Thủ tướng Anh Theresa May từ chức: Dấu chấm hết từ khủng hoảng Brexit

Suốt 3 năm qua, bà Theresa May đã lèo lái nước Anh trong một thời kỳ chính trị hỗn loạn nhất trong lịch sử Vương quốc Anh. Bà May cũng đã dành hơn 2 năm cố gắng tìm kiếm một đề xuất nghiêm túc được sự ủng hộ trong nội các để trình lên EU...

132 1 Thu Tuong Anh Theresa May Tu Chuc Dau Cham Het Tu Khung Hoang Brexit

Thủ tướng Theresa May

Nỗ lực không được ghi nhận

Theo giới phân tích, nhiều năm qua, việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, đã từng ngày từng giờ "bóp nghẹt" chính trường Anh và đã gây ra những hậu quả khôn lường với sự nghiệp chính trị của Thủ tướng Theresa May. Xét trên nhiều góc độ, cuộc khủng hoảng Brexit xuất phát từ việc nước Anh không thực sự hiểu rõ những tác động và ý nghĩa của Brexit đối với các thành phần trong xã hội. Có hàng loạt vấn đề "khó nhằn" và chi tiết cần được giải quyết, bao gồm đường biên giới Bắc Ireland, tư cách thành viên của một số liên minh hải quan, kết nối giao thông hàng không, tư cách thành viên của các cơ quan như cục Cảnh sát châu Âu (Europol) và Cộng đồng Năng lượng Nguyên tử châu Âu (Euratom).

Bà Theresa May nhậm chức Thủ tướng Anh ngày 13/7/2016 thay cho Thủ tướng David Cameron phải từ chức sau cuộc trưng cầu ý dân dẫn đến Brexit. Trong bài phát biểu đầu tiên, bà May vạch ra chương trình nghị sự đầy tham vọng. Bà nói về việc giúp đỡ người nghèo, chiến đấu với những "bất công cháy âm ỉ" trong xã hội Anh. Tuy nhiên, bà không đạt được nhiều thành tựu vì vấn đề Brexit đã chiếm hầu hết thời gian làm việc của bà. Nỗ lực đưa con thuyền nước Anh ra khỏi cơn bão Brexit là một nhiệm vụ mà bà May gọi là "thách thức lớn nhất trong thời bình mà một chính phủ gặp phải".

Suốt 3 năm qua, bà Theresa May đã lèo lái nước Anh trong một thời kỳ chính trị hỗn loạn nhất trong lịch sử Vương quốc Anh. Bà May cũng đã dành hơn 2 năm cố gắng tìm kiếm một đề xuất nghiêm túc được sự ủng hộ trong nội các để trình lên EU. Trong tiến trình này, bà phải đối mặt với 3 mặt trận cùng lúc: đàm phán thành công một thỏa thuận về Brexit với EU, thuyết phục được các thành viên trong Đảng Bảo thủ và trong nội các chấp nhận thỏa thuận và giành được sự ủng hộ của các đảng phái khác trong Quốc hội để thông qua thỏa thuận này.

Bà May đã rất cứng rắn kể từ khi lên làm Thủ tướng và luôn nỗ lực xoay sở để duy trì vị thế của mình. Trong một thời gian ngắn, bà đã khiến các phe phái trong nội bộ đảng Bảo thủ đoàn kết sau nhiều thập niên họ bị chia rẽ về chính sách đối với châu Âu. Tuy nhiên, khi giải quyết các vấn đề liên quan đến Brexit, bà May luôn ở vị thế không thuận lợi, bị kẹp giữa một số thành viên trong đảng và nội các (là những người ủng hộ phương án Brexit "mềm", hội nhập một phần với châu Âu) và những người theo đường lối cứng rắn (muốn hoàn toàn tách khỏi các cơ chế, chính sách và luật lệ của EU). Bà đã cố gắng tìm kiếm giải pháp dung hòa giữa 2 phương án Brexit "mềm" và Brexit "cứng" nhưng dường như không thành công.

