Phương Tây tiếp tục viện trợ cho Ukraine, Anh cấp vũ khí chống tên lửa hành trình

Mỹ, Anh, Đức, Canada, cùng Liên minh châu Âu (EU) đã công bố các viện trợ mới cho Ukraine, trong đó tập trung vào cải thiện năng lực phòng không của chính quyền Kiev.

1 Phuong Tay Tiep Tuc Vien Tro Cho Ukraine Anh Cap Vu Khi Chong Ten Lua Hanh Trinh

Ngày 12/10, trước cuộc họp của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Brussels ngày 13/10, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace tuyên bố sẽ viện trợ cho Ukraine tên lửa phòng không có khả năng bắn hạ tên lửa hành trinh.

Theo London, nước này sẽ cung cấp tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến (AMRAAM) cho Ukraine những tuần tới. Đáng chú ý, vũ khí này có thể được sử dụng cùng Hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến quốc gia (NASAMS) mà Washington cam kết viện trợ cho Kiev.

Anh cũng khẳng định sẽ bổ sung hàng trăm tên lửa phòng không bổ sung thuộc nhiều chủng loại, cùng với nhiều máy bay không người lái và thêm 18 khẩu lựu pháo cho Ukraine.

Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Canada Anita Anand ngày 12/10 xác nhận Ottawa sẽ gửi thêm viện trợ cho Kiev. Gói hỗ trợ quân sự mới nhất bao gồm đạn lựu pháo trị giá hơn 15,2 triệu CAD (11 triệu USD) và quần áo mùa Đông 15 triệu CAD (10.86 triệu USD). Canada cũng sẽ cung cấp các hệ thống camera công nghệ cao giá trị 15,3 triệu CAD (11,08 triệu USD) để Ukraine lắp đặt trên các máy bay không người lái, cùng nhiều dịch vụ liên lạc vệ tinh hơn.

Hồi đầu tuần, Canada thông báo sẽ cử 40 kỹ sư tới Ba Lan để hướng dẫn binh sĩ Ukraine sử dụng các thiết bị phát hiện công nghệ cao. Đến nay, Ottawa đã dành 500 triệu CAD (362 triệu USD) trong ngân sách mùa Xuân để viện trợ quân sự cho chính quyền Ukraine.

Cũng trong ngày 12/10, Đại sứ 27 nước thành viên EU đã sẽ tổ chức sứ mệnh quân sự quy mô lớn để huấn luyện các lực lượng Ukraine ở một số quốc gia thành viên. Thỏa thuận sẽ được thông qua tại cuộc họp của các Ngoại trưởng EU ngày 17/10 tới ở Luxembourg.

Một nhà ngoại giao châu Âu tiết lộ phái bộ của EU cần đáp ứng nhu cầu đào tạo số lượng lớn quân nhân Ukraine, với sứ mệnh ban đầu là huấn luyện khoảng 15.000 binh sĩ. Thỏa thuận quy định thiết lập trụ sở điều hành sứ mệnh huấn luyện và các trung tâm đào tạo ở mỗi quốc gia thành viên. Ba Lan và Đức đã khẳng định sẽ sẵn sàng gánh vác nhiệm vụ.

Quỹ Hòa bình châu Âu (EPF) sẽ tài trợ sứ mạnh này. Châu Âu đã phân bổ 2,5/5,7tỷ Euro tài trợ chuyển giao vũ khí cho Ukraine. Đợt phân bổ mới sẽ được công bố ngày 17/10 tới.

Trong khi đó, ngày 12/10, tại Brussels, các đồng minh của Ukraine cam kết sẽ tăng cường năng lực phòng không cho Kiev “một cách sớm nhất có thể”.

Phát biểu sau cuộc họp của nhóm liên lạc gồm 50 thành viên với Ukraine, do Mỹ dẫn dắt, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nhấn mạnh: “Các hệ thống sẽ được chuyển giao một cách sớm nhất có thể. Chúng tôi sẽ cung cấp các hệ thống mà chúng tôi có. Chúng tôi cũng sẽ cố gắng cung cấp thêm đạn dược cho các hệ thống mà lực lượng Ukraine đang sử dụng”.

Washington cũng cho biết đang tìm cách xúc tiến triển khai kế hoạch chuyển giao hệ thống đánh chặn tên lửa và máy bay không người lái NASAMS cho Kiev và dự kiến lô hàng đầu tiên gồm 2 tổ hợp loại này sẽ được bàn giao trong những tuần tới.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht xác nhận hệ thống phòng thủ Iris-T thế hệ mới nhất của Berlin đã được chuyển giao cho Ukraine.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg thừa nhận Ukraine có “nhu cầu cấp thiết” về phòng không để đối phó với những tấn công mới của Nga.

Minh Vương

Nguồn: baoquocte.vn

Bài liên quan