Nạn buôn người đã thay đổi như thế nào sau thảm kịch Essex

Thảm kịch năm 2019 ở Essex và đại dịch vẫn không thể dập tắt nhu cầu di cư bất hợp pháp của người Việt Nam. Nhưng chi phí và chiêu trò của các băng nhóm buôn người đã thay đổi.

Ngày 23 tháng 10 năm 2019, thi thể của 39 người gồm cả đàn ông, phụ nữ và thanh thiếu niên Việt Nam được tìm thấy chồng chất lên nhau trên một chiếc xe container tại một khu công nghiệp ở Essex, đông nam nước Anh.

Các nạn nhân có tuổi từ từ 15 đến 44, nhiều người trước đó sinh sống tại Hà Tĩnh và Nghệ An, rời Việt Nam với mộng làm giàu bằng những công việc “chui” như ở trang trại cần sa, rửa xe và làm nails bất hợp pháp.

132 1 Nan Buon Nguoi Da Thay Doi Nhu The Nao Sau Tham Kich Essex

Tang lễ của hai nạn nhân Nguyễn Văn Hùng (Trái) và Hoàng Văn Tiệp (Phải) tại quê nhà

Bốn nam giới hiện đang bị xét xử ở Anh vì âm mưu hỗ trợ di cư bất hợp pháp, ngộ sát và các cáo buộc khác liên quan đến thảm kịch. Chi tiết về khoảnh khắc cuối cùng của các nạn nhân gây ám ảnh dư luận, bao gồm thư thoại và tin nhắn văn bản trong tuyệt vọng và nỗ lực đập cửa kêu cứu cũng được công bố. Tại Việt Nam, 4 người khác đã bị kết án tù từ 2.5 năm đến 6.5 năm vì tội “tổ chức và môi giới di cư bất hợp pháp”.

Vụ việc đã trở thành chủ đề được bàn tán trên khắp thế giới, thúc đẩy những lời kêu gọi thay đổi chính sách di cư nghiêm ngặt của châu Âu, đặc biệt là ở biên giới Anh quốc, và ngăn chặn các đường dây tội phạm quốc tế tiếp tay gây nên cái chết của vô số người di cư.

Nhưng một năm sau, trong bối cảnh Covid-19 khiến cả thế giới lo sợ, nhu cầu di cư bất hợp pháp vẫn còn, trong khi giá cho những hành trình mạo hiểm này cũng tăng chóng mặt. Các đường dây buôn lậu đang chờ Việt Nam mở lại biên giới quốc tế và động cơ của vấn đề này hầu như không thay đổi.

“Sau Essex, chi phí cho những chuyến đi này tăng lên theo từng giai đoạn,” cố vấn Mimi Vu, một chuyên gia chống buôn người độc lập có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh, nói với VICE News. Hiện tại, chi phí đi qua eo biển Anh từ Calais, cảng gần nhất của Pháp đến bờ biển Anh, lên đến 30.000 đô la, trong khi trước 2019, giá đi toàn bộ từ Việt Nam đến Anh cũng chỉ rơi vào mức đấy.

Vũ cũng đã kiểm tra các quảng cáo trực tuyến bằng tiếng Việt với thông điệp có thể gây hiểu nhầm.

"Nhiều đối tượng trên phương tiện truyền thông xã hội nói dối 30 người chết vì sử dụng các dịch vụ mờ ám, không đáng tin cậy với giá rẻ. Nhưng đây đều là dối trá bởi dù thế nào đi nữa, người di cư bất hợp pháp vẫn phải đi qua tuyến đường phía bắc nước Pháp", Vũ nói, "Giá cả tuân tùy theo xu hướng thị trường.

Có nhiều người Việt đang mắc kẹt ở châu Âu và họ không thể về Việt Nam vì nợ tiền và các chuyến bay quốc tế bị đình chỉ, vì vậy họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục cày cuốc."

