Thủ tướng Anh cho biết sẽ bỏ khuyến cáo người dân ở nhà như một phần trong kế hoạch dần nới lỏng các biện pháp hạn chế ứng phó Covid-19.
"Chúng ta phải chắc chắn dữ liệu sẽ hỗ trợ khả năng chúng ta thực hiện điều này. Dữ liệu đó sẽ liên tục đến trong vài ngày tới. Nếu có thể, tôi muốn chúng ta sẽ thực hiện một số biện pháp nới phỏng tỏa vào đầu tuần sau", Thủ tướng Anh Boris Johnson nói trong cuộc họp ở số 10 phố Downing hôm 6/5.
Ông Johnson cho biết sẽ thông báo kế hoạch nới phong tỏa trong cuộc họp ngày 10/5. Các biện pháp dỡ hạn chế sẽ không thực hiện đồng loạt mà theo từng giai đoạn, trong đó bỏ khuyến cáo ở nhà, cho phép cá nhân hoặc các thành viên cùng một gia đình ra ngoài tập thể thao "không giới hạn".
Ông cũng dự định khuyến khích mọi người quay trở lại làm việc nếu an toàn, nhưng đề nghị người dân che mặt khi đi trên các phương tiện giao thông công cộng.
Các trường học có thể bắt đầu mở cửa trở lại "theo giai đoạn" vào đầu tháng 6, nhưng các nhà hàng, quán bar và quán cà phê vẫn chưa được ấn định thời điểm chính xác có thể nối lại hoạt động.
Cách ứng phó của chính phủ Anh với Covid-19 từng hứng nhiều chỉ trích do xét nghiệm hạn chế và thiếu hụt thiết bị bảo hộ cho các nhân viên y tế. Nước này hiện phải đối mặt với câu hỏi liệu sẽ nới phong tỏa như thế nào để không gây ra làn sóng bùng phát dịch lần hai.
Anh đã thực thi lệnh phong tỏa hơn một tháng, khiến các doanh nghiệp phải đóng cửa và người dân được yêu cầu ở nhà nếu không có việc cần thiết. Cố vấn y tế chính phủ Anh Chris Whitty cảnh báo cần kéo dài cách biệt cộng đồng cho đến khi tìm ra vaccine hoặc phương pháp điều trị nCoV.
Patrick Vallance, trưởng nhóm cố vấn khoa học chính phủ Anh, cho rằng đa số ca nhiễm nCoV ở nước này có nguồn gốc châu Âu, không phải Trung Quốc.
"Vào đầu tháng 3, Anh ghi nhận rất nhiều ca nhiễm nCoV du nhập từ nhiều nơi khác nhau, đặc biệt là từ các nước châu Âu có dịch", ông Vallence phát biểu trước Ủy ban Chăm sóc Y tế và Xã hội của Hạ viện Anh hôm 5/5. Bộ gene virus vào thời điểm đó cho thấy phần lớn ca nhiễm "có thể đến từ Italy và Tây Ban Nha", ông nói.
"Có thể đó là những du học sinh về nghỉ giữa kỳ, người đi công tác, nhưng chúng tôi không chắc lắm. Nhưng rất nhiều ca nhiễm không đến từ Trung Quốc hay từ những nơi bạn nghĩ. Họ quả thực đến từ châu Âu và tới Anh với tần suất cao vào khoảng thời gian đó", Vallance nói.
VnExpress (theo Sky News)