Nước Anh dường như thở phào sau khi Thủ tướng Johnson xuất viện hôm 12/4, nhưng quốc gia này vẫn chưa thể hất được "tảng đá" Covid-19 đang đè nặng.
Trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình hôm 12/4, Jeremy Farrar, thành viên Nhóm Cố vấn Khoa học cho Các tình huống Khẩn cấp (SAGE) của chính phủ Anh, cảnh báo nước này "có khả năng là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng tồi tệ nhất của Covid-19 ở châu Âu, nếu không muốn nói là tệ nhất".
Chỉ một vài tuần trước, người Anh đã chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng Covid-19 gây ra tại Italy và Tây Ban Nha. Giờ đây, khi hai quốc gia này dường như đã vượt qua điều tồi tệ nhất, Anh lại đang bước trên quỹ đạo nghiệt ngã tương tự, bình luận viên Luke McGee của CNN nhận xét. Anh hiện ghi nhận hơn 93.873 ca nhiễm nCoV và 12.107 người chết.
Nhân viên y tế tại một cơ sở xét nghiệm nCoV ở Wolverhampton, Anh hôm 7/4. Ảnh: Reuters.
Một số chuyên gia y tế ngày càng tức giận với cách chính phủ Anh ứng phó khủng hoảng, vốn chủ yếu dựa vào lời khuyên của các nhà khoa học hàng đầu từ SAGE. Gabriel Scally, chủ tịch dịch tễ học và y tế cộng đồng tại Hiệp hội Y tế Hoàng gia Anh, cho rằng điều này đã dẫn đến những phương án phi thực tế dựa trên các con số và mô hình khoa học, thay vì tuân thủ nguyên tắc truyền thống về y tế cộng đồng.
"Một trong những cách tiếp cận khoa học của các học giả là thu thập dữ liệu và phân tích chúng, sau đó đưa ra các lý thuyết để thử nghiệm. Chính phủ đã làm theo cách này. Trên thực tế, điều chúng ta cần là tuân theo những biện pháp y tế cộng đồng và lắng nghe lời khuyên từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)", Scally cho hay.
Phản ứng của Anh trong giai đoạn đầu của đại dịch được cho là "một mình một kiểu" so với nhiều nước châu Âu khác, đặc biệt về xét nghiệm và những biện pháp cách biệt cộng đồng. Họ tỏ ra chậm chạp trong việc tăng cường khả năng xét nghiệm và miễn cưỡng áp dụng cách biệt cộng đồng, biện pháp mà những nơi khác ban bố nhanh chóng.
"Tôi cảm thấy choáng váng khi không có bất cứ chuyên gia nào trong nhóm cố vấn của chính phủ thảo luận về vấn đề xét nghiệm, theo dõi lịch sử tiếp xúc và cách ly", Scally nói.
Gần một tuần trước, chính phủ Anh công bố kế hoạch tăng cường khả năng xét nghiệm, đặt mục tiêu cuối tháng 4 đạt mức 100.000 xét nghiệm/ngày, sau khi ngay cả những thân tín của Thủ tướng Johnson cũng lên tiếng chỉ trích chính phủ. Tuy nhiên, tính đến sáng 13/4, Anh mới thực hiện được 18.000 xét nghiệm trong vòng 24 giờ.
"Tôi không biết Anh đạt 100.000 xét nghiệm mỗi ngày kiểu gì nếu không tăng cường đáng kể năng lực trong vấn đề này", Simon Clarke, phó giáo sư ngành vi sinh học tại Đại học Reading, Anh, nêu ý kiến. "Một điều đáng chú ý nữa là các quốc gia khác cũng muốn tăng xét nghiệm, tạo gánh nặng lớn cho những công ty sản xuất kit".
Xét nghiệm không phải vấn đề duy nhất khiến chiến lược đối phó nCoV của Anh bị chỉ trích. Suốt nhiều tuần, chính phủ nhấn mạnh ưu tiên của họ là giảm thiểu áp lực lên Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS), đồng nghĩa với việc khuyến khích người dân tự cách ly tại nhà khi xuất hiện triệu chứng nhiễm nCoV, chỉ nên gọi hỗ trợ y tế nếu không thấy đỡ.
Dù tỏ ra miễn cưỡng, chính phủ của Thủ tướng Johnson cũng đã phải thay đổi chiến lược, áp dụng các biện pháp cách biệt cộng đồng nhằm kéo dài thời gian đạt đỉnh của dịch bệnh, giúp hệ thống y tế không bị quá tải ngay lập tức. Bên cạnh đó, chính phủ còn cố chứng minh họ dư giường chăm sóc tích cực và máy thở, sẵn sàng điều trị cho mọi bệnh nhân.
Tuy nhiên, cuộc chiến thực tế trong các bệnh viện không phải "bức tranh màu hồng". Những công đoàn đại diện cho nhân viên y tế phàn nàn rằng số lượng đồ bảo hộ họ cần không được cung cấp đủ nhanh ở bất cứ đâu trên tiền tuyến chống dịch.
Theo hướng dẫn do Đại học Điều dưỡng Hoàng gia Anh ban hành hôm 13/4, nhân viên y tế có quyền từ chối làm việc nếu không cảm thấy thoải mái. "Nếu không được cung cấp đồ bảo hộ thích hợp và môi trường làm việc an toàn, nhân viên có thể từ chối chăm sóc bệnh nhân", bản hướng dẫn có đoạn.
Chính phủ khẳng định công tác xét nghiệm cho nhân viên y tế và gia đình họ đã tăng đáng kể trong tuần qua. Tuy nhiên, sau khi Johnson trở lại làm việc, ông có lẽ sẽ thấy công chúng không còn tin bất cứ phát ngôn nào từ chính phủ, bởi họ rõ ràng không hoàn toàn minh bạch về tình trạng sức khỏe của Thủ tướng sau khi ông nhiễm nCoV, bình luận viên McGee đánh giá.
McGee nói thêm rằng loạt tin tức về sức khỏe của Johnson có khả năng khiến công chúng xao lãng khỏi thực tế phũ phàng. Đó là nước Anh chuẩn bị bước vào giai đoạn khó khăn nhất của cuộc khủng hoảng Covid-19, nhưng không rõ khi nào Thủ tướng của họ quay lại văn phòng làm việc, cũng ngày càng không chắc chắn liệu cách tiếp cận của chính phủ có hiệu quả hay không.
Theo CNN