Năng suất lao động giảm tốc đang trở thành mối quan ngại lớn đối với kinh tế Anh vào thời điểm mà nước này trông cậy vào động lực này để thúc đẩy tăng trưởng.
Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit của Anh Dominic Raab cho biết London sẽ áp dụng biện pháp đơn phương và tôn trọng các quy định của Liên minh châu Âu (EU) trong một số lĩnh vực. Ảnh: TTXVN phát Kể từ sau cuộc Đại suy thoái đến nay, kinh tế thế giới đã ghi nhận những tiến bộ rõ rệt, song một vấn đề đang khiến các nhà hoạch định chính sách đau đầu là tỷ lệ tăng trưởng năng suất lao động hiện vẫn đang ở mức thấp tại nhiều nền kinh tế phát triển, trong đó có Vương quốc Anh.
Tăng trưởng năng suất đóng vai trò quan trọng trong vấn đề tăng lương và cải thiện mức sống của người dân, đồng thời giúp nâng cao sức mua của người tiêu dùng và tăng nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ.
Năng suất lao động vẫn là một vấn đề nan giải đối với Anh từ lâu, thậm chí có nhiều ý kiến cho rằng năng suất trì trệ đặt ra nhiều rủi ro nghiêm trọng hơn cho tương lai của đất nước so với tiến trình Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (hay còn gọi là Brexit).
Trên thực tế, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2007-08, tăng trưởng năng suất ở Anh đã chậm hơn so với hầu hết các nền kinh tế phát triển khác. Đến cuối năm 2016, Anh vẫn đứng gần cuối bảng về năng suất lao động trong Nhóm 7 nền kinh tế phát triển nhất thế giới (G7), chỉ trên Nhật Bản.
Theo Cơ quan Thống kê Quốc gia Anh, năng suất lao động tại Anh thấp hơn 27,3% so với Mỹ. Năng suất lao động thấp là lý do chính dẫn tới tình trạng chênh lệch về thu nhập và mức sống tại Anh, với việc thu nhập của người lao động không được cải thiện, trong khi chi phí sinh hoạt đã tăng vọt.
Cụ thể, nhà kinh tế trưởng của Deloitte, Ian Stewart chỉ ra rằng GDP/mỗi giờ làm việc – thước đo chính về năng suất tại Anh chỉ tăng 2,2% kể từ năm 2010, thấp hơn 1/3 so với ở Đức.
Năng suất kém có xu hướng ngăn chặn tăng trưởng tiền lương. Mức lương trung bình tại Anh (sau điều chỉnh lạm phát) đã giảm 1,6% kể từ năm 2010. Trong cùng thời kỳ, tăng trưởng năng suất tốt ở Đức đã giúp nâng mức thu nhập của người lao động thêm 10%.
Nguy cơ khủng hoảng năng suất lao động ở Anh đang trở nên trầm trọng hơn do tốc độ già hóa dân số đều đặn, theo kết quả một nghiên cứu đăng trên tạp chí của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội Anh.
Thay đổi trong hồ sơ nhân khẩu học hướng về phía tăng dân số già gây ra sự thiếu hụt nguồn nhân lực trẻ trình độ cao có thể ảnh hưởng đến tiến trình phát triển nền kinh tế theo hướng công nghiệp 4.0 trong một kỷ nguyên của tự động hóa và trí tuệ nhân tạo.
Các nhà kinh tế cho rằng công nhân lớn tuổi thường ít năng động hơn những lao động trẻ hơn, trong khi những người về hưu thường có xu hướng chi tiêu thay vì tiếp tục đầu tư mới. Tăng trưởng chậm về quy mô dân số tại các quốc gia phát triển đang làm suy giảm các thị trường hàng hóa và dịch vụ, khiến các doanh nghiệp mất động lực để tăng cường đầu tư sản xuất.
Chuyên gia Bruce Kasman tại ngân hàng đầu tư JP Morgan cảnh báo dân số già có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng nguồn cung lao động và hãm phanh đà tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, có một điểm sáng trong hồ sơ năng suất của Anh. Nền kinh tế Anh ghi nhận những kết quả đáng khích lệ trong việc tạo ra việc làm mới, tuyển dụng và giảm tỷ lệ thất nghiệp. Số người có việc làm tại Anh đã tăng 10% kể từ năm 2010, nhanh hơn ở Đức hay hầu hết các nước trong Liên minh châu Âu (EU) khác.
Theo Cơ quan Thống kê Quốc gia (ONS) của Anh, tỷ lệ thất nghiệp ở nước này đã đứng ở mức 4,4% trong quý IV/2017. Thị trường việc làm của nước này tương đối rộng lớn và dễ tiếp cận, với tỷ lệ việc làm cao trong tất cả các đối tượng như phụ nữ, công nhân trẻ và người lớn tuổi. Các công việc tạm thời cũng ít phổ biến hơn so với ở hầu hết các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) xếp hạng thị trường lao động của Anh, cùng với Mỹ, là một trong những thị trường linh hoạt nhất trên thế giới. Tính linh hoạt này được đặc trưng bởi sự kết hợp hiệu quả giữa các loại hình công việc và kỹ năng của người lao động, dễ dàng trong tuyển dụng và sa thải. Các quốc gia có xếp hạng cao về tính linh hoạt này thường có điểm mạnh về tạo việc làm và tỷ lệ thất nghiệp thấp.
Tình trạng tỷ lệ thất nghiệp thấp song tốc độ tăng lương và năng suất lao động trì trệ của Anh tương phản với các đầu tàu châu Âu khác. Thị trường lao động của Pháp kém linh hoạt hơn và tỷ lệ tạo việc làm thấp hơn so với Anh. Tuy nhiên, Pháp được đánh giá cao về tốc độ tăng trưởng năng suất lao động. Vào cuối ngày thứ Năm trong tuần, một công nhân Pháp trung bình đã sản xuất sản lượng tương đương những gì mà một người lao động Anh trung bình phải mất cả tuần làm việc.
Mặc dù tìm việc ở Pháp khó khăn hơn ở Anh, nhưng người lao động làm việc có hiệu suất cao hơn và được tăng lương nhanh hơn. Chi phí phải trả cho nhân viên cao và các rào cản trong quá trình tuyển dụng có thể là những thách thức đối với việc kiến tạo việc làm, nhưng điều này cũng khuyến khích các chủ sử dụng lao động một cách hiệu quả.
Người Anh rất giỏi tạo việc làm và người Pháp mạnh về năng suất, tuy nhiên mục tiêu cao nhất của chính sách kinh tế là tăng trưởng cả về số lượng và chất lượng lao động. Đây là điều mà nhóm các nước Tây Bắc Âu như Đức, Thụy Sỹ, nhóm Benelux (gồm Bỉ, Hà Lan và Luxembourg) và các nước Bắc Âu đã đạt được. Những quốc gia này có thị trường lao động linh hoạt, tỷ lệ việc làm cao và tỷ lệ thất nghiệp thấp, tăng trưởng năng suất và tốc độ tăng lương đều ở mức “đáng mơ ước”.
Trong trường hợp của Đức, việc đưa ra một chính sách cải cách thận trọng, theo đuổi qua nhiều năm đã giúp nước này tạo việc làm và khởi động lại tăng trưởng. Vào cuối những năm 1990, nền kinh tế của Đức có vẻ ngày càng ốm yếu và thiếu tính cạnh tranh. Tỷ lệ thất nghiệp thì liên tục ở mức cao khó tin. Khi đó, phương tiện truyền thông mô tả Đức là “con bệnh của châu Âu”.
Chính phủ của cựu Thủ tướng Gerhard Schröder đã tiến hành nới lỏng các quy định về tuyển dụng và sa thải, đưa ra những gói hỗ trợ để khuyến khích người thất nghiệp tham gia vào thị trường lao động. Những các cải cách vấp phải sự phản đối mạnh mẽ, nhưng chúng đã đóng một vai trò quan trọng để đưa Đức trở thành nền kinh tế đầu tàu châu Âu với tăng trưởng việc làm cao hiện nay.
Bên cạnh đó, các nhà kinh tế cũng chỉ ra rằng, bên cạnh thị trường lao động linh hoạt, các nước trên có nền giáo dục gắn với đào tạo nghề nghiệp. Trong khi ở Anh, các trường đại học là những lựa chọn mặc định sau khi tốt nghiệp phổ thông, nhiều thanh niên ở Tây Bắc Âu hướng đến các nghề nghiệp cụ thể tại trường đào tạo nghề, đại học hoặc nơi làm việc. Thụy Sỹ được cho là quốc gia dẫn đầu châu Âu trong giáo dục đào tạo nghề với 70% thanh niên lựa chọn con đường này./.
Nguồn: Bnews.vn