Mới nhận chức chưa đầy 2 ngày, tân Thủ tướng Anh liên tiếp nhận cảnh báo từ nước Mỹ

Theo phía Mỹ, việc từ bỏ nghị định thư Bắc Ireland sẽ không 'tạo ra một môi trường thuận lợi' cho các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Anh.

1 Moi Nhan Chuc Chua Day 2 Ngay Tan Thu Tuong Anh Lien Tiep Nhan Canh Bao Tu Nuoc My

2 cảnh báo liên tiếp từ ông Biden và Nhà Trắng

Ngày 7/9 theo giờ địa phương, Nhà Trắng cảnh báo chính phủ mới của Anh rằng, bất kỳ việc từ bỏ Nghị định thư Bắc Ireland nào cũng có thể làm hỏng cơ hội đạt được một hiệp định thương mại song phương giữa Anh và Mỹ.

Một ngày trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã điện đàm với tân Thủ tướng Anh Liz Truss để thảo luận về "tầm quan trọng của việc đạt được một thỏa thuận đã đàm phán với Liên minh châu Âu (EU) về Nghị định thư Bắc Ireland". Tờ Financial Times của Anh cho rằng, đây cũng là lời cảnh báo của ông Biden với bà Truss về việc không nên đơn phương hủy bỏ thỏa thuận.

Trước đó, với sự thúc đẩy của bà Truss, Hạ viện Anh ngày 27/6 đã thông qua dự luật đơn phương sửa đổi Nghị định thư Bắc Ireland nhằm xóa bỏ các thủ tục hải quan giữa vùng Bắc Ireland và Anh.

Truyền thông quốc tế đã nhiều lần chỉ ra rằng, động thái của bà Truss sẽ khiến EU và Mỹ không hài lòng. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cũng đã thể hiện rõ sự phản đối của mình vào tháng 5 và sử dụng sức ép để cản trở các cuộc đàm phán về một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Anh.

Và hiện tại, chưa đầy 2 ngày sau khi nhậm chức Thủ tướng Anh, bà Truss đã nhận được 2 "cảnh báo" từ phía Mỹ.

Theo hãng tin Bloomberg, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jean-Pierre ngày 7/9 cho biết, mặc dù không có "mối liên hệ chính thức nào" giữa các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Anh với Nghị định thư Bắc Ireland, nhưng việc từ bỏ nghị định thư này sẽ không "tạo ra một môi trường thuận lợi" cho các cuộc đàm phán. Đây được coi là lời cảnh báo đối với chính phủ của bà Truss.

Trong cuộc điện đàm đầu tiên với tân Thủ tướng Anh Liz Truss vào tối 6/9, Tổng thống Mỹ Biden đã trực tiếp nêu ra vấn đề về Nghị định thư Bắc Ireland. Theo thông cáo báo chí của Nhà Trắng, trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về "cam kết chung để bảo vệ các kết quả của Thỏa thuận Belfast" và "tầm quan trọng của việc đạt được thỏa thuận trong đàm phán với EU về Nghị định thư Bắc Ireland". Tuy nhiên, thông cáo báo chí từ Văn phòng Thủ tướng Anh không đề cập đến việc ông Biden nhất quyết đàm phán, chỉ nói rằng hai bên "nhất trí bảo vệ tầm quan trọng của Thỏa thuận Belfast".

Tờ Financial Times nhận định rằng, đây là lời cảnh báo của ông Biden với bà Truss về việc không được đơn phương xé bỏ thỏa thuận giữa Anh và EU về thương mại Bắc Ireland. Tờ báo cho rằng, vấn đề này có thể gây tổn hại cho quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Ngay từ trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020, ông Biden - người gốc Ireland - đã tuyên bố rằng, nếu việc Anh rời EU (Brexit) phá hoại Thỏa thuận Belfast - vốn mang lại hòa bình cho Bắc Ireland, ông sẽ không đồng ý với thỏa thuận thương mại Mỹ - Anh.

2 Moi Nhan Chuc Chua Day 2 Ngay Tan Thu Tuong Anh Lien Tiep Nhan Canh Bao Tu Nuoc My

Nhiều người ủng hộ bà Liz Truss đang thúc đẩy việc loại bỏ kiểm tra đối với hàng hóa chuyển từ Anh qua Bắc Ireland. Ảnh: Bloomberg

Anh muốn hủy bỏ, nhưng EU muốn duy trì

Việc chấm dứt hoạt động thương mại liền mạch giữa Anh và EU sau Brexit đã tạo ra một vấn đề cho đảo Ireland: nếu việc kiểm tra biên giới đột ngột được thiết lập giữa Cộng hòa Ireland - một thành viên EU và vùng lãnh thổ Bắc Ireland - một phần của Vương quốc Anh, nó có khả năng làm gia tăng căng thẳng giữa các phe phái khác nhau. Nghị định thư Bắc Ireland đề xuất một giải pháp thỏa hiệp cho điều này, đó là, việc kiểm tra biên giới đối với các sản phẩm của Anh vào EU được thay đổi để thực hiện giữa Anh và Bắc Ireland, nhằm ngăn chặn sự xuất hiện của một "biên giới cứng" "trên đảo Ireland.

