Nữ hoàng có thể phải cắt ngắn kỳ nghỉ hè nếu cần có mặt để thực hiện nghĩa vụ hiến pháp trong bối cảnh có nhiều suy đoán cho rằng thủ tướng mới có thể đẩy bà vào một cuộc khủng hoảng chính trị.
Cung điện sẽ không đưa ra bình luận trực tiếp về việc liệu các vấn đề chính trị có thể buộc Nữ hoàng trở về sớm hơn hay không.
Tuy nhiên, việc bà ở lại Cung điện Buckingham để bổ nhiệm ông Boris Johnson làm thủ tướng thể hiện rõ ràng cam kết của bà trong việc đặt các nhiệm vụ hiến pháp lên hàng đầu.
Nữ hoàng đã đến Balmoral ở Aberdeenshire vào thứ ba (6/8) để bắt đầu kỳ nghỉ hè hàng năm. Bà đã trì hoãn chuyến đi đến Scotland để có thể giám sát quy trình bàn giao quyền lực thủ tướng vào ngày 24 tháng 7.
Nữ hoàng thường không trở lại Cung điện Buckingham cho đến đầu tháng Mười.
Sau những đồn đoán trong tuần này rằng ông Johnson có thể không từ chức ngay cả khi mất phiếu tín nhiệm, cựu ngoại trưởng Malcolm Rifkind cảnh báo ông Johnson có thể đẩy nước Anh vào cuộc khủng hoảng hiến pháp lớn nhất kể từ sau nội chiến.
Ông cũng kêu gọi tân thủ tướng không nghe theo lời khuyên của các cố vấn và không nên đi theo vết xe đổ của vua Charles I, người đã giải tán quốc hội năm 1628.
Bộ trưởng Tài chính đảng đối lập, ông John McDonnell, đe dọa sẽ đưa lãnh đạo đảng Lao động đến cung điện bằng taxi nếu ông Johnson từ chối từ chức trong trường hợp không có phiếu tín nhiệm.
Phát biểu tại Edinburgh Fringe, ông nói rằng ông không muốn "kéo Nữ hoàng vào chuyện này" mà sẽ "đưa Jeremy Corbyn đến Cung điện Buckingham trong một chiếc taxi để nói rằng chúng tôi sẽ tiếp quản mọi chuyện".
Robert Hazell, giáo sư nghiên cứu chính phủ và hiến pháp tại Đại học London, cho rằng Nữ hoàng có hơn 60 năm kinh nghiệm và có vai trò đối phó với các cuộc khủng hoảng.
Tuy nhiên, ông nói tình hình chính trị hiện tại là hoàn toàn khó nắm bắt - ngay cả với bà.
Ông phát biểu: "Trước đây đã từng có những thời điểm khó khăn như cuộc Khủng hoảng Suez hay như 'năm đại họa 1992' khi Lâu đài Windsor bị đốt cháy, nhưng chưa năm nào trong triều đại dài của Nữ hoàng xảy ra sự kiện chính trị kịch tính đến vậy.
"Tôi chắc chắn chưa có bất cứ dịp nào khiến mọi người suy đoán nghiêm túc việc bà ấy có thể được yêu cầu ra lệnh bãi nhiệm thủ tướng."
Trong kỳ nghỉ hè, Nữ hoàng sẽ được cập nhật tất cả các hoạt động chính trị thông qua các thư ký riêng của bà, một trong số đó luôn ở bên bà tại Scotland.
Bà thường nhận được những chiếc hộp màu đỏ chứa đầy tài liệu chính trị và nghe báo cáo hàng ngày trong năm, ngoại trừ vào ngày Giáng sinh và sinh nhật của bà.
Các thư ký riêng của Nữ hoàng sẽ làm việc đằng sau hậu trường, thông qua và nghiên cứu tất cả các kịch bản tiềm năng có thể xảy ra khi quốc hội họp trở lại sau kỳ nghỉ hè và khi ngày hết hạn Brexit 31 tháng Mười đang đến gần.
Vai trò của các thư ký Nữ hoàng và các cuộc thảo luận liên tục với thư ký riêng của Số 10 phố Downing cũng như thư ký nội các sẽ là yếu tố then chốt để đảm bảo Nữ hoàng luôn giữ vững khuôn khổ chính trị và được đảm bảo trong vai trò là người bảo vệ hiến pháp.
Giáo sư Hazell tin rằng tầm quan trọng của những mối liên kết được thiết lập chặt chẽ đó không nên bị đánh giá thấp, đặc biệt là vào những thời điểm bất ổn chính trị.
Ông nói: "Mạng lưới các thư ký riêng, được gọi là tam giác vàng, đóng vai trò vô cùng quan trọng.
"Đây là một trong những điểm trung tâm của hiến pháp Anh và họ phối hợp rất chặt chẽ với nhau. Họ luôn cố gắng dự đoán mọi kịch bản có thể để chuẩn bị tốt nhất.
"Họ có thể đưa ra lời khuyên sáng suốt nhất khi các sự kiện diễn ra. Tôi nghĩ có khả năng đây sẽ là một cuộc khủng hoảng lớn hơn bất kỳ điều gì Nữ hoàng phải đối mặt trong triều đại kéo dài của mình, nhưng chúng tôi sẽ chờ xem các sự kiện diễn ra như thế nào."
Nguồn: Sky News