Thật ấm lòng khi đáp xuống nước Đức, nơi các cổ động viên bóng đá giương cao biểu ngữ chào đón dòng người tị nạn từ vùng Trung Đông vốn đang bị chiến tranh tàn phá. Đối với những người tuyệt vọng và bị áp bức, những người sống sót qua chiến tranh và cướp bóc, Đức là vùng đất hứa mới.
Ngay cả những tờ báo lá cải ở Đức vốn không có xu hướng đăng những điều tốt đẹp cũng đang khuyến khích giúp đỡ người tị nạn.
Trong khi các chính trị gia ở Anh và các nước khác tỏ vẻ lo lắng nhưng không có hành động thực chất nào và phân bua tại sao chỉ cần một số lượng nhỏ người Syria, Libya, Iraq hay Eritrea nhập cư có thể gây nguy hiểm rất lớn cho tổ chức xã hội của các nước này, thì “Mama Merkel” (Mẹ Merkel) đã hứa rằng Đức sẽ không từ chối bất kỳ một người tị nạn thực sự nào.
Khoảng 800.000 dân tị nạn được dự kiến sẽ vào Đức năm nay, trong khi chỉ với chưa đầy 30.000 đơn xin tị nạn thì Thủ tướng Anh David Cameron đã làm ầm ĩ và đưa ra cảnh báo nghiêm trọng về những “đàn người” di chuyển qua Biển Bắc. Và không như Merkel, Cameron có phần trách nhiệm trong việc gây nên một trong những cuộc chiến tranh ở Trung Đông (ở Libya), đẩy hàng triệu người vào hoàn cảnh sống không thể chịu đựng nổi. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi Merkel muốn các quốc gia châu Âu khác đón nhận nhiều dân tị nạn hơn theo một hệ thống hạn ngạch bắt buộc.
Trên thực tế, bất chấp những luận điệu đầy lo lắng của các chính trị gia, nước Anh là một xã hội đa dạng về sắc tộc, và ở nhiều khía cạnh cởi mở hơn Đức. Người dân sống ở London rõ ràng đến từ nhiều nơi hơn người dân ở Berlin hay Frankfurt. Và nói chung, nước Anh đã hưởng lợi rất nhiều từ người nhập cư. Cơ quan Y tế Quốc gia Anh đã cảnh báo rằng hạn chế nhập cư có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, làm cho các bệnh viện Anh thiếu nhân viên trầm trọng.
Thái độ của nước Đức đương đại về vấn đề nhập cư có thể nói là đặc biệt. Cho phép dân tị nạn, hay bất kỳ người nhập cư nào vào nước Đức chưa bao giờ là một động thái chính trị dễ dàng. Những năm cuối thập niên 1930, khi người Do Thái ở Đức và Áo lâm vào tình trạng nguy kịch, rất ít quốc gia, kể cả Mỹ, sẵn sàng đón nhận số lượng lớn dân tị nạn. Anh cho phép khoảng 10.000 trẻ em Do Thái nhập cư năm 1939 vào phút cuối với điều kiện các em phải có người Anh bảo trợ và không đi cùng cha mẹ.
Cho rằng thái độ rộng lượng ở Đức hiện nay liên quan chặt chẽ đến việc thảm sát của người Đức trong quá khứ cũng không làm hạ thấp thiện chí của nước Đức. Người Nhật cũng mang gánh nặng tội ác trong lịch sử nhưng thái độ của người Nhật đối với người nước ngoài trong hoàn cảnh khó khăn không hề cởi mở như người Đức. Mặc dù rất ít người Đức còn nhớ đến Đệ Tam Đế chế, nhiều người vẫn cảm thấy cần phải chứng minh rằng họ đã học được gì đó từ lịch sử đất nước mình.
Tuy vậy sự quan tâm đặc biệt của giới chính trị gia và báo chí đối với khủng hoảng tị nạn hiện tại làm người ta ít chú ý tới nhiều vấn đề nhập cư lớn hơn. Hình ảnh các gia đình nhập cư khốn khổ trôi nổi trên biển, bị đe doạ nghiêm trọng bởi bọn buôn người và các băng đảng bất lương có thể dễ dàng khơi gợi lòng thương cảm và trắc ẩn (và không chỉ ở Đức). Ngay cả thủ tướng Anh Cameron cũng đã phải hạ giọng và hứa sẽ nhận vài nghìn người tị nạn, vì ông – “với tư cách một người cha” – bị lay động bởi hình ảnh một em bé Syria chết đuối trên biển.
