Zena Cooper, người có bằng thạc sĩ, luyện được những kỹ năng giúp cô qua mặt tất cả mọi người, kể cả bố mẹ và chồng.
Zena Cooper, 42 tuổi ở Ammanford, xứ Wales, mắc Hội chứng Marfan khiến cô gần như mù hoàn toàn.
“Giáo viên yêu cầu tô màu con sóc, trong khi bạn học đều tô màu nâu đỏ, tôi lại tô màu tím. Dù sau đó được chuyển lên bàn đầu, tôi vẫn không nhìn thấy, song tôi quá sợ những lời chế giễu để thừa nhận”, Zena nói về lúc phát hiện mình khác biệt năm 4 tuổi.
Từ đó cô đã luyện những cách để không ai biết mình bị mù. Cô luôn đeo kính dày cộp nên gắn liền với biệt danh “kính ba mắt” thời bé. Năm lớp 6, Zena học được cách nhìn sách vở khi giơ sát để đọc, giống như đang ngửi. “Nhiều người nghĩ rằng người mù chỉ nhìn thấy màu đen, nhưng 90% chúng tôi có một số nhận thức về ánh sáng”, cô nói.
Zena gần như không nhìn thấy gì từ bé, nhưng cô che giấu tới lúc 38 tuổi. Ảnh: The Sun.
Cô học cách ghi nhớ các tuyến đường quen thuộc, nhớ mọi người qua mùi. Ví như cô biết bà của mình bởi trên người có mùi nước hoa kết hợp với mùi thuốc lá. Lúc nuôi con, cô biết con ốm vì có “mùi chua”…
“Tôi đã sống trong tình trạng cảnh giác cao độ. Tôi luôn lên kế hoạch, di chuyển bằng cách đếm bước chân, ghi nhớ cảm giác bề mặt dưới chân và phát triển thính giác”, cô chia sẻ.
Năm tháng trôi qua, cô cảm thấy mình như kẻ lừa đảo nhưng đã quá muộn để nói với mọi người. Zena sợ bị thương hại. Thậm chí cả hai lần kết hôn, hai người chồng đều không biết thực tế tầm nhìn của vợ.
Một phẫu thuật năm 2000 khiến thị lực Zena tồi tệ hơn. Cô quyết định từ bỏ nghề y tá sau khi gây ra sự cố không nhìn thấy vết loét dưới chân bệnh nhân.
Song, Zena vẫn kiên cường. Cô lấy bằng nhân văn năm 2012 từ Đại học Swansea, hai năm sau hoàn thành chương trình thạc sĩ và sau đó làm cố vấn trường học. Chữ trên màn hình của cô được phóng to 1.200% và mỗi lần chỉ xem được 6 từ. Vì thế để học hành, làm việc được là cả một quá trình kiên nhẫn.
Zena giờ đây không còn nhìn thấy gì, khiến cô gặp khó khăn đi lại nên cần một chú chó dẫn đường. Ảnh: The Sun.
Bốn năm trước, Zena mất sạch thị lực. Một lần cô nhầm một học sinh đang cần giúp đỡ với một học sinh khác có chiều cao và giọng nói tương tự. Sự cố là một sự đả kích với Zena. Cô thấy những chiêu trò che giấu bao năm qua của mình hoàn toàn vô dụng.
Cuối cùng, cô thừa nhận với mọi người. Ban đầu họ sốc, có người còn hoài nghi lời cô nói. “Lúc mẹ tôi biết, bà cảm thấy khủng khiếp, tội lỗi. Vì ngày bé mẹ không biết mắt của tôi thế nào, nên vẫn nghĩ tôi ổn. Đến khi bệnh càng nặng, tôi càng không dám nói vì biết bố mẹ sẽ lo lắng cho một điều không thể làm gì thay đổi”, cô chia sẻ. Bí mật của Zena, với hai người chồng cũ cũng là cú sốc lớn.
Đến bây giờ Zena mới thừa nhận mình là người khuyết tật và cần sự giúp đỡ. Nhưng với cô, sự giúp đỡ chỉ là một chú chó dẫn đường, tên Munch. Là một người lạc quan, hài hước, Zena thấy bị mù giúp cô khai thác được các phần của não bộ mà người bình thường không nhìn thấy. Cô cũng có thể cảm nhận tâm trạng của mọi người.
“Tôi chưa bao giờ nhìn thấy khuôn mặt của các con tôi nhưng tôi cảm thấy mình có thể nhìn vào trái tim của chúng”, người mẹ 4 con nói.
Nguồn: VnExpress