Theo aljazeera.com/AFP, ngày 10/12, Thủ tướng Anh Theresa May đã hoãn cuộc bỏ phiếu Hạ viện cho đề xuất Brexit của bà nhằm tránh xảy ra thua thiệt đau đớn cho London.
Cờ Anh (phía dưới) và cờ EU (phía trên) tại thủ đô London, Anh. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Cùng ngày, Tòa án Công lý châu Âu ra phán quyết nói Anh có thể hủy Brexit mà không cần có sự cho phép của 27 quốc gia thành viên EU. Những động thái này được cho là làm bùng phát hỗn loạn chính trị đối với nỗ lực của Anh rời khỏi EU.
Vòng xoáy bất ổn mới
Thủ tướng May thừa nhận rằng kế hoạch dự phòng, còn hiểu là phương án chốt chặn đối với vấn đề đường biên giới giữa Bắc Ireland (thuộc Anh) và Cộng hòa Ireland vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ nhiều nghị sỹ thuộc các đảng phái khác nhau và ngay cả trong nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền.
Những ý kiến phản đối cho rằng thỏa thuận sẽ khiến nước Anh vẫn bị phụ thuộc nhiều vào EU và doanh nghiệp Anh sẽ bị rơi vào thế bất lợi trong cạnh tranh kinh doanh. Bà May cho biết sẽ tiến hành cuộc họp khẩn cấp với lãnh đạo các nước Liên minh châu Âu (EU) để thảo luận về những thay đổi có thể đối với phương án chốt chặn cho vấn đề đường biên giới Ireland.
Điều này giúp bà thuyết phục các nghị sỹ Anh rằng những biện pháp liên quan đến đường biên giới Ireland sẽ chỉ mang tính giải pháp tạm thời. Mặt khác, Thủ tướng May cũng cho biết Chính phủ sẽ thúc đẩy chuẩn bị kịch bản nước Anh rời khỏi EU mà không đạt được thỏa thuận nào trong trường hợp các nghị sỹ Anh tiếp tục phản đối thỏa thuận Brexit.
Bà May đặt câu hỏi liệu Hạ viện Anh có thực sự muốn Brexit xảy ra hay không khi bà vấp phải sự phản đối kịch liệt như vậy. Trong khi đó, Tòa án Công lý châu Âu lại đem đến hy vọng cho một bộ phận nhỏ nhưng ngày càng tăng những nghị sỹ Anh muốn tiến hành cuộc trưng cầu dân ý lần 2 về Brexit khi tòa đưa ra phán quyết rằng London có thể đơn phương hủy Brexit.
Nước Anh lại rơi vào một vòng xoáy bất ổn mới trước diễn biến đầy kịch tính hiện nay, nhưng cả các nghị sỹ Anh và EU đều không muốn xảy ra kịch bản nước Anh rời EU mà không đạt được thỏa thuận nào vì điều này sẽ gây tổn thất cho cả hai bên. Và ngày 10/12 đã trở thành một ngày tồi tệ đối với Thủ tướng May và chính phủ tranh cãi của mình.
Các nghị sỹ đối lập đã lên tiếng yêu cầu bà May từ chức còn lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn lại cho rằng quyết định trì hoãn cuộc bỏ phiếu "gây tuyệt vọng."
Ông Corbyn tuyên bố:
"Chính phủ đã mất kiểm soát mọi việc và hiện đang trong trạng thái hoàn toàn hỗn loạn."
Còn nghị sỹ đứng đầu phe phản đối trong nội bộ đảng Bảo thủ Jacob Rees-Mogg thì lớn tiếng: "Thủ tướng phải lãnh đạo hoặc từ chức."
Thủ tướng Anh Theresa May phát biểu tại số 10 phố Downing. (Nguồn: AFP/ TTXVN)
"Tình hình hoàn toàn hỗn loạn," Simon Usherwood, Phó Giáo sư về chính trị học tại Đại học Surrey bình luận. Theo nhận định của ông, bà May sẽ không từ chức; giới chỉ trích sẽ không gây sức ép để tiến hành cuộc bỏ phiếu tín nhiệm và mong muốn lớn nhất của Hạ viện là tránh một kịch bản Brexit không đạt được thỏa thuận, vốn có nguy cơ xảy ra nếu họ không thể nhất trí về một điều gì khác.
"Rốt cục sẽ là một chính phủ ma: Không thể đạt được chính sách quan trọng của mình thông qua quốc hội mà cũng không thể bị bãi bỏ," ông nói.
Cần một thủ tướng mới?
Trong thời điểm bà May rơi vào tình thế éo le như vậy, Bộ trưởng thứ nhất của Scotland, bà Nicola Sturgeon tuyên bố sẽ ủng hộ Công đảng đối lập chính nếu đảng này yêu cầu tiến hành cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Thủ tướng Anh.
