giả có được câu: "Catherine's Long finger Over Shadows Earth Buried Yellow Amulet Midday Points The Hour In Light of equinox Look you". (Ngón tay dài của bà Catherine in bóng xuống mặt đất, ở đầu ngón tay là báu vật, được tìm thấy vào trưa ngày có điểm phân).
Chữ cái đầu của các từ tạo thành cụm "Close by Ampthil", nghĩa là "gần Ampthil". Kết hợp với những dữ liệu bên trên, lời giải là báu vật được chôn gần đài tưởng niệm hình thánh giá của Nữ hoàng Anh Catherine tại Công viên Ampthill. Nó nằm tại đỉnh bóng của đài tưởng niệm vào buổi trưa ngày xuân phân hoặc thu phân.
Vị trí "báu vật" được chôn ở công viên Ampthil tại Anh. Ảnh: BBC.
Tháng 3/1982, Kit Williams nhận được một bức vẽ mô tả vị trí giấu "báu vật" từ một người có tên Ken Thomas. Ông gọi điện cho Thomas và tuyên bố ông này là người chiến thắng.
Tuy nhiên, Williams nhận ra Thomas đã không giải được mật mã qua các tranh vẽ mà may mắn đoán được địa điểm. Dù vậy, Thomas vẫn được trao giải thưởng. Ông này và Williams lấy thỏ vàng ra khỏi hộp gốm trước sự chứng kiến của truyền thông nhưng Thomas luôn cố che mặt bằng khăn quàng cổ và tránh bị ghi hình.
Ít lâu sau khi Thomas được trao giải, Williams nhận được thư từ hai giáo viên vật lý Mike Barker và John Rousseau nêu đúng phương pháp giải mật mã.
Nhiều độc giả nghi ngờ Thomas đã gian lận, thậm chí còn cho rằng chính Williams đã dựng lên vở kịch để lừa gạt họ. Ngay cả Williams cũng bày tỏ nghi ngờ về Thomas vì ông này đã không giải được câu đố mà dường như dùng đến phương pháp khác để tìm báu vật.
Kit Williams (phải) trao chiếc hộp chứa thỏ vàng cho Ken Thomas năm 1982. Ảnh: BBC.
Ngày 11/12/1988, tờ Sunday Times cáo buộc Ken Thomas gian lận. Họ vạch trần rằng tên thật của Thomas là Dugald Thompson, đối tác kinh doanh của John Guard. Guard là bạn trai của Veronica Robertson - bạn gái cũ từng chung sống với tác giả Williams. Guard đã thuyết phục Robertson cho họ manh mối.
Trong quãng thời gian sống cùng Williams, Robertson đã nghe ngóng được vị trí giấu thỏ vàng nhưng không biết cách giải mật mã. Sau khi được Robertson tiết lộ "báu vật" nằm ở công viên Ampthill, Guard và hai trợ lý dùng máy dò kim loại tìm kiếm nhưng không thành công. Sau đó, họ vẽ tranh mô tả địa điểm và gửi cho Williams, khiến "Thomas" được công nhận là người có câu trả lời đúng đầu tiên.
Williams bị sốc khi biết về bê bối này. "Việc này tạo ra vết nhơ cho Masquerade. Tôi cảm thấy có trách nhiệm sâu sắc với những người đã thực sự bỏ công sức tìm kiếm báu vật", ông nói.
Sau khi giành được thỏ vàng, Dugald Thompson thành lập công ty phần mềm có tên "Haresoft", tổ chức cuộc thi giải mã với phần thưởng là "báu vật" thỏ vàng. Không ai thắng được trò này, nhiều người nghi ngờ nó chỉ là một trò lừa đảo với những dòng chữ và hình ảnh vô nghĩa. Công ty phá sản năm 1988 và thỏ vàng bị đem ra bán đấu giá vào tháng 12 năm này.
Cuối cùng, thỏ vàng được bán cho một người mua ẩn danh với giá 42.000 USD. Williams cũng tham gia trả giá nhưng dừng bước ở mức 7.800 USD.
Williams "đoàn tụ" với thỏ vàng năm 2009. Ảnh: BBC.
Năm 2009, vào dịp kỷ niệm 30 năm cuốn sách được phát hành, BBC làm chương trình tài liệu phỏng vấn Williams. Ông bày tỏ mong muốn được "đoàn tụ" với thỏ vàng. Khi biết tin, cháu gái của người sở hữu "báu vật" đã biến mong muốn của ông thành hiện thực.
"Tôi đã tạo ra nó vì hồi đó tôi là một tác giả vô danh", Williams nói. "Lúc đó tôi nghĩ rằng nó sẽ trở thành một vật rất đặc biệt và cuối cùng thì thực sự đúng như vậy".
Vũ Phương (vnexpress)