Trong khi đó, những kẻ môi giới và mạng lưới di cư bất hợp pháp đang tích cực quảng cáo tại Việt Nam để chuẩn bị cho thời điểm các hạn chế phòng dịch được nới lỏng và đường vận chuyển quốc tế được nối lại. Đôi khi, những quảng cáo này lợi dụng sự tồn tại của các chính sách có thực và hợp pháp, ví dụ như Ba Lan tuyển dụng lao động từ Việt Nam, và tung ra lời hứa hẹn “có cánh”, thiếu thực tế.

“Những gì mà những kẻ môi giới này đưa ra nghe thật điên rồ”, bà Vũ nói. "Ví dụ: lương hàng tháng được đảm bảo lên đến 4,700 đô la, được chi trả mọi thứ từ bảo hiểm y tế đến tiền ăn ở cho đến tiền nghỉ lễ, và điều quan trọng là sau sáu tháng, bạn có thể đưa gia đình sang. Khi mọi chuyện trở lại bình thường, chúng ta lại thấy mọi người cố gắng đi, qua nước trung gian như Singapore hoặc một nước ASEAN khác vì người Việt không cần xin thị thực ở đó".

Nhiều quảng cáo này được thực hiện công khai. Một nhóm Facebook công khai với 9,300 thành viên có tên là Xuất Khẩu Lao Động Châu Âu có các bài đăng tuyển dụng việc làm ở Hungary và Romania, quảng cáo về dịch vụ xin thị thực vào EU và hoặc các khu vực khác trên thế giới.

Những người quan tâm chỉ cần hỏi về các dịch vụ để được “tư vấn tận tình”. Vào ngày 11 tháng 10, một người bình luận vào bài đăng ngẫu nhiên để tuyển thêm người muốn làm việc ở Ba Lan hoặc Canada. Một bài đăng khác quảng cáo các chương trình du học ở Malta, nhấn mạnh rằng sinh viên có thể tự do đi khắp EU và tìm việc làm “chui”.

Bà Vũ nói rằng trong các nhóm khác, người dân từ các tỉnh miền Trung Việt Nam hiện đang trải qua trận lũ lụt tồi tệ nhất trong lịch sử, bao gồm cả Nghệ An và Hà Tĩnh, đang bắt đầu tìm cách đi đến các quốc gia "an toàn hơn".

Tuy nhiên, bà Vũ nhấn mạnh rằng Việt Nam đang xử lý thành công đại dịch và tăng trưởng kinh tế đồng đều. Việc này có thể đã thuyết phục nhiều người ở lại.

“Điều quan trọng là Việt Nam đang ngày càng phát triển. Hiện nay, chúng tôi là một trong những quốc gia an toàn nhất trên thế giới về sức khỏe, và người Việt Nam rất sợ bị nhiễm bệnh, cộng với thái độ ‘chống’ đeo khẩu trang phương Tây", bà Vũ nói.

Tuy nhiên, bi kịch của Essex vẫn gây ra nhiều thay đổi.

Nadia Sebtaoui, chuyên gia nghiên cứu vấn đề buôn người tập trung vào người di cư Việt Nam ở miền bắc nước Pháp, cho biết những kẻ buôn lậu không sử dụng cách giấu người  trong các container để tránh một thảm kịch tương tự xảy ra.

"Họ bắt đầu cẩn thận hơn và sử dụng những chiếc xe bình thường chỉ với hai hoặc ba người thay vì 15 người trở lên, hoặc họ đưa một hoặc hai người ‘tay trong’ vào cabin xe tải cùng tài xế", cô Sebtaoui nói.

Với tính chất bất hợp pháp của các hoạt động buôn lậu này, rất khó để xác định có bao nhiêu người Việt Nam đi qua châu Âu trong năm nay, nhưng Sebtaoui đã ghi nhận sự sụt giảm đáng kể về số lượng người di cư bất hợp pháp ở miền bắc nước Pháp sau thảm kịch Essex một năm trước.

