Tân Thủ tướng Anh và những ảnh hưởng từ "bà đầm thép" Thatcher

Bà Liz Truss, người sẽ nhậm chức thủ tướng Anh ở tuổi 47 vào hôm nay, ngưỡng mộ cố Thủ tướng Margaret Thatcher và chịu ảnh hưởng lớn từ những quan điểm của "bà đầm thép".

1 Tan Thu Tuong Anh Va Nhung Anh Huong Tu Ba Dam Thep Thatcher

Ngoại trưởng Liz Truss, 47 tuổi, sẽ là thủ tướng tiếp theo của Anh (Ảnh: AFP).

Đảng Bảo thủ cầm quyền ở Anh ngày 5/9 thông báo, Ngoại trưởng Liz Truss, 47 tuổi, đã được bầu làm là lãnh đạo mới của đảng này, đồng nghĩa bà là thủ tướng tiếp theo của Anh kế nhiệm ông Boris Johnson.

Theo kết quả bầu chọn vòng cuối được công bố, bà Liz Truss đã giành được 81.326 phiếu bầu (57,4%), vượt khá xa so với số phiếu 60.399 (42,6%) của đối thủ là cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak.

Sau khi được Nữ hoàng Anh Elizabeth II chính thức bổ nhiệm vào ngày 6/9, bà Truss sẽ trở thành nữ thủ tướng thứ ba trong lịch sử nước này sau "bà đầm thép" Margaret Thatcher và bà Theresa May.

Ảnh hưởng lớn từ cố Thủ tướng Margaret Thatcher

Bà Mary Truss sinh năm 1975 tại Oxford, có cha là giáo sư toán học và mẹ là y tá. Bà được nuôi dưỡng bởi cha mẹ theo cánh tả và từng xuống đường cùng cha mẹ trong các cuộc tuần hành phản đối chính phủ của Thủ tướng Margaret Thatcher khi đó.

"Khi còn nhỏ, bà Truss đã tuần hành trong các cuộc biểu tình chống lại Thủ tướng của đảng Bảo thủ Margaret Thatcher. Nhưng khi trưởng thành, bà lại ngưỡng mộ nữ lãnh đạo đầu tiên của Anh và bây giờ chuẩn bị bước vào Tòa nhà số 10 Downing với sự ảnh hưởng lớn từ bà Thatcher", hãng tin AP viết.

Cơ duyên đến vào năm 7 tuổi khi bà Truss từng đóng vai "bà đầm thép" trong một buổi diễn về tổng tuyển cử của trường. Và đó là thời điểm khiến bà có cái nhìn khác hơn về bà Thatcher.

Trong nhiều tháng qua, bà Truss đã gây chú ý với công chúng Anh bằng những bức ảnh được tạo dáng chuyên nghiệp, gần như là bản sao các khoảnh khắc của "bà đầm thép" Thatcher. Khi thăm Nga mới đây, bà Truss tái hiện khoảnh khắc của "bà đầm thép" 35 năm trước, bằng cách mặc áo khoác dài và đội mũ lông.

"Không nghi ngờ gì, bà Truss thỉnh thoảng tự làm mình giống Thatcher", ông David Jeffery, giảng viên chính trị Anh tại Đại học Liverpool, nói với Al Jazeera.

Theo AP, thời đó, gia đình bà Truss sống ở Paisley, Scotland, trước khi chuyển đến Leeds ở miền bắc nước Anh, nơi bà theo học một trường công lập, điều khiến bà khác biệt với nhiều đồng nghiệp Bảo thủ từng học các trường tư thục danh tiếng.

Trong suốt chiến dịch tranh cử vừa qua, bà Truss không ngần ngại nhấn mạnh xuất thân tương đối khiêm tốn của mình.

Bà sau đó tiếp tục theo học tại Đại học Oxford, ngành triết học, chính trị và kinh tế (PPE) vào năm 1996 và trở thành Chủ tịch chi nhánh đại học của đảng Dân chủ Tự do. Chuyên gia Littlewood, hiện là người đứng đầu Viện Kinh tế, một tổ chức tư vấn thị trường tự do, nhớ lại rằng bà Truss luôn là người "cá tính, cương quyết và thẳng thắn".

Sau khi tốt nghiệp đại học, bà làm kế toán cho các công ty Shell, và Cable & Wireless. Năm 2000, bà kết hôn với ông Hugh O'Leary, một kế toán viên, và có 2 con.

Sự nghiệp chính trị của bà Truss bắt đầu năm 2006 khi bà được bầu vào làm hội đồng viên ở Greenwich trước khi trở thành nghị sĩ khu vực Southwest Norfolk vào năm 2010.

Trước khi trở thành Ngoại trưởng Anh, bà Truss từng giữ chức Thứ trưởng Giáo dục, Bộ trưởng Môi trường, Bộ trưởng Tư pháp, Thứ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế và Thứ trưởng về Phụ nữ và Bình đẳng.

Trong một bài phát biểu năm 2018, bà Truss cho biết đã bắt đầu có quan điểm chính trị của riêng mình từ sớm. "Tôi luôn tranh luận với quan điểm của cha mẹ trong gia đình cánh tả của chúng tôi", bà nói.

