Các nghị sĩ Anh một lần nữa đã bỏ phiếu bác bỏ dự thảo thỏa thuận Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) sửa đổi lần thứ hai của Thủ tướng Theresa May.
Ảnh: Reuters
Theo Reuters, Hạ Viện Anh ngày 12/3 đã tổ chức bỏ phiếu thông qua dự thảo Brexit của bà May. Trước sự kiện này, nhiều nhà phân tích cho rằng nữ Thủ tướng Anh cần "phép màu" mới có thể đảo ngược được thất bại lịch sử sau khi thỏa thuận bị Quốc hội bác bỏ lần đầu hồi tháng Một năm nay.
Trong cuộc bỏ phiếu mới diễn ra, các nhà lập pháp Anh một lần nữa không phê chuẩn dự thảo "ly hôn" Liên minh châu Âu (EU) sửa đổi của Thủ tướng May với tỉ lệ 391 phiếu chống và 242 phiếu thuận. Động thái cho thấy, những cuộc đàm phán vào phút chót của bà May với các lãnh đạo EU nhằm giành nhượng bộ trấn an các nghị sĩ trong nước hôm 12/3 đã không hiệu quả.
Kết quả bỏ phiếu mới đã đẩy nền kinh tế lớn thứ năm trên thế giới vào vòng xoáy khủng hoảng mới, chưa có lối thoát rõ ràng. Anh hiện đối mặt với một trong các nguy cơ phải rời EU mà không có thỏa thuận nào, trì hoãn Brexit qua thời điểm 29/3, tổ chức tổng tuyển cử sớm hoặc tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý mới về Brexit.
Trong bức thư công bố ngay trước thềm phiên bỏ phiếu về Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu) tại Hạ viện Anh, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jean-Claude Juncker và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk tuyên bố, quá trình Brexit phải hoàn tất trước cuộc bầu cử châu Âu diễn ra từ ngày 23 -26/5 tới. Nếu không, Anh sẽ có nghĩa vụ pháp lý phải tham gia cuộc bầu cử này.
Giới quan sát chỉ ra rằng, dù dự thảo Brexit sửa đổi lần hai của bà May tiếp tục không qua "cửa" Hạ viện, nhưng tỉ lệ chênh lệch phiếu đã được rút ngắn từ 230 phiếu xuống còn 149 phiếu. Điều này là do một số nhà lập pháp thuộc đảng Bảo thủ từng bỏ phiếu chống hồi tháng Một đã thay đổi quan điểm để quay sang ủng hộ bà May, vì quan ngại nguy cơ trì hoãn hoặc bãi bỏ Brexit nếu thỏa thuận lại "chết yểu".
Dự kiến vào lúc 19h giờ GMT ngày 13/3 (2h sáng 14/3 theo giờ Việt Nam), các nghị sĩ Anh sẽ bỏ phiếu quyết định liệu nước này có nên rời EU mà không có thỏa thuận hay không.
Các lãnh đạo doanh nghiệp cảnh báo, viễn cảnh này nếu thành hiện thực có thể gây ra tình trạng hỗn loạn cho các thị trường và chuỗi cung ứng, tiềm ẩn nguy cơ thiếu thực phẩm và thuốc men tại đảo quốc sương mù.
Nguồn: Tuấn Anh/ Vietnamnet.vn