Tập đoàn dầu khí Anh British Petroleum (BP) có trụ sở tại London thông báo cắt giảm 15% nguồn nhân lực vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19).
Nhà máy lọc dầu Tập đoàn dầu khí Anh British Petroleum. Ảnh: Bloomberg
Dẫn các nguồn tin trong công ty, hãng tin Reuters cho biết Giám đốc Điều hành BP ông Bernard Looney đã thông báo cho nhân viên trong một cuộc họp trực tuyến rằng tập đoàn sẽ sa thải 10.000 trong tổng số 70.100 nhân viên. Phần lớn trong số đó sẽ kết thúc công việc vào cuối năm nay.
Kế hoạch này được cho là nằm một phần trong nỗ lực của ông Looney khi chuyển sản phẩm của tập đoàn từ xăng dầu sang năng lượng tái tạo.
Hiện tập đoàn vẫn chưa có tuyên bố chính thức về thông tin trên.
Hồi tháng Tư, tập đoàn thông báo cắt giảm 25% ngân sách trong năm 2020 do đại dịch COVID-19 khiến nhu cầu về dầu giảm chưa từng có tiền lệ. Ngày 28/4, BP báo cáo lỗ ròng 4,4 tỷ USD trong quý đầu tiên của năm nay.
Trước đó, vào ngày 20/4, lần đầu tiên trong lịch sử, giá một thùng dầu West Texas Middle (WTI) của Mỹ giao kỳ hạn tháng 5 đã có thời điểm giảm xuống mức -37,63 USD. Để ổn định thị trường, giữa tháng 4, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) đã đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng.
Thỏa thuận quy định nhóm OPEC+ sẽ giảm tổng cộng 9,7 triệu thùng dầu/ngày trong 2 tháng bắt đầu từ ngày 1/5. Mới đây, ngày 6/6, OPEC+ tiếp tục đạt được nhất trí về gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu thêm 1 tháng nhằm giúp vực lại giá dầu.
Theo công ty nghiên cứu thị trường năng lượng Rystad Energy có trụ sở chính tại Na Uy, trong bối cảnh giá dầu Brent ở mức thấp nhất trong 20 năm qua, doanh thu từ lĩnh vực dầu mỏ trong năm 2020 có thể giảm 40% so với năm 2019.
Sự sụt giảm nhu cầu cũng khiến các công ty lớn cắt giảm chi tiêu, trước hết là cho các dự án thăm dò, tìm kiếm những giếng dầu mới, tiếp đó là kinh phí di chuyển nhân lực và thiết bị đến các điểm khai htacs. Rystad Energy dự báo đầu tư năng lượng có thể giảm 25% trong nửa đầu năm 2020, xuống còn 410 tỷ USD.
Việc đầu tư sụt giảm sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Trong ngắn hạn, điều này sẽ gây thiệt hại cho các quốc gia có nền kinh tế chủ yếu dựa vào doanh thu dầu mỏ. Ngân sách các nước này phụ thuộc vào doanh thu từ các hoạt động khoan dầu mới và giá trị mỗi thùng dầu. Gabon là một ví dụ điển hình, khi quốc gia nhỏ bé ở Trung Phi này đang chứng kiến doanh thu bốc hơi, sau khi các kế hoạch khoan dầu ngoài khơi bị ngưng trệ.
Về lâu dài, sự sụt giảm đầu tư đặt ra câu hỏi về khả năng các nhà sản xuất có thể đáp ứng nhu cầu năng lượng vốn rất cao của thị trường. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), nếu đầu tư duy trì ở mức 2020 trong 5 năm tới, nó sẽ làm giảm mức cung dự báo ban đầu vào năm 2025 gần 9 triệu thùng/ngày. Sự cân bằng giữa cung và cầu có thể bị đảo lộn, khi các nhà sản xuất rất khó khăn để đáp ứng thị trường.
Cuối tháng Năm vừa qua, báo cáo thường niên của IEA cho thấy đầu tư vào ngành năng lượng đã giảm kỷ lục do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Cụ thể, số tiền đầu tư vào năng lượng trong năm nay ước tính giảm 20% so với mức đầu tư của năm ngoái, hoặc tương đương 400 tỷ USD.
Hồng Hạnh/Báo Tin tức