"Tình cảnh hỗn loạn này không thể tiếp diễn…" bà Sturgeon bình luận lại tuyên bố của thủ lĩnh Công đảng Jeremy Corbyn trên mạng xã hội Twitter. Cơn giận dữ giờ đã lan rộng trên khắp bộ máy quyền lực của Anh và dường như lan tỏa ra bên ngoài để rồi ảnh hưởng đến cả người dân.
"Thật là nhục nhã khi sự hỗn loạn này vẫn chưa chấm dứt," Catherine Ginn, chủ kinh doanh 54 tuổi này thốt lên. Ông Tony Blighe cũng thất vọng trước những nỗ lực của chính phủ, cho rằng thỏa thuận của Thủ tướng May thật hãi hùng vì nó đưa người dân vướng vào tình thế khó khăn khi xử lý phương án chốt chặn.
"Bà ấy đã không còn được tín nhiệm nữa và chúng tôi cần một thủ tướng mới, ai đó sẽ dám đứng lên nói rằng các cuộc đàm phán đều thất bại và chúng tôi sẽ rời EU vào ngày 29/3 theo các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới," ám chỉ các điều khoản kinh tế mà Anh sẽ trao đổi thương mại với EU ngay cả khi rời khối mà không đạt thỏa thuận nào.
Đàm phán lại?
Thủ tướng Anh tuyên bố sẽ đến Brussels để đàm phán lại với hy vọng đạt được sự nhượng bộ nào đó về vấn đề chốt chặn Bắc Ireland, vấn đề bị phản đối nhiều nhất. Tuy nhiên, tình trạng bất bình trong và ngoài quốc hội đã bộc lộ sự không rõ ràng về cách thức mà bà May muốn thực hiện thỏa thuận "ly hôn" với EU.
Đề xuất về phương án chốt chặn này là điều khoản nhằm đảm bảo không có biên giới cứng được dựng lên trên đảo Ireland ngay cả khi các đàm phán thương mại hậu Brexit giữa Anh và EU không thành công. Do đó, giới chỉ trích cho rằng biện pháp này có thể trói buộc Anh trong quỹ đạo của EU một cách vô hạn định.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk (trái) và Thủ tướng Anh Theresa May tại Hội nghị đặc biệt của Liên minh châu Âu về Brexit ở Brussels (Bỉ). (Nguồn: AFP/TTXVN)
Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk cảnh báo 27 nước thành viên còn lại sẽ không tái đàm phán thỏa thuận này, kể cả phương án chốt chặn nói trên. Ông Tusk cũng đề cập về khả năng sẵn sàng cho tình huống tồi tệ nhất là Anh rời EU mà không có một thỏa thuận nào.
Ngay cả một vài lãnh đạo châu Âu vốn trao những lời lẽ hoa mỹ khiến bà May hy vọng có thể đạt được nhượng bộ nào đó với EU về vấn đề chốt chặn trên cũng cho rằng họ không muốn tái đàm phán. "Không thể tái đàm phán về bất kỳ khía cạnh nào của thỏa thuận này mà không đụng chạm lại toàn bộ vấn đề của thỏa thuận," Thủ tướng Irish Leo Varadkar nói với hãng tin AFP. Agata Gostynska-Jakubowska, nghiên cứu viên cấp cao tai Trung tâm Cải cách châu Âu, cho rằng sẽ là ngây thơ nếu cho rằng 27 thành viên EU khác sẽ chấp thuận những thay đổi cơ bản đối với đề xuất chốt chặn và một kế hoạch Brexit nhiều nhượng bộ hơn sau hàng tháng trời đàm phán ròng rã. "Bất kỳ tái đề xuất to tát nào liên quan vấn đề chốt chặn Bắc Ireland là điều khó có thể xảy ra vì nhiều nước thành viên coi đây là nhượng bộ cuối cùng cho phương án chốt chặn," nữ chuyên gia này nói.
Tác động lan tỏa
Hiện tình trạng bất ổn chính trị đã lan sang cả kinh tế khi đồng bảng Anh rớt xuống mức thất nhất đối với đồng bạc xanh kể từ tháng 4/2017.
Giới phân tích thị trường cho rằng sự sụt giảm giá này là do gia tăng lo sợ khả năng không đạt được thỏa thuận nào cho quá trình Brexit.
"Hiện có quá nhiều rủi ro, chúng ta có thể chứng kiến sự sụt giảm tệ hại hơn nữa tùy thuộc vào khả năng bà May có thể xoay sở vấn đề hoặc có thể thất bại," Neil Wilson, trưởng nhóm phân tích thị trường tại trang thông tin Markets.com bình luận.
Trong khi đó, nữ chuyên gia Agata lại cho rằng một thị trường chao đảo có thể có lợi cho tình thế của bà May và buộc quốc hội phải thông qua đề xuất của bà khi sắp đến thời hạn 29/3/2019.
Cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay ở Anh cũng khiến người dân hoang mang lo lắng không biết tương lai sẽ như thế nào. Không ít người đang vận động chiến dịch kêu gọi tiến hành trưng cầu dân ý lần 2 về Brexit hoặc trở lại với hiện trạng chính trị xưa./.
Nguồn: Vietnam+