Chính phủ Anh không hài lòng với việc thiết lập một biên giới hải quan bên trong lãnh thổ của mình. Trên thực tế, nghị định thư này đã mang lại nhiều bất tiện cho cuộc sống hàng ngày của người dân Bắc Ireland, do thủ tục khai báo hải quan rườm rà, nhiều sản phẩm tiêu dùng hàng ngày từ Anh không thể kịp thời xuất hiện trên kệ hàng trong các siêu thị ở Bắc Ireland.

Theo Thỏa thuận Belfast, Hội đồng lập pháp Bắc Ireland phải được điều hành bởi một liên minh giữa những người theo chủ nghĩa dân tộc và những người theo chủ nghĩa cộng hòa. Đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP) thân Anh đã từ chối tham gia vào liên minh sau vòng bầu cử mới, nhằm "ép buộc" chính phủ Anh sửa đổi nghị định thư Bắc Ireland.

EU đã đưa ra các đề xuất thay đổi vào tháng 10 năm ngoái, bao gồm cắt giảm thủ tục hải quan, đơn giản hóa giấy tờ và giảm kiểm tra biên giới để tạo thuận lợi cho dòng chảy hàng hóa giữa Anh và Bắc Ireland. EU còn đồng ý sửa đổi các quy tắc của riêng mình để đảm bảo việc cung cấp thuốc ở Bắc Ireland không bị gián đoạn. Tuy nhiên, đề xuất sửa đổi của EU đã bị phía Anh bác bỏ. Các sửa đổi mà phía Anh đề xuất bao gồm: miễn là điểm đến của hàng hóa Anh qua Bắc Ireland không phải là Cộng hòa Ireland, việc kiểm tra liên quan sẽ bị hủy bỏ.

Ngoài ra, hai bên cũng có sự khác biệt nghiêm trọng về thẩm quyền của Tòa án Công lý châu Âu tại Bắc Ireland. Phía châu Âu cho rằng, Bắc Ireland nằm trong thị trường chung châu Âu nên thuộc thẩm quyền của Tòa án Công lý châu Âu. Phía Anh hy vọng có thể hủy bỏ thẩm quyền của Tòa án Công lý châu Âu tại Bắc Ireland, và biến đây trở thành trọng tâm của việc sửa đổi nghị định thư.

3 Moi Nhan Chuc Chua Day 2 Ngay Tan Thu Tuong Anh Lien Tiep Nhan Canh Bao Tu Nuoc My

Bản đồ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland.

Vào tháng 6 năm nay, bà Liz Truss lúc đó đang là Ngoại trưởng Anh đã đệ trình dự luật đơn phương sửa đổi một phần của nghị định thư Bắc Ireland lên Nghị viện Anh, và đã được Hạ viện thông qua. Bà Truss cho biết, dự luật do phía Anh đề xuất sẽ cung cấp cơ sở cho các giải pháp lâu dài và bền vững cho bốn vấn đề chính: thủ tục hải quan rườm rà, quy định thiếu linh hoạt, chênh lệch về thuế và chi tiêu, và tranh cãi về quản trị dân chủ.

Ủy ban châu Âu (EC) ngay lập tức bắt đầu các thủ tục tố tụng và cảnh báo rằng, các hành động đơn phương của Anh đang làm tổn hại đến lòng tin lẫn nhau và bất kỳ ai cố ý sửa đổi nghị định thư sẽ phải gánh chịu hậu quả.

Tháng trước, tờ Financial Times dẫn lời một quan chức cấp cao thân cận với bà Truss cho biết, bà Truss có thể hủy bỏ điều khoản khẩn cấp số 16 của Nghị định thư Bắc Ireland trong vòng vài ngày sau khi trở thành Thủ tướng Anh, từ đó từ bỏ nghị định thư này; và bà Truss đã nhận được lời khuyên từ các chuyên gia thương mại và pháp lý về việc kích hoạt các điều khoản khẩn cấp.

Tuy nhiên, tờ Financial Times mới đây đưa tin, các quan chức cấp cao thân cận với bà Truss cho biết, bà sẽ không kích hoạt điều khoản khẩn cấp trong vài tuần tới.

Mujtaba Rahman - Giám đốc điều hành các vấn đề châu Âu của công ty tư vấn Eurasia Group - tin rằng, điều này sẽ tạo ra dư địa cho ngoại giao, mặc dù sự thích ứng của EU cuối cùng sẽ phụ thuộc vào cách tiếp cận của tân Thủ tướng Truss đối với nghị định thư.

Hữu Hiển

Nguồn: toquoc.vn

Bài liên quan