Nhiều người Anh tỏ thái độ ‘Bregret’, hối hận vì rời EU

Gần 7 năm trôi qua với 4 vị Thủ tướng khác nhau kể từ khi Vương quốc Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), kết quả các cuộc thăm dò tại nơi này cho thấy sự ủng hộ của công chúng với Brexit đang dần giảm mạnh và có chiều hướng đảo ngược.

Được ghép giữa 2 từ tiếng anh “Brexit” và “Regret” (sự hối hận), Bregret là một cụm từ xuất hiện gần đây để chỉ những người đã bình chọn cho Vương quốc Anh rời EU trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 và hiện cảm thấy hối hận về quyết định đó. Đây là một tư tưởng đang ngày càng nhận được sự ủng hộ của người dân Anh trong những năm gần đây.

1 Nhieu Nguoi Anh To Thai Do Bregret Hoi Han Vi Roi EuNgày càng nhiều người dân Anh cho rằng quyết định rời EU của nước này là một quyết định sai. Ảnh: The New European

Cụ thể, theo kết quả cuộc thăm dò mới nhất của YouGov được công bố cuối tháng 2, 53% số người tham gia cho rằng Vương quốc Anh đã sai khi lựa chọn rời EU so với 32% vẫn tin rằng đây là quyết định đúng đắn. Một cuộc thăm dò khác của Ipsos hồi tháng 1 trước đó cũng ghi nhận kết quả 45% dân số cho rằng Brexit đã khiến cuộc sống hàng ngày của họ trở nên tồi tệ hơn. Chỉ có 11% cho rằng Brexit đã cải thiện cuộc sống của họ.

Cuộc thăm dò dư luận do Focaldata và UnHerd thực hiện với 10.000 người trên toàn Vương quốc Anh cuối năm 2022 cũng đưa ra kết quả tương tự. Cụ thể, có tới 54% cho biết mình “hoàn toàn đồng ý” hoặc “phần nào đồng ý” với tuyên bố rằng “Anh đã sai khi rời khỏi EU” trong khi những người không đồng ý chiếm 28%

Trong bối cảnh đó, nền kinh tế Vương quốc Anh được dự đoán sẽ là nền kinh tế hoạt động kém nhất trong nhóm G20 trong 2 năm tới, một triển vọng thậm chí còn tồi tệ hơn cả nền kinh tế Nga vốn đang bị vây trong các lệnh cấm vận.

Mặt khác, cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và bất ổn chính trị cũng gây ra các vấn đề dai dẳng với Đảng Bảo thủ. Đảng cầm quyền của Thủ tướng Rishi Sunak hiện đang kém Đảng Lao động đối lập hơn 20 điểm trong các cuộc thăm dò dư luận trước cuộc tổng tuyển cử vào năm 2024.

2 Nhieu Nguoi Anh To Thai Do Bregret Hoi Han Vi Roi Eu

Biểu tình phản đối Brexit tại Anh năm 2016. Ảnh: Getty Images

Theo CNBC trích dẫn ông Anand Menon, giáo sư về chính trị châu Âu và các vấn đề đối ngoại tại King’s College London, người dân Anh có 2 sự thay đổi chính về thái độ đối với Brexit.

Đầu tiên là ngày càng có nhiều người, bao gồm cả những người bỏ phiếu rời EU trước đó, cho rằng kết quả hiện tại là do chính phủ xử lý không tốt. Điều này cũng tương đương với việc Brexit được coi như một thất bại của chính phủ Anh. Kết quả cuộc thăm dò mới nhất của YouGov cũng đồng tính với nhận định này khi 68% những người được hỏi cho rằng chính phủ đã xử lý Brexit không tốt và 21% cho rằng chính phủ đang làm tốt.

Thay đổi thứ 2 là số lượng ngày càng gia tăng những người bỏ phiếu rời EU và cả những người có lựa chọn khác cho rằng Brexit có tác động tiêu cực tới nền kinh tế. Các ngành công nghiệp từ trồng trọt và đánh bắt cá đến sản xuất ô tô và dược phẩm đã nêu bật những khó khăn phải đối mặt do hậu quả trực tiếp của Brexit trong vài năm qua.

Ông cho rằng tình trạng khủng hoảng mức sống kéo dài kèm theo các chính sách tiết kiệm của chính phủ cũng góp phần khiến nhiều người dân cảm thấy tức giận với Brexit.

Ở một diễn biến khác, ông Menon nhận định một thay đổi nữa chính là ở việc Brexit không còn là vấn đề khiến người dân và cử tri quan tâm nhất. Hồi tháng 1/2019, tức thời điểm Anh diễn ra tổng tuyển cử, vấn đề Brexit/châu Âu là vấn đề quan trọng hàng đầu với 72% cử tri. Con số này ghi nhận mức quan tâm cao nhất kể từ tháng 9/1974. Tuy nhiên tới tháng 10/2022, tỷ lệ này giảm mạnh chỉ còn 6%.

Thay vào đó, khảo sát của Ipsos chỉ ra rằng vấn đề y tế, đặc biệt là các vấn đề liên quan tới Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) hiện là cái công chúng quan tâm nhiều nhất với 42% số người được hỏi đề cập đến vấn đề này. Trong khi đó, các vấn đề được quan tâm tiếp theo là triển vọng nền kinh tế và lạm phát với tỷ lệ được đề cập là 37% và 36%.

Ngân Hà

Bài liên quan