"Các đồng nghiệp của tôi làm việc tại các trại giam giữ dọc theo Eo biển Manche chỉ thấy hai người Việt Nam bị bắt giữ vào tháng trước, trong khi hầu hết các tháng có khoảng 10 người, vì vậy chúng tôi biết rằng những người muốn vượt biên đang giảm hoạt động và chờ đợi đến khi tình hình lắng xuống", cô Sebtaoui nói .

132 2 Nan Buon Nguoi Da Thay Doi Nhu The Nao Sau Tham Kich Essex

Thủ tướng Anh Boris Johnson cùng với cảnh sát trưởng của tiểu bang Essex, Ben-Julian Harrington, và Bộ trưởng Nội vụ Anh Priti Patel đặt hoa tưởng niệm 39 nạn nhân ngày 28/10/2019

Theo Văn phòng Liên hợp quốc về Ma túy và Tội phạm, buôn bán người liên quan đến "việc tuyển dụng, di chuyển hoặc chứa chấp người nhằm mục đích bóc lột - chẳng hạn như bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, làm nô lệ hoặc lấy nội tạng".

Buôn lậu, vận chuyển người trái phép, được xếp vào hạng mục khác, là "hành động hỗ trợ người di cư nhập cảnh hoặc ở lại một quốc gia bất hợp pháp, vì lợi ích tài chính hoặc vật chất."

132 3 Nan Buon Nguoi Da Thay Doi Nhu The Nao Sau Tham Kich Essex

Nghi thức hạ huyệt của nạn nhân Nguyễn Văn Hùng ngày 28/11/2019

Phiên tòa đang diễn ra ở Anh đối với 4 công dân Ireland và Vương quốc Anh không liên quan đến tội danh buôn người, vì 39 người Việt Nam tự nguyện rời quê hương và trả tiền cho các mạng lưới buôn lậu người để đến châu Âu và nhằm có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Sebtaoui đã đưa ra ví dụ về cách sử dụng các thuật ngữ này có thể thay đổi nhận thức về một sự kiện.

"Sự chú ý sau vụ việc Essex có tác động tốt, nhưng 39 người đều bị coi là nạn nhân của nạn buôn người", cô nói. "Nhưng nếu bị cảnh sát Pháp hoặc Bỉ bắt trên đường đi, họ sẽ bị đưa vào trung tâm giam giữ như những người di cư bất hợp pháp khác".

Vào tháng 3 và tháng 4 năm nay, vào kỳ đỉnh dịch COVID-19 ở châu Âu, các đồng nghiệp của Sebtaoui không ghi nhận vụ bắt giữ người Việt Nam nào, nhưng cô cho biết hoạt động nhập cảnh và di cư trái phép đã bắt đầu manh nha trở lại vào tháng 6. Khó khăn hiện nay là đi khỏi Việt Nam và qua Nga bằng đường bộ trong khi số chuyến bay quốc tế còn ít. Nhưng nếu người di cư có thể đến Nga, các tuyến đường qua các nước Baltic hoặc Belarus vẫn có thể được sử dụng.

Các chuyên gia tin rằng việc luật cần phải được sửa đổi và thành lập một lực lượng đặc nhiệm, vì các hoạt động phi pháp này còn liên quan đến hàng lậu, các sản phẩm từ động vật hoang dã và ma túy. Vi vậy. các quốc gia cần đẩy mạnh hợp tác. Nếu không, các tuyến đường bất hợp pháp, không an toàn vẫn được sử dụng vì những đối tượng cầm đầu không bị bắt.

Cuối cùng, lời nhắc kinh hoàng của vụ việc Essex dường như không ảnh hưởng nhiều đến mong muốn vượt biên bằng mọi cách. Một nam thanh niên sống ở Yên Thành, Nghệ An – nơi số nạn nhân trong vụ 39 người từng sống, giải thích tình hình với điều kiện được giấu tên.

"Họ vẫn muốn đi nếu có cơ hội", người này nói, "Khó mà tìm được một người không muốn đến Essex".

Theo Vice

Bài liên quan