Tốt gỗ rõ ràng là hơn tốt nước sơn nhưng chiếc Supermarine Spitfire của Không quân Hoàng gia Anh trong Thế chiến thứ 2 lại tốt cả gỗ lẫn nước sơn, điều này đã khiến nó trở thành một trong những mẫu tiêm kích thành công nhất lịch sử.
Không thể nghi ngờ rằng một phần danh tiếng của chiếc tiêm kích Supermarine Spitfire đến từ vẻ ngoài của nó. Được R. J. Mitchell thiết kế với phần thân thanh mảnh, mũi dài và đôi cánh hình bầu dục lớn đã mang lại cho chiếc phi cơ này một vẻ đẹp gần như hoàn hảo và kiểu dáng khí động lực học không thể chê trách được. Chính nhờ chiếc phi cơ này mà khả năng không chiến của Anh đã được nâng lên ngang tầm Đức, Italia và Nhật trong suốt cuộc chiến.
Phát minh của Mitchell
Spitfire là thành quả phát triển từ thủy phi cơ Supermarine S6B đã giành Cúp Schneider năm 1931 của Mitchell. Năm 1934, khi Bộ Không quân Anh đưa ra bản yêu cầu chi tiết về một loại máy bay tiêm kích mới, Mitchell đã sử đổi chiếc thủy phi cơ cho phù hợp với các yêu cầu này bằng cách gắn thêm một động cơ Rolls-Royce Merlin II mới và tám khẩu súng máy 7,7mm.
Máy bay Spitfire cất cánh lần đầu tiên vào ngày 5.3.1936 với kết quả mỹ mãn, tuy vậy đáng buồn là khi nhìn vào lịch sử của máy bay Spitfire cha đẻ của nó là Mitchell lại qua đời chỉ một năm sau khi Spitfire xuất hiện. Tuy nhiên chiếc Spitfire vẫn được tiếp tục phát triển bởi các cộng sự của Mitchell và được vào biên chế của Không quân Anh từ năm 1938.
Một năm sau đó thì chiến tranh giữa Anh với Đức nổ ra, đánh dấu thời điểm chiếc Spitfire bước vào cuộc hành trình để trở thành một huyền thoại. Nhiều câu chuyện đồn thổi về vai trò của chiếc Spitfire trrong những năm đầu của cuộc chiến đã xuất hiện, cụ thể là trong trận không chiến tại Anh diễn ra vào mùa hè năm 1940.
Thực ra, quân Anh chủ yếu sử dụng máy bay Hurricane có số lượng nhiều hơn nhưng chậm chạp hơn và kém kinh hoạt trong không chiến. Chiếc Hurricane cũng có chỗ đặt súng ổn định hơn, tuy nhiên điều mà máy bay Spitfire đã mang lại cho Không quân Anh là khả năng đối đầu ngang ngửa với máy bay tiêm kích Messerschmitt Bf 109E của Đức.
Những chiếc Bf 109E có tốc độ tối đa lớn hơn một chút, đặc biệt là ở những độ cao lớn và có khả năng tăng độ cao tốt hơn, nhưng trong các điều kiện chiến trận thực tế thì Spitfire đã trình diễn khả năng ngoặt tốt hơn và bán kính quay vòng nhỏ hơn. Khi được sử dụng với một chiến thuật thích hợp, khả năng cơ động này sẽ giúp các phi đội tiêm kích Spitfire của Anh gây ra tổn thất nặng cho các đội hình máy bay Đức. Nếu không có máy bay Spitfire thì kết quả của chiến dịch tấn công nước Anh bằng không quân của Đức có thể đã rất khác.
Đương nhiên, người Đức cũng đã cải tiến máy bay của họ – cả loại Bf 109F và loại Focke-Wulf Fw 190 đều có tính năng vượt trội so với Spitfire trong lần đầu tham chiến. Thế nên bản thân Spitfire cũng được cải tiến liên tục trong toàn cuộc chiến.
Vũ khí được thay đổi với nhiều chiếc Spitfire được lắp đại bác 20mm thay cho súng máy 7,7 mm; các phiên bản tiêm kích – bom như Mk VC có thể mang 227 kg bom cũng được ra đời.
Động cơ của chiếc Spitfire cũng thường xuyên được nâng cấp và cuối cùng với những điều chỉnh nhỏ ấy, các kỹ sư Hoàng gia Anh đã tăng được cả trần bay, tốc độ bay và hỏa lực của chiếc Spitfire lên một tầm cao mới so với phiên bản ban đầu.
Tới cuối thế chiến, phiên bản Spitfire tiêm kích – trinh sát Mk XVIII có tốc độ tối đa lên tới 711 km/h, nhanh hơn phiên bản gốc Mk I tới 80 km/h. Không quân của Hải quân Hoàng gia Anh cũng có phiên bản Spitfire của riêng mình với tên gọi Seafire.
Trong suốt cuộc chiến, tổng cộng đã có 20.351 chiếc Spitfire được sản xuất. Chúng tham chiến trên tất cả các chiến trường, do phi công của nhiều nước khác nhau điều khiển như Séc, Ba Lan, Úc, Nam Phi, Ấn Độ và New Zealand. Spitfire đã sản sinh ra nhiều phi công át chủ bài với thành tích khét tiếng như Adolph Malan thuộc Phi đoàn 74 khi lái chiếc Spitfire đã một mình bắn rơi tới 27 máy bay địch, 7 lần phối hợp bắn rơi, 2 lần chưa được xác nhận, 3 lần nhiều khả năng đã bắn hạ và 16 lần làm máy bay địch hỏng nặng.
Hơn 1000 chiếc Spitfire cũng đã được Anh chuyển cho phía Liên Xô và nhiều phi công thuộc lực lượng không quân của Hồng Quân cũng ưa thích loại máy bay Anh này hơn là các máy bay nội địa do Liên Xô tự sản xuất.
Thiết kế xuất sắc của chiếc Spitfire đã giúp chúng tiếp tục được sử dụng trên khắp thế giới trong ít nhất là hơn một thập kỷ sau khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc và chúng còn tham chiến trong nhiều cuộc chiến nữa như chiến tranh Triều Tiên, Chiến tranh Ả Rập – Israel năm 1948, Chiến tranh Ấn Độ – Pakistan năm 1947,…
Ngày nay, chỉ còn một vài chiếc Spitfire nguyên bản vẫn có khả năng bay được còn tồn tại. Nhưng ngay cả trong thời đại của những chiếc phi cơ phản lực siêu tinh vi, ta vẫn có thể nhận ngay ra sự tinh tế và mạnh mẽ của Spitfire qua vẻ ngoài đầy tính thẩm mỹ của nó.
Nguồn: http://danviet.vn