NƯỚC ANH ĐÃ “TRỘM” 45 NGHÌN TỶ ĐÔ TỪ ẤN ĐỘ NHƯ THẾ NÀO

Câu chuyện về Ấn Độ vẫn thường được kể lại rằng, Anh Quốc vì lòng nhân từ đã giúp đỡ phát triển đất nước thuộc địa này rất nhiều. Nhưng trong một nghiên cứu gần đây của nhà sử học nổi tiếng Utsa Patnaik đã cho thấy một góc nhìn hoàn toàn khác. Có lẽ, số tiền người Anh lấy đi khỏi Ấn Độ còn lớn hơn 17 lần so với GDP hàng năm của Vương quốc Anh ngày nay, một con số khổng lồ.

426 1 Nuoc Anh Da Trom 45 Nghin Ty Do Tu An Do Nhu The Nao
Lord Louis Mountbatten, phó quốc trưởng cuối cùng của Ấn Độ, và vợ của ông, Lady Edwina Mountbatten, đi xe ngựa về phía nhà nghỉ Viceregal ở New Delhi, ngày 22 tháng 3 năm 1947 [Ảnh: AP]

Có một câu chuyện về Ấn Độ thường được kể tại Anh rằng, vùng đất thuộc địa này chẳng mang lại lợi ích kinh tế lớn nào cho mẫu quốc, nó chỉ là một gánh nặng kinh tế không hơn không kém. Vì lẽ đó, duy trì đế chế này lâu đến vậy hoàn toàn xuất phát từ lòng nhân từ của Vương quốc Anh.

Nghiên cứu mới đây của nhà kinh tế học nổi tiếng Utsa Patnaik – vừa được xuất bản bởi Columbia University Press – đã giáng một đòn mạnh vào câu chuyện này. Dựa trên dữ liệu chi tiết về thuế và mậu dịch thương mại trong gần hai thế kỷ, Patnail đã tính toán và đưa đến kết luận rằng, thực ra nước Anh đã bòn rút khoảng 45 nghìn tỷ đô của Ấn Độ trong giai đoạn 1765 đến 1938.

Đó là một khoản tiền đáng kinh ngạc, khi mà 45 nghìn tỷ đô lớn gấp 17 lần GPD hàng năm của nước Anh ngày nay.

Làm thế nào mà chuyện này có thể xảy ra được?

Sự bòn rút được thực hiện thông qua hệ thống trao đổi thương mại. Trước thời kỳ thuộc địa, nước Anh vẫn mua một số loại hàng hóa như dệt may, lúa gạo từ các nhà sản xuất Ấn Độ và thanh toán theo phương thức thông thường – chủ yếu là bạc – như vẫn làm với các quốc gia khác. Nhưng mọi thứ đã đổi thay vào năm 1765, không lâu sau khi công ty Đông Ấn (East India Company) nắm quyền kiểm soát và thiết lập chế độ độc quyền thương mại tại Ấn Độ.

Công ty Đông Ấn bắt đầu thu thuế ở Ấn Độ, sau đó khéo léo sử dụng một phần doanh thu từ đó (khoảng 1/3) để bảo trợ người Anh khi mua hàng hóa tại quốc gia Nam Á này. Nói cách khác, thay vì phải mất một khoản chi phí, các thương nhân người Anh được mua hàng miễn phí, “mua” từ những người nông dân, thợ dệt bằng chính những đồng tiền vừa lấy từ họ.

Có thể xem đây như một vụ chiếm dụng quy mô cực lớn. Tuy nhiên, hầu hết người dân Ấn Độ không nhận thức được chuyện gì đang xảy ra, vì đại lý thu thuế và thương lái mua hàng là hoàn toàn khác nhau. Giả như nếu đó là cùng một người, chắc chắn người Ấn sẽ cảm nhận được điều bất thường.

Ngoài ra, một phần đồ trộm cắp được tiêu thụ tại Anh, phần còn lại được tái xuất khẩu sang một nước khác. Hệ thống tái xuất cho phép nước Anh tài trợ cho luồng hàng nhập khẩu từ các nước châu Âu, bao gồm cả các vật liệu mang tính chiến lược như sắt, nhựa đường, gỗ; những nguyên liệu quan trọng cho quá trình công nghiệp hóa. Sự thật là, cuộc cách mạng công nghiệp tại Anh phụ thuộc phần lớn vào những phi vụ trộm cắp có hệ thống đến từ Ấn Độ.

