Ngày 21/1, Thủ tướng Anh Theresa May đã trình bày kế hoạch B về Brexit trước Hạ viện sau khi bản thỏa thuận ban đầu do bà đàm phán với các nhà lãnh đạo ở Brussels đã bị bác bỏ tại phiên bỏ phiếu của Quốc hội vào tuần trước.
Thủ tướng Anh Theresa May phát biểu trước Hạ viện, ngày 21/1. (Ảnh: AFP)
Trong bài trình bày về phiên bản Brexit thay thế, bà May khẳng định sẽ tiếp tục đối thoại về vấn đề đường biên giới giữa khu vực Bắc Ireland của Anh với Cộng hòa Ireland, đồng thời nỗ lực tìm kiến những giải pháp có thể được Quốc hội ủng hộ. Thủ tướng Anh tuyên bố sẽ thảo luận với các quan chức Liên minh châu Âu (EU) về vấn đề biên giới, song nhấn mạnh sẽ không đưa ra "sự thay đổi quan trọng nào" trong kế hoạch Brexit.
Thủ tướng Theresa May đã từ chối yêu cầu của các nghị sỹ đưa ra khi loại trừ khả năng đưa Anh rời khỏi EU vào cuối tháng 3 một cách "mất trật tự" và không đạt thỏa thuận về các điều khoản Brexit cũng như mối quan hệ tương lai giữa Anh và EU. Ngoài ra, bà Theresa May cũng đã bác bỏ đề xuất do một số nghị sỹ Anh đưa ra nhằm tiến hành một cuộc bỏ phiếu khác về số phận của Brexit vì cho rằng, việc làm này sẽ xóa bỏ kết quả của cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6/2016, làm suy yếu niềm tin vào nền tảng dân chủ, gây tổn hại đến sự gắn kết xã hội và có nguy cơ tiếp tay cho những kẻ có âm mưu chia rẽ nước Anh.
Cũng trong bài phát biểu trước Hạ viện, bà Theresa May đã lưu ý các nghị sỹ Anh rằng, việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý khác về Brexit sẽ cần tới việc gia hạn một quyết định đã được Anh đưa ra vào năm 2016 để kích hoạt Điều 50 trong hiệp ước Lisbon. Theo quan điểm của bà Theresa May thì kịch bản này sẽ rất khó trở thành sự thật khi có nhiều nguy cơ vấp phải sự phản đối từ EU.
Tuy nhiên, nỗ lực mới nhất của bà Theresa May dường như cũng chưa đủ để có thể xoay chuyển tình thế vào phút chót khi lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn tiếp tục cáo buộc nữ Thủ tướng Anh đang "lặp lại sai lầm" và có nhiều nguy cơ sẽ không giành được sự nhượng bộ từ phía EU.
Theo dự kiến, bản kế hoạch B về Brexit của bà Theresa May sẽ được mang ra bỏ phiếu tại Quốc hội vào ngày 29/1. Hiện vẫn chưa rõ liệu những đề xuất mới của bà Theresa May có thể giúp phá vỡ "thế bế tắc" và thu hẹp sự bất đồng của các đảng phái chính trị tại Anh về Brexit hay không.
Hiện một nhóm các nghị sỹ tại Quốc hội Anh được cho là đang tính đến phương án đưa ra một bản kiến nghị trì hoãn việc triển khai Brexit theo lịch trình đã định vào tháng 3/2019 trong trường hợp nước này và EU không thể đưa ra tiếng nói chung về Brexit. Trong khi đó, một số các nghị sỹ khác ủng hộ chủ trương "Brexit mềm" – tức là muốn duy trì các mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với EU – lại đang có kế hoạch đưa ra một số kiến nghị thay đổi nhằm chặn đứng kịch bản Brexit không thỏa thuận và kêu gọi bà Theresa May phân biệt tách bạch giữa việc rời khỏi EU với việc từ bỏ thị trường đơn lẻ và liên minh hải quan của khối này.
Sau nhiều tháng đàm phán căng thẳng, tháng 11/2018, Anh và EU đã đạt được thỏa thuận về Brexit. Tuy nhiên, bản thỏa thuận này đang đứng trước nhiều nguy cơ đổ vỡ, với một phần nguyên nhân là do lập trường khác biệt từ phía các nghị sỹ Anh và phần nguyên nhân còn lại là do thái độ cứng rắn, kiên quyết không nhượng bộ từ phía EU. Sứ mệnh chấm dứt cuộc hôn nhân kéo dài hơn 40 năm giữa Anh và EU đối với bà Theresa May đang ngày càng trở nên bế tắc khi mà thời hạn chót 29/3 đang tới gần còn tiến trình đàm phán về Brexit vẫn "giậm chân tại chỗ"./.
Thu Lan
Theo NHK, PressTV, News24.com
Nguồn: cpv.org.vn