Tuy vậy phần lớn những người vượt biên ở châu Âu để tìm việc và xây dựng cuộc sống mới không phải là dân tị nạn. Khi các quan chức Anh nói rằng việc số lượng người đến Anh hơn số lượng người rời đi 300.000 người trong năm 2014 là “rất đáng thất vọng”, họ không chỉ nói đến những người xin tị nạn. Phần lớn những người này đến từ các quốc gia khác trong Liên minh châu Âu như Ba Lan, Romania và Bulgaria.
Một số nhập cư với tư cách sinh viên, một số nhập cư để tìm việc. Họ nhập cư không phải vì không thể sống được ở quê hương mà vì muốn cải thiện cuộc sống. Việc đánh đồng người xin tị nạn với người nhập cư kinh tế đã hạ thấp nhóm thứ hai khi nhóm này bị nhìn nhận như thể họ đang cố nhập cư một cách gian dối.
Người ta thường mặc định rằng người di cư kinh tế từ các nước trong hay ngoài EU đa số là người nghèo sống dựa vào tiền thuế của nhóm tương đối giàu có. Trên thực tế, phần đông nhóm dân di cư này không ăn bám. Trái lại, họ muốn làm việc.
Rất dễ thấy những lợi ích mà họ đem lại cho nước tiếp nhận: người nhập cư kinh tế thường làm việc chăm chỉ hơn và chấp nhận mức lương thấp hơn người bản địa. Tuy vậy chắc chắn không phải ai cũng có lợi ích ở đây: những người (bản xứ) có thể bị hạ mức lương sẽ không chấp nhận lập luận về lợi ích của lao động giá rẻ. Dù sao đi nữa, lay động lòng thương cảm dành cho dân tị nạn vẫn dễ hơn đón nhận người nhập cư vì lý do kinh tế. Ngay cả ở Đức.
Năm 2000, Thủ tướng Đức Gerhard Schröder muốn cấp thị thực cho khoảng 20.000 chuyên gia công nghệ cao người nước ngoài, trong đó có nhiều người Ấn Độ. Dù Đức rất cần các chuyên gia này, Thủ tướng Schröder vẫn vấp phải sự phản đối quyết liệt. Một chính trị gia đã đưa ra khẩu hiệu “Kinder statt Inder” (Trẻ em thay vì người Ấn Độ).
Tuy nhiên ở Đức cũng như các nước giàu khác, tỷ lệ sinh đang ở mức thấp. Các quốc gia này cần người nhập cư nhiều năng lượng, sức trẻ và kỹ năng để làm những việc mà dân bản địa vì lý do nào đó không thể hoặc không muốn làm. Điều này không có nghĩa tất cả biên giới phải được mở cho tất cả mọi người. Ý tưởng lập hạn ngạch cho dân tị nạn của Merkel nên được áp dụng cho cả di dân kinh tế.
Dù vậy cho đến nay EU vẫn chưa có một chính sách nhất quán về vấn đề di cư. Công dân châu Âu có thể tự do đi lại trong khối (Anh muốn dừng việc này lại, dù khó thành công). Tuy vậy, di cư kinh tế từ các quốc gia ngoài EU theo những điều kiện được quản lý chặt chẽ là hợp pháp lẫn cần thiết. Không phải vì người di cư xứng đáng nhận được sự cảm thông của châu Âu, mà bởi vì châu Âu cần người nhập cư.
Mọi thứ sẽ không dễ dàng. Đa số mọi người có vẻ dễ bị cảm xúc lấn át – dù là dẫn đến giết người hàng loạt hoặc lòng trắc ẩn, tuỳ từng trường hợp – hơn là sự tính toán lý trí về lợi ích cá nhân.
Ian Buruma là Giáo sư ngành Dân chủ, Nhân quyền và Báo chí tại Bard College. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách, bao gồm Murder in Amsterdam: The Death of Theo Van Gogh and the Limits of Tolerance và gần đây nhất là cuốn Year Zero: A History of 1945.
Nguồn: Ian Buruma, “Necessary Migrants”, Project Syndicate, 07/09/2015.
Biên dịch: Hiếu Minh | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp