Nước Anh đã chính thức lâm vào tình trạng hỗn loạn chính trị khi có thể phải rời EU mà không có thỏa thuận nào. Kế hoạch rút khỏi EU của Thủ tướng Theresa May đã thất bại cay đắng trước quốc hội, vào thời điểm chỉ còn 10 tuần nữa là đến ngày rời khỏi khối (29-3).
Nếu Chính phủ Anh không còn kế hoạch dự phòng nào, Anh sẽ “tay trắng” rời khỏi EU với những cảnh báo nghiêm trọng về rủi ro k
Như vậy là sau hơn hai năm rưỡi đàm phán, tranh luận, đồn đoán, rạng sáng ngày 16-1, Quốc hội Anh đã chính thức bước vào phiên họp để xem xét quyết định các điều khoản trong thỏa thuận Anh rời EU.
Đây là một trong những cuộc bỏ phiếu được theo dõi sát sao nhất trong lịch sử chính trị hiện đại tại Anh. Và kết quả 432 phiếu chống, 202 phiếu thuận, đã phản ánh thất bại nặng nề chưa từng có của một chính phủ Anh trước quốc hội.
Thủ tướng Theresa May, có thể nói, đã dành tất cả sức lực của mình để cố gắng thuyết phục các nghị sĩ rằng, thỏa thuận Brexit mà chính phủ của bà đã đàm phán với EU là tốt nhất. Trước phiên bỏ phiếu, Thủ tướng cho rằng quyết định ngày hôm nay của quốc hội sẽ "thiết lập tương lai của đất nước trong nhiều thế hệ".
Và kết quả này đã đẩy nước Anh vào tình thế hỗn loạn chính trị khi Thủ tướng sẽ đối mặt với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Nếu chính phủ không còn kế hoạch dự phòng nào, Anh sẽ "tay trắng" rời khỏi EU với những cảnh báo nghiêm trọng về rủi ro kinh tế.
Mặc dù đến thời điểm này, chưa rõ tương lai chính trị của bà May cũng như của nước Anh sẽ ra sao. Nhưng các doanh nghiệp tại Anh thì không chỉ khoanh tay đứng nhìn. Họ đã chuẩn bị cho viễn cảnh này.
Honda, công ty ô tô Nhật Bản, sản xuất khoảng 150.000 xe mỗi năm tại nhà máy ở Swindon, phía Tây nam nước Anh, tuần trước cho biết họ sẽ ngừng sản xuất trong sáu ngày vào tháng Tư để đánh giá lại chuỗi cung ứng và sự gián đoạn có thể xảy ra do sự chậm trễ trên biên giới kể từ sau Brexit.
Công ty cho biết 4.000 nhân viên của họ vẫn đi làm nhưng không sản xuất mà tham gia các hoạt động đào tạo, bảo trì. Hãng BMW cũng tuyên bố sẽ đóng cửa nhà máy xe Mini tại Oxford để "bảo trì" trong một tháng bắt đầu từ ngày 1-4.
Lo ngại cho sự hoạt động của các công ty Nhật, vài ngày trước phiên bỏ phiếu, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã bay tới London để gặp người đồng cấp Theresa May để nhấn mạnh rằng, ông hy vọng nước Anh sẽ tránh được cảnh rời khỏi EU mà không có thỏa thuận nào.
Song các công ty Nhật Bản không chờ đợi sự trấn an. "Họ đã chuẩn bị cho tất cả các tình huống bất ngờ", Koji Tsuruoka, Đại sứ Nhật Bản tại Anh, nói với BBC tuần trước.
Ông Tsuruoka cho rằng, việc Anh rời EU tay trắng có thể sẽ "tàn phá" ngành công nghiệp vốn cần sự chuẩn xác, khi mà hàng hóa từ biên giới Pháp được đưa đến nhà máy chỉ vài phút trước công đoạn lắp ráp cuối cùng. "Đó là một hệ thống giúp họ tồn tại trong môi trường rất cạnh tranh này", ông Tsuruoka nói về quy trình sản xuất của các công ty. "Nếu điều đó không còn nữa, tất nhiên họ phải suy nghĩ kỹ về việc làm thế nào để tiếp tục hoạt động".
Để đối mặt với Brexit không thỏa thuận, các doanh nghiệp bán lẻ ở Anh đã được khuyến cáo cần phải chuẩn bị cho những bất ổn tiềm tàng. Cảnh sát thủ đô tuần trước khuyên họ thuê thêm nhân viên an ninh để để phòng trường hợp lộn xộn khi người dân đổ xô đi mua sắm vì sợ thiếu nguồn hàng.
Mặc dù các doanh nghiệp cảnh giác với việc nói chuyện chính trị liên quan tới Brexit, nhưng giờ thì nhiều người đã thẳng thừng gọi tình thế hiện nay là "thảm họa".
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cũng sử dụng từ "thảm họa" để nói về Brexit không thỏa thuận. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker kêu gọi nước Anh sớm có các phương án rõ ràng vì thời gian đã sắp hết.
Nguồn: Minh Đăng/ thesaigontimes.vn