Trên hết, người Anh còn có thể bán những hàng hóa phi pháp này cho các quốc gia khác với giá cao hơn nhiều so với giá gốc, sau đó bỏ túi không những 100% giá trị hàng hóa ban đầu mà còn cả giá trị thặng dư.

Sau khi British Raj tiếp quản khu vực vào năm 1847, thực dân Anh đã bổ sung thêm một số điểm mới đặc biệt vào hệ thống thương mại và thu thuế. Khi sự độc quyền của công ty Đông Ấn bị phá vỡ, các nhà sản xuất Ấn Độ được phép xuất khẩu hàng hóa trực tiếp sang các quốc gia khác. Nhưng Anh quốc đã chắc chắn được rằng, tất cả các khoản thanh toán cho hàng hóa đều phải kết thúc ở London.

Vì sao lại thế? Về cơ bản, bất cứ ai muốn mua hàng hóa từ Ấn Độ sẽ đều sử dụng Council Bills – một loại hóa đơn giấy đặc biệt, do duy nhất Vương quốc Anh phát hành. Và cách duy nhất để có được những hóa đơn này là mua chúng từ London bằng vàng hoặc bạc. Vì thế, các thương nhân sẽ trả cho London vàng và bạc để đổi lấy hóa đơn, sau đó, sử dụng các hóa đơn này trả cho các nhà sản xuất Ấn Độ. Khi người Ấn thanh toán hóa đơn tại văn phòng địa phương, họ được “trả” bằng đồng rupee, lấy từ các khoản thu thuế, chính là khoản tiền mà họ phải nộp. Do đó, một lần nữa nhận thấy rằng, người Ấn không hề được thanh toán sòng phẳng, họ đã bị lừa gạt.

Trong khi đó, quá trình thương mại tại London lại được kết thúc với vàng và bạc, thứ đáng lẽ ra phải là quy chuẩn trao đổi hàng hóa xuất nhập khẩu trực tiếp tại Ấn Độ.

Với kiểu vận hành thương mại này, ngay cả khi Ấn Độ trên danh nghĩa đang có mức thặng dư ấn tượng so với các nước khác – kéo dài trong suốt ba thập kỷ đầu thế kỷ 20 – nó đã gây ra thâm hụt tài khoản quốc gia, vì thu nhập thực tế từ xuất khẩu tại Ấn Độ đã bị thực dân Anh chiếm đoạt toàn bộ một cách khéo léo.

Do sự “thâm hụt” này, nhiều ý kiến cho rằng nước Anh đang phải hỗ trợ Ấn Độ, tuy nhiên, thực tế hoàn toàn ngược lại. Nước Anh đã ngăn nguồn thu khổng lồ, cái đáng nhẽ thuộc về các nhà sản xuất Ấn Độ lại tại Anh. Ấn Độ được coi như con ngỗng đẻ trứng vàng. Trong khi đó, cụm từ “thâm hụt” cho thấy Ấn Độ không có lựa chọn nào khác ngoài việc vay từ Anh các khoản trợ cấp cho hàng nhập khẩu. Vì vậy, toàn bộ người dân Ấn Độ buộc phải gánh một khoản nợ vô lý đối với chính quyền thực dân. Việc này tiếp tục giúp người Anh củng cố kiểm soát tại thuộc địa.

Nước Anh sử dụng sức mạnh tài chính từ hệ thống chiếm đoạt tài sản này thúc đẩy các hoạt động bạo lực – tài trợ cho cuộc xâm lược Trung Quốc vào những năm 1840 và đàn áp cuộc nổi loại tại Ấn Độ năm 1857. Chiến phí chủ yếu được lấy trực tiếp từ tiền thuế của người dân Ấn Độ. Như Patnaik đã chỉ ra “chi phí cho tất cả các cuộc chiến tranh chinh phục bên ngoài biên giới Ấn Độ của Anh luôn phụ thuộc hoàn toàn hoặc một phần chủ yếu vào doanh thu tại Ấn Độ.”

