Thỏa thuận Brexit vấp phải rào chắn ngay từ trong nội bộ nước Anh

Hôm 23/11, Thủ tướng Anh Theresa May kêu gọi Quốc hội nước này ủng hộ dự thảo thỏa thuận đạt được với EU về quan hệ tương lai hậu Brexit.

Lời kêu gọi được đưa ra khi Thủ tướng Anh Theresa May vấp phải sự phản đối của nhiều nghị sĩ với tóm lược tuyên bố về tương lai quan hệ song phương sau khi nước này rời Liên minh châu Âu (EU).

426 1 Thoa Thuan Brexit Vap Phai Rao Chan Ngay Tu Trong Noi Bo Nuoc Anh
Thủ tướng Anh Theresa May. Ảnh: Getty.

Trả lời phỏng vấn trên truyền hình, Thủ tướng Theresa May cho rằng, Liên minh châu Âu sẽ không đàm phán lại Thỏa thuận Brexit, nếu Quốc hội Anh bác bỏ dự thảo hiện nay.

“Nếu Quốc hội Anh bác bỏ dự thảo thỏa thuận này, chúng ta sẽ đối mặt với sự bất ổn và chia rẽ hơn. Tôi tin rằng, nếu chúng ta quay trở lại Liên minh châu Âu và nói rằng người dân Anh không thích thỏa thuận này và chúng ta cần phải có một thỏa thuận khác. Tôi không nghĩ rằng họ sẽ tiếp tục đồng ý đàm phán và nói rằng EU sẽ trao cho Anh một thỏa thuận tốt hơn”, bà May nói.

Thủ tướng Anh Theresa May hiện đang vấp phải sự phản đối của nhiều nghị sĩ về dự thảo thỏa thuận Brexit đạt được với Liên minh châu Âu. Lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn cho rằng, văn kiện này nói lên sự thất bại của đảng Bảo thủ cầm quyền và Thủ tướng Theresa May trong suốt 2 năm đàm phán.

Ông còn ví thỏa thuận như dải băng bịt mắt đẩy Anh vào “bóng tối”: “Bản dự thảo dài 26 trang này là minh chứng cho sự thất bại của các cuộc đàm phán. Nó đại diện cho tất cả những điều tồi tệ nhất của thế giới: không nói về các quy tắc sẽ tiếp tục được áp dụng và không chắc chắn cho tương lai”.

Như vậy, trong bối cảnh đảng Bảo thủ cầm quyền không chiếm thế đa số tại Hạ viện Anh thì sự ủng hộ từ các nghị sĩ đối lập là rất cần thiết. Trong khi đó, một số nghị sĩ có ảnh hưởng trong đảng Bảo thủ cầm quyền ủng hộ Brexit như cựu Ngoại trưởng Boris Johnson cũng đã chỉ trích dự thảo này. Ông cho rằng văn bản này không giúp giải quyết những thực tiễn khó khăn trong quá trình Brexit, đặc biệt là thỏa thuận “rào chắn” hải quan được nêu trong dự thảo thỏa thuận chia tay đạt được hồi tuần trước.

Theo đó, nếu sau giai đoạn chuyển tiếp, Anh và EU chưa thể đạt được thỏa thuận thương mại và không có biện pháp thay thế nào được đưa ra thì Anh sẽ tiếp tục ở lại liên minh thuế quan EU và vùng Bắc Ireland sẽ tiếp tục tuân thủ các quy định của thị trường chung châu Âu nhằm tránh lập biên giới cứng với Cộng hòa Ireland.

Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Brexit Dominic Raab cho rằng, thỏa thuận này thậm chí còn khiến tương lai về một ngày Anh lấy lại quyền kiểm soát trở nên xa vời hơn bao giờ hết. Dự kiến Thủ tướng Anh sẽ tới Brussels, Bỉ vào hôm nay (24/11) để tham dự các cuộc họp về vấn đề Brexit, một ngày trước Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu dự kiến thông qua cả bản tuyên bố tương lai quan hệ song phương và thỏa thuận “ly hôn”.

Dự thảo Thỏa thuận này cần phải được thông qua sớm để kịp thời gian cho Nghị viện châu Âu và Quốc hội Anh phê chuẩn. Nếu Thủ tướng Theresa May không thể có được sự ủng hộ của đa số nghị sĩ trong Quốc hội Anh với dự thảo này thì tương lai Brexit thực sự trở nên mù mịt./.

Nguôn: https://vov.vn/

Bài liên quan