Sự sụp đổ "những quân cờ domino"

Thời gian trôi đi nhanh chóng và sự kiên nhẫn của EU đối với nước Anh cũng giảm dần. Cứ thế, Thủ tướng May rơi từ cuộc khủng hoảng lãnh đạo này sang cuộc khủng hoảng lãnh đạo khác... Bà tự đưa mình vào "ván cược" lớn bằng cách tổ chức bầu cử sớm vào tháng 6/2017 với mong muốn tăng số ghế đảng của mình tại quốc hội nhằm củng cố quyền lực của bà trong các cuộc đàm phán Brexit với EU. Quyết định này phản tác dụng, đảng Bảo thủ mất thế đa số ở quốc hội với số ghế giảm từ 330 xuống 317. Bà phải liên minh với 10 nhà lập pháp từ đảng Liên minh Dân chủ của Bắc Ireland để tiếp tục nắm quyền. Kể từ đó, bà phải mất nhiều công sức để duy trì mối quan hệ giữa hai đảng.

Tháng 11/2018, bà ký thỏa thuận Brexit với EU, đưa ra các điều khoản về sự ra đi của Anh và thiết lập một giai đoạn chuyển tiếp gần 2 năm để hai bên xây dựng mối quan hệ trong tương lai. Tuy nhiên, bà đã thất bại trong việc thuyết phục Đảng Bảo thủ và thuyết phục được Quốc hội Anh thông qua cho dù đã 3 lần đưa thỏa thuận ra bỏ phiếu. Thỏa thuận mà bà ký với EU bị nhiều nghị sĩ phản đối. Một số người cho rằng Anh đã nhượng bộ quá nhiều và nó vẫn khiến Anh bị ràng buộc với các quy tắc của EU. Trong khi đó, các nghị sĩ thân EU muốn có một Brexit nhẹ nhàng hơn, vẫn duy trì mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với khối.

Tương lai chính trị của bà May dần đi đến hồi kết khi Hạ viện đã 3 lần bác bỏ thỏa thuận Brexit trong các cuộc bỏ phiếu. Nước Anh trước đó dự kiến rời khỏi EU vào ngày 29/3 nhưng các dự thảo "chia tay" bà May đàm phán với EU đã không được Quốc hội Anh thông qua, buộc bà phải lùi thời hạn Brexit tới tháng 10 năm nay. Trong thời gian này, làn sóng phản đối Brexit dâng cao tại Anh. Đã có hơn 1 triệu người xuống đường trên toàn nước Anh để yêu cầu tổ chức cuộc trưng cầu ý dân lần 2 về Brexit. Cùng lúc, một bản yêu sách trên mạng đề nghị Hạ viện Anh từ bỏ Brexit cũng đã thu thập được hơn 5 triệu chữ ký chỉ sau vài ngày khởi động. Thế bế tắc toàn diện của Brexit khiến bà May đánh mất tất cả sự ủng hộ của nội bộ đảng Bảo thủ cũng như thất bại trong việc tìm kiếm thỏa hiệp với Công đảng đối lập.

Tiếp đó, tháng 4/2019, Nghị viện Anh đã quay lưng với Thủ tướng Theresa May khi phe ủng hộ một Brexit cứng rắn lên án bà tìm kiếm thỏa hiệp từ phe đối lập. Đó là thất bại lịch sử của bà May khi bị các thành viên Đảng Bảo thủ cầm quyền chống lại. Bà May chống lại những lời kêu gọi từ chức và tiếp tục lên kế hoạch trình thỏa thuận Brexit ra quốc hội lần thứ 4. Tuy nhiên, áp lực cuối cùng trở nên không thể cưỡng lại. Kế hoạch "Brexit mới" gồm 10 điểm do bà May trình lên vào ngày 21/5 mới đây đã khiến nhiều nghị sĩ trong chính đảng của bà nổi giận, cương quyết gây sức ép buộc bà May từ chức.

Ngày 24/5, bà thông báo kế hoạch từ chức vào ngày 7/6 tới trong nước mắt sau gần 3 năm cầm quyền. Quyết định của thủ tướng Anh báo trước sự kết thúc của cuộc "hỗn chiến" liên quan tới Brexit, đánh dấu sự chia sẽ ngày càng lớn trong đảng của bà và trên khắp nước Anh về việc sẽ rời khỏi EU như thế nào. Trong thời gian cuộc bầu cử lãnh đạo đảng Bảo thủ dự kiến kéo dài khoảng 6 tuần, bà Theresa May sẽ là thủ tướng tạm quyền của nước Anh.

 Nhu Thuỵ Theo Guardian, Telegraph

Nguồn: Vietnamnet.vn

Bài liên quan