Và đó không phải là tất cả. Nước Anh từng sử dụng luồng tài chính này từ Ấn Độ để tài trợ cho công cuộc mở rộng chủ nghĩa tư bản tại Châu Âu và các khu vực đông người châu Âu định cư như Canada, Úc. Do đó, không chỉ nền công nghiệp hóa của Anh mà cả nền công nghiệp hóa của phần lớn thế giới phương Tây cũng được tạo điều kiện dựa trên khai thác thuộc địa.

Patnaik xác định rõ bốn thời kỳ kinh tế ở Ấn Độ thời thuộc địa từ 1765 đến 1938, tính toán mức khai thác tại từng giai đoạn, sau đó kết hợp với một lãi suất khiêm tốn (khoảng 5%, thấp hơn so với lãi suất thị trường) từ giữa mỗi kỳ hiện tại. Cộng tất cả lại, bà nhận thấy rằng, tổng số tiền lên tới 44,6 nghìn tỷ đô la. Con số này chỉ là con số ước lượng, và nó chưa bao gồm các khoản nợ mà Anh áp đặt lên Ấn Độ trong thời Raj.

Đây là một số tiền rất lớn. Nhưng chi phí cơ hội thật sự là không thể đong đếm. Nếu Ấn Độ đã có thể đầu tư doanh thu thuế của riêng mình và thu nhập ngoại hối vào phát triển – như Nhật Bản đã làm – thì rất có thể lịch sử đã rẽ theo một hướng khác. Có khả năng Ấn Độ đã trở thành một cường quốc kinh tế. Hàng thế kỷ nghèo đói và đau khổ có thể đã được ngăn chặn.

Tất cả những điều này giống như thể là sự cảnh tỉnh cho câu chuyện màu hồng vốn được quảng bá bởi những nhân vật có tiếng nói tại Anh. Nhà sử học trường phái bảo thủ Niall Ferguson từng tuyên bố, sự cai trị của Anh đã giúp “phát triển” Ấn Độ. Trong khi cựu thủ tướng, David Cameron khẳng định rằng chính quyền Anh đối với Ấn Độ hoàn toàn là sự giúp đỡ.

Câu chuyện này đã giúp thay đổi đáng kể trong tư duy phổ biến tại Anh: theo khảo sát của YouGov năm 2014, có 50% người dân ở Anh tin rằng chủ nghĩa thực dân hoàn toàn có lợi cho các thuộc địa.

Tuy nhiên, trong toàn bộ lịch sử 200 năm cai trị của Anh tại Ấn Độ, hầu như không có sự gia tăng thu nhập bình quân đầu người. Trên thực tế, trong nửa cuối thế kỷ 19 – thời hoàng kim của sự can thiệp của Anh vào Ấn Độ – thu nhập bình quân ở đây đã giảm một nửa. Tuổi thọ trung bình của người Ấn giảm 1/5 từ năm 1870 đến 1920. Hàng chục triệu người chết oan bởi nạn đói do chính sách phát triển gây ra.

Anh không phát triển Ấn Độ. Hoàn toàn ngược lại – như Patnaik đã chỉ rõ – Ấn Độ đã phát triển nước Anh.

Điều này đòi hỏi nước Anh của hiện tại phải làm gì? Một lời xin lỗi ư? Hẳn rồi. Vậy còn bồi thường? Có lẽ là vậy – mặc dù toàn bộ số tiền nước Anh đang có không đủ để trang trải số tiền mà Patnaik đã xác định. Cùng lúc đó, chúng ta có thể bắt đầu với một câu chuyện mới, thực tế và thẳng thắn. Chúng ta cần thừa nhận rằng, Anh giữ quyền kiểm soát Ấn Độ không phải vì lòng nhân từ mà vì sự cướp bóc; và sự phát triển công nghiệp của Anh không chỉ có bởi những nhà sáng chế hay các doanh nghiệp mạnh mẽ sách giáo khoa từng nhắc đến, mà còn là nhờ vào bạo lực, trộm cắp, chiếm dụng tài chính từ các vùng đất, các dân tộc khác.

Nguon: https://vnreview.vn

Bài liên quan