Những khó khăn ngay trước mắt

2 Tan Thu Tuong Anh Va Nhung Anh Huong Tu Ba Dam Thep Thatcher

Bà Truss dự kiến sẽ đối mặt với nhiều thách thức khi nhậm chức thủ tướng vào hôm nay, 7/9 (Ảnh: Reuters).

Phát biểu sau khi kết quả bầu chọn được công bố, bà Truss đã kêu gọi đảng Bảo thủ phát huy tốt vai trò lãnh đạo trong 2 năm tới.

Thực tế cho thấy rõ ràng, tân Thủ tướng Anh sẽ đối mặt với áp lực ngay lập tức giải quyết cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt với hóa đơn năng lượng của các hộ gia đình tăng cao và lạm phát ở mức hai con số.

Bà Truss đã cam kết sẽ triển khai một kế hoạch quyết liệt nhằm giảm thuế và thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Bà tái khẳng định sẽ tìm cách tháo gỡ cuộc khủng hoảng năng lượng, giúp người dân giảm gánh nặng chi phí đồng thời giải quyết những vấn đề dài hạn về nguồn cung năng lượng như đình chỉ kế hoạch tăng mức trần hóa đơn năng lượng lên 80% vào tháng 10.

Tuy nhiên, đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng.

Bà cũng cho rằng, Anh nên tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), thỏa thuận được bà coi như bức tường thành đối phó ảnh hưởng từ Trung Quốc. Tạp chí Economist nhận xét đây là tầm nhìn "về bản chất mang bóng dáng của Margaret Thatcher".

Tuy nhiên, cách so sánh này chính là áp lực lớn cho bà Truss hiện nay bởi ảnh hưởng và cái bóng quá lớn của cố Thủ tướng Thatcher.

Bà Truss dự kiến sẽ bổ nhiệm ông Kwasi Kwarteng làm phó thủ tướng trong khi ông James Cleverly là ngoại trưởng và ông Suella Braverman dự kiến là Bộ trường Nội vụ. Người bạn cũ của bà, Therese Coffey có thể tiếp quản Bộ Y tế, trong khi Brandon Lewis đã được đề nghị cho ghế Bộ trưởng Tư pháp.

Cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak - đối thủ của bà trong cuộc bầu cử lãnh đạo đảng Bảo thủ - dự kiến sẽ không tiếp tục đảm nhận vị trí nào trong nội các và không loại trừ khả năng tiếp tục tranh cử ghế lãnh đạo đảng Bảo thủ cầm quyền trong tương lai.

Nội các mới sẽ nhóm họp lần đầu tiên vào sáng 7/9 trước khi bà Truss có cuộc gặp với lãnh đạo Công đảng Keir Starmer.

Ngay sau chiến thắng của Truss, ông Starmer đã viết trên Twitter: "Tôi muốn chúc mừng thủ tướng tiếp theo của chúng ta Liz Truss khi bà ấy chuẩn bị nhậm chức. Nhưng sau 12 năm của đảng Bảo thủ, tất cả những gì chúng ta phải chứng minh là lương thấp, giá cao và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt của đảng Bảo thủ. Chỉ có Công đảng mới có thể mang lại khởi đầu mới mà đất nước chúng ta cần".

Ngoài nối tiếp tầm nhìn chính sách của Thatcher, Truss cũng cho thấy bà sẽ kế thừa người tiền nhiệm Johnson, đặc biệt là ở những vấn đề liên quan đến Brexit. Bà được nhiều nhà quan sát đánh giá là một nhà đàm phán cứng rắn và "rất hiếu chiến với Liên minh châu Âu- EU".

3 Tan Thu Tuong Anh Va Nhung Anh Huong Tu Ba Dam Thep Thatcher

Cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak (trái) - đối thủ của bà trong cuộc bầu cử - dự kiến sẽ không đảm nhận vị trí nào trong chính phủ mới (Ảnh: Reuters).

Nhà bình luận trung tả Will Hutton viết trên The Observer rằng, các ý tưởng kinh tế của bà Truss là liên tục chống EU, bị ám ảnh bởi việc cắt giảm thuế.

Chính EU cũng xem bà Liz Truss nhân vật khiến mối quan hệ rạn nứt giữa Anh và EU trở nên tồi tệ hơn.

Mujtaba Rahman, Giám đốc điều hành khu vực châu Âu của Eurasia Group, một công ty tư vấn và nghiên cứu rủi ro chính trị, cho biết khi bà Truss trở thành ngoại trưởng một năm trước, EU hy vọng rằng bà có thể chứng minh Anh là đối tác.

Nhưng bà thúc đẩy kế hoạch đơn phương viết lại một phần quan trọng của thỏa thuận hậu Brexit, Nghị định thư Bắc Ireland, khiến các quan chức châu Âu thất vọng.

Giới quan sát cho rằng, bà Truss sẽ không mất nhiều thời gian để thuyết phục cử tri rằng bà đang đi đúng hướng bởi một cuộc bầu cử quốc gia tiếp theo phải được tổ chức trong vòng 2 năm tới.

Liệu vào năm 2024, bà Truss có tiếp tục nắm giữ cương vị thủ tướng Anh hay không? Câu trả lời nằm hoàn toàn ở năng lực nắm quyền của bà trong thời gian tới.

Theo AP, Guardian

Nguồn: Báo điện tử Dân trí

Bài liên quan