Sự khác biệt trong cách ứng phó với đại dịch COVID-19 của Đức và Anh

Tính đến ngày 14/4, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn thế giới đã đạt mốc gần 2 triệu người, với trên 120.000 ca tử vong.

Tại châu Âu, sự khác biệt rõ rệt trong cách ứng phó với đại dịch COVID-19 của 2 quốc gia Đức và Anh được coi là bài học kinh nghiệm cho nhiều quốc gia.

Theo Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc), tính đến ngày 14/4, Đức ghi nhận 130.072 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 và 3.194 ca tử vong. Còn tại Anh, nước này đã có 88.621 người mắc COVID-19 và 11.329 trường hợp tử vong. Một ngày trước đó, Anh đã xác nhận 697 người thiệt mạng vì COVID-19, nhiều gấp 5 lần so với 126 ca tử vong ở Đức, mặc dù Anh có ít trường hợp mắc COVID-19 hơn.

132 1 Su Khac Biet Trong Cach Ung Pho Voi Dai Dich Covid 19 Cua Duc Va Anh

Theo các chuyên gia y tế, Đức đã có những phản ứng nhanh chóng trước sự bùng phát của dịch COVID-19 bằng cách phong toả toàn bộ đất nước từ hôm 16/3.

Trong khi đó, Anh hành động chậm hơn, đến tận 7 ngày sau khi Đức ban bố lệnh phong toả, tối 23/3 Chính phủ Anh mới quyết định phong toả toàn quốc trong 3 tuần. Các trường học Đức cũng đã đóng cửa vào ngày 13/3, trong khi các trường học ở Anh cho đến ngày 18/3 mới bắt đầu ngừng hoạt động.

Ban đầu, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã theo đuổi chiến lược “giữ bình tĩnh và tiếp tục chiến đấu với dịch bệnh”. Vương quốc Anh vẫn cho phép các nhà hàng, nhà hát, câu lạc bộ, quán rượu và trường học mở cửa.

Chính phủ nước này cũng đưa ra các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh cho nhóm người dễ bị tổn thương nhất trong cộng đồng, đó là những người trên 70 tuổi dễ có nguy cơ nhiễm virus. Thủ tướng Johnson cũng kêu gọi công chúng thường xuyên rửa tay và tự cách ly nếu bị mắc bệnh, trong khi nhiều quốc gia châu Âu khác có những động thái phong toả nghiêm ngặt hơn.

132 2 Su Khac Biet Trong Cach Ung Pho Voi Dai Dich Covid 19 Cua Duc Va Anh

Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: The Guardian

Đến giữa tháng 3, mỗi ngày, Đức đã xét nghiệm cho 103.000 người tại 132 phòng thí nghiệm trên khắp đất nước. Trong khi đó, Anh chỉ xét nghiệm được 5.000 mẫu bệnh phẩm mỗi ngày.

“Chúng tôi là quốc gia duy nhất trên thế giới có khá nhiều người nghi ngờ mắc bệnh được tiến hành xét nghiệm. Nhờ vào biện pháp xét nghiệm sớm, chúng tôi có thể tìm hiểu thêm về dịch bệnh ở Đức trong giai đoạn đầu”, ông Christian Drosten, Trưởng khoa Virus học tại Bệnh viện Charite, Berlin cho biết.

Thủ tướng Angela Merkel, một nhà khoa học bình tĩnh, kiên quyết đã ban bố lệnh phong toả và tuyên bố rằng bà sẽ từ chối bắt tay với tất cả mọi người để ngăn ngừa virus lây bệnh.

Trong khi đó, người đồng cấp Boris Johnson cho biết ông vẫn bắt tay mọi người, kể cả bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 trong một lần đến thăm bệnh viện.

132 3 Su Khac Biet Trong Cach Ung Pho Voi Dai Dich Covid 19 Cua Duc Va Anh

Thủ tướng Angela Merkel cho biết bà sẽ từ chối bắt tay với tất cả mọi người vì dịch COVID-19. Ảnh: DW

Các nhà lãnh đạo cũng có những cách tiếp cận cá nhân đối với dịch COVID-19 hoàn toàn khác biệt.

Vào tháng trước, bà Merkel đã ngay lập tức cách ly 14 ngày sau khi tiếp xúc với một bác sĩ mắc COVID-19. Thủ tướng Anh xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 hôm 27/ 3, ông phải tự cách ly tại nhà nhưng vẫn tiếp tục điều hành cuộc chiến chống COVID-19 của chính phủ.

Ông phải nhập viện vào ngày 5/4 và được chuyển đến phòng chăm sóc đặc biệt một ngày sau đó. Hôm 12/4, ông Boris Johson đã ra viện với tình trạng sức khoẻ ổn định.

Không chỉ có vậy, sự khác nhau về quan điểm chống dịch giữa Đức – quốc gia có dân số 82 triệu người và Vương quốc Anh – quốc gia có dân số 67 triệu người, cũng có thể thấy rõ qua ngôn ngữ của các nhà lãnh đạo hai quốc gia châu Âu.

“Không! Đại dịch này không phải là một cuộc chiến”, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier phát biểu nhân dịp Lễ Phục sinh hôm 11/4 và cho rằng đại dịch này là một “bài trắc nghiệm cho nhân loại”, ông cũng kêu gọi sự đoàn kết của châu Âu và các quốc gia trên toàn thế giới.

Trái lại, Thủ tướng Anh Johnson cương quyết hơn coi dịch COVID-19 như một cuộc chiến: “Chúng tôi phải hành động như bất kỳ chính phủ thời chiến nào và làm bất cứ điều gì cần thiết để hỗ trợ nền kinh tế của mình. Kẻ thù này có thể gây chết người, nhưng nó cũng có thể bị đánh bại”.

Nguồn: Báo Tin Tức

Bài liên quan