Mọi sự chú ý của dư luận Anh và châu Âu hôm nay (3/9) đều đổ dồn về Cung điện Westminster khi các nghị sĩ Anh quay lại làm việc sau kỳ nghỉ hè.
Các đảng đối lập muốn tranh thủ khoảng thời gian 2 tuần ngắn ngủi này để ngăn chặn Brexit không thỏa thuận. Tuy nhiên, với cam kết đưa nước Anh rời Liên minh châu Âu vào ngày 31/10 bằng mọi giá, Thủ tướng Boris Johnson tới nay vẫn không hề cho thấy ý định nhượng bộ, dù là phải kêu gọi tổng tuyển cử trước thời hạn.
Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: The Independent.
Một ngày trước khi Quốc hội trở lại làm việc, Thủ tướng Boris Johnson hôm 2/9 tuyên bố sẵn sàng kêu gọi tổng tuyển cử sớm vào ngày 14/10, nếu các nghị sĩ thông qua dự luật ngăn chặn Brexit không thỏa thuận. Nếu các nghị sĩ Bảo thủ “nổi loạn” quyết định đứng về phe đối lập để chống lại chính phủ trong cuộc bỏ phiếu ngày hôm nay, thì chính phủ sẽ ngay lập tức trình lên Quốc hội yêu cầu tổ chức tổng tuyển cử sớm và cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra 1 ngày sau đó, tức là ngày mai (4/9).
Một quan chức giấu tên cảnh báo, Thủ tướng không muốn một cuộc bầu cử sớm, song điều này sẽ phụ thuộc vào lựa chọn của các nghị sĩ. Một thất bại đối với Chính phủ sẽ gây tổn hại tới uy tín và vị thế của nước Anh trên bàn đàm phám và khiến nước Anh không thể đàm phán được một thỏa thuận với Liên minh châu Âu. Trong bất kỳ trường hợp nào, việc tổ chức bầu cử chỉ được thông qua nếu nhận được sự ủng hộ của 2/3 số nghị sĩ tại Hạ viện.
Tuyên bố của nhà lãnh đạo Anh được xem là thông điệp mạnh mẽ gửi tới các nghị sĩ đối lập rằng, ông sẽ không nhượng bộ. Trước đó cùng ngày, phát biểu tại Ngôi nhà số 10 phố Downing sau cuộc họp khẩn với các thành viên nội các, Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố không muốn một cuộc bầu cử sớm, đồng thời khẳng định “lạc quan trước những bước tiến” ghi nhận được trong các cuộc thảo luận với Liên minh châu Âu. Theo ông, những cơ hội đạt được một thỏa thuận đã tăng lên trong 3 tuần qua.
“Tôi tin rằng, cơ hội đạt được một thỏa thuận đã tăng lên. Bởi các đối tác châu Âu có thể thấy rằng chúng ta muốn một thỏa thuận, thấy rắng chúng ta có một tầm nhìn rõ ràng về mối quan hệ tương lai với EU, thấy rằng chúng ta hoàn toàn quyết tâm củng cố vị thế của mình với việc sẵn sàng rời EU dù kết quả thế nào”, ông Boris Johnson nói.
Muốn rộng tay để tự quyết đối với bản thỏa thuận chia tay với Liên minh châu Âu, Thủ tướng Boris Johnson đã có bước đi đầy mạo hiểm khi đề xuất Nữ hoàng Elizabeth II hoãn lịch làm việc của Quốc hội tới ngày 14/10. Dù được Nữ hoàng ủng hộ, song quyết định đã ngay lập tức trở thành cú sốc lớn trên chính trường Anh. Các nghị sĩ đối lập cáo buộc nhà lãnh đạo Anh muốn “bịt miệng” họ khi tìm cách giảm thời gian các cuộc tranh luận và quyết tận dụng khoảng thời gian ít ỏi khi Nghị viện quay lại làm việc để ngăn chặn Brexit không thỏa thuận.
Lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn nhấn mạnh: “Mục đích của chúng tôi là ngăn chặn Chính phủ hiện nay thực hiện kế hoạch Brexit không thỏa thuận. Chúng tôi muốn bảo vệ công ăn việc làm và mức sống của người dân, muốn đảm bảo rằng đất nước sẽ không chịu sự chi phối của Tổng thống Trump hay bất kỳ thỏa thuận thương mại với Mỹ nào”.
Hơn 3 năm sau cuộc trưng cầu ý dân ngày 23/6/2016 và sau hai lần trì hoãn Brexit, chính trường nước Anh vẫn như trong “mớ bòng bong”. Một sự ra đi không thỏa thuận dường như đang trở thành kịch bản có khả năng cao nhất khi nhà đàm phán hàng đầu Liên minh châu Âu Michel Barnier hồi cuối tuần qua khẳng định không lạc quan về khả năng tránh được kịch bản này./.
Nguồn: VOV.VN