2022 là năm nước Anh đánh mất ngôi vị thị trường chứng khoán lớn nhất châu Âu.
Suy thoái đe dọa, lạm phát ở mức cao nhất trong 41 năm, chính trị biến động khi hai thủ tướng từ chức chỉ trong vòng 3 tháng và số cuộc đình công cao nhất kể từ những năm 1980 đã góp phần gây ra tình trạng bán tháo cổ phiếu cũng như trái phiếu Chính phủ và doanh nghiệp Anh.
Sự mất giá của các tài sản diễn ra khi nước Anh phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt có thể coi là khắc nghiệt hơn so với các nền kinh tế phát triển khác. Điều đó một phần là do việc tăng mức giá trần năng lượng đối với các hộ gia đình, cũng như các khoản thanh toán thế chấp ngắn hạn nhạy cảm hơn với việc tăng lãi suất của ngân hàng trung ương. Trong khi đó, Brexit (chỉ việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu) tiếp tục gây ra những khó khăn trong chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp. Tổng cộng, khoảng 550 tỷ bảng Anh (672 tỷ USD) đã bị mất trên thị trường cổ phiếu và trái phiếu lưu hành tại Anh kể từ đầu năm nay.
Trung tâm tài chính London "thất thế"
Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, tổng giá trị vốn hóa thị trường của donh nghiệp niêm yết trên thị trường Paris (Pháp) tính đến ngày 15/12, không bao gồm quỹ hoán đổi danh mục (ETF) và chứng chỉ lưu ký tại Mỹ (ADR) là 2.970 tỷ USD, so với mức tương ứng 2.950 tỷ USD trên thị trường London.
Ngoài ra, Ấn Độ và Saudi Arabia (A-rập Xê-út) cũng "vượt mặt" Anh. Thị trường chứng khoán Saudi Arabia được hưởng lợi trong năm nay khi giá dầu thô Brent đạt mức cao gần 140 USD/thùng. Tập đoàn dầu khí nước này Saudi Aramco, chiếm hơn một nửa giá trị vốn hóa thị trường của sàn giao dịch này và là doanh nghiệp lớn thứ ba trên thế giới.
Trong khi đó, theo Nick Payne, Giám đốc đầu tư cổ phiếu tại thị trường mới nổi thuộc công ty quản lý tài sản Jupiter Asset Management, các công ty Ấn Độ đã được hưởng lợi từ việc tiếp cận với dầu thô rẻ hơn của Nga.
Năm "sóng gió" của đồng bảng Anh
Các thị trường tại Anh đã trải qua những đợt biến động mạnh vào cuối tháng chín năm nay, khi Thủ tướng Liz Truss và Bộ trưởng Bộ Tài chính Kwasi Kwarteng tuyên bố một loạt đợt cắt giảm thuế chưa được tài trợ.
Thông báo này đã khiến các thị trường chao đảo, khi các nhà đầu tư lo lắng về sự gia tăng các khoản vay của chính phủ để tài trợ cho các chính sách mới. Đồng bảng Anh đã giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại so với đồng USD là 1,0350 USD/bảng và mặc dù sau đó đã phục hồi sau khi ông Rishi Sunak lên thay thế bà Truss làm Thủ tướng Anh, nhưng vẫn sẵn sàng cho mức giảm hàng năm lớn nhất kể từ năm 2016.
Chris Iggo, Giám đốc đầu tư của công ty quản lý đầu tư AXA Investment Managers Core cho biết: "Hình ảnh của Vương quốc Anh đã bị hoen ố bởi Brexit, bởi bất ổn chính trị và tài chính vừa diễn ra trong tháng Chín năm nay".
Lợi suất trái phiếu tăng đột biến
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Vương quốc Anh đã tăng hơn 2 điểm phần trăm trong năm nay, mức cao nhất kể từ năm 1994. Nguyên nhân của việc này là do Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) tăng lãi suất với tốc độ nhanh nhất trong hơn ba thập kỷ để hạn chế lạm phát hai con số. Và mặc dù lợi suất đã "hạ nhiệt" kể từ khi cựu Thủ tướng Liz Truss công bố cái gọi là "ngân sách nhỏ", nhưng các chiến lược gia của BlackRock cho rằng nhận thức về uy tín tài khóa vẫn chưa phục hồi hoàn toàn.
Nợ doanh nghiệp thu hẹp
Nhiều đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp bằng đồng bảng Anh đã bị hoãn lại do những biến động khác nhau trong năm nay. Thậm chí hai tuần sau khi ngân sách nhỏ được công bố, không có giao dịch nào đối với trái phiếu bằng đồng bảng Anh và cuộc khủng hoảng đầu tư thâm dụng nợ (LDI) sau đó cần có sự can thiệp của BoE.
Khi lợi suất trái phiếu tăng dần theo thời gian, các quỹ lương hưu không gặp phải vấn đề gì khi theo đuổi chiến lược LDI, và chiến lược này thực sự tốt cho tình hình tài chính của các quỹ. Nhưng khi lợi suất trái phiếu bất ngờ tăng vọt, đó sẽ công thức cho khủng hoảng. Theo BoE, biến động lợi suất trái phiếu trước khi cơ quan này tiến hành can thiệp là "chưa từng có tiền lệ". Biến động trong vòng 4 ngày cuối tháng Chín của lợi suất trái phiếu Chính phủ Anh kỳ hạn 30 năm đã lớn gấp đôi mức ghi nhận trong giai đoạn căng thẳng nhất của đại dịch COVID-19.
Với khoảng 115 tỷ Bảng Anh giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp kể từ đầu năm nay, lượng phát hành này đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2018.
Chứng khoán lao dốc
Sự vượt trội của chứng khoán Anh chỉ giới hạn ở các mã cố phiếu của những doanh nghiệp có uy tín, tình hình tài chính vững vàng, giá trị vốn hóa thị trường lớn (bluechips). Tuy vậy, chỉ số vốn hóa trung bình FTSE 250 và chỉ số FTSE Local UK- một chỉ dấu khác theo dõi các cổ phiếu nước này- đều giảm hơn 20% kể từ đầu năm nay, mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Những lo ngại về nền kinh tế Anh, lãi suất tăng cao và hậu quả của Brexit đã cản trở các lĩnh vực như xây dựng nhà ở, ngân hàng, đầu tư bất động sản và bán lẻ.
Tuy nhiên, theo bà Susana Cruz, chiến lược gia tại công ty quản lý tài sản Liberum Capital Ltd, động lực đối với chứng khoán Anh có thể thay đổi vào năm tới. Bà kỳ vọng các công ty vốn hóa trung bình của Anh sẽ vượt trội so với các công ty vốn hóa lớn khi lạm phát giảm và đồng USD suy yếu.
IPO "nghèo nàn"
London đang mất dần vị thế không chỉ về giá trị thị trường. Mặc dù đây là một năm tồi tệ đối với các đợt IPO trên toàn cầu, nhưng tỷ lệ tiền thu được từ các đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của Anh đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009. Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, các đợt niêm yết mới trên sàn chứng khoán ở London chỉ huy động được 1,5 tỷ Bảng Anh trong năm nay, chiếm 9% tổng giá trị các đợt IPO châu Âu.
Nguồn: VTV