Thủ tướng Boris Johnson từ chức: Biến cố của nước Anh

Việc Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố từ chức là biến cố chính trị mới nhất, cụ thể nhất cho thấy hậu quả từ một loạt thách thức, trong đó đáng kể nhất là kinh tế, đang chất chồng lên các nước phương Tây.

1 Thu Tuong Boris Johnson Tu Chuc Bien Co Cua Nuoc Anh

Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu bên ngoài Phố Downing ngày 7-7 - Ảnh: REUTERS

Đúng như dự đoán, trưa 7-7 giờ Anh, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã xác nhận ông sẽ rời cương vị lãnh đạo Đảng Bảo thủ, cũng có nghĩa sẽ không còn là thủ tướng Anh.

Chuyện không thể tránh

Đây là diễn biến chiếm trọn sự quan tâm của dư luận Anh và quốc tế trong 48 giờ qua. Tuy nhiên đây không hẳn là cú sốc trên chính trường Anh. Ngược lại đây là điều gần như không thể tránh và được xem như giải pháp cho tình thế khủng hoảng hiện nay của các bên. Việc từ chức của ông Johnson được cho là cách để Đảng Bảo thủ cứu vãn uy tín trước khi quá muộn.

Kể từ sau khi giành chiến thắng áp đảo năm 2019, uy tín của ông Johnson và Đảng Bảo thủ dần sụt giảm nghiêm trọng. Suốt một năm qua, sức ép với ông Johnson ngày càng lớn khi đối mặt hàng loạt cáo buộc về cả cách hành xử lẫn quyết định nhân sự.

Đơn cử tháng 4-2022, ông Johnson bị phạt vì vi phạm quy định chống dịch khi tham dự buổi tiệc mừng sinh nhật hồi tháng 6-2020. Mới nhất ông tiếp tục bị chỉ trích quanh vụ bổ nhiệm nghị sĩ Chris Pincher làm phó lãnh đạo văn phòng kỷ luật của Đảng Bảo thủ.

Ông Johnson bị cho là đã nói dối chuyện ông không biết Pincher bị cáo buộc quấy rối tình dục và vụ việc này giống như giọt nước tràn ly. Chỉ tính từ chiều 5-7, gần 60 nghị sĩ với khoảng một nửa trong nội các của Thủ tướng Johnson đã từ chức để gây áp lực buộc ông phải rời nhiệm sở. Kịch tính nhất là việc chưa đầy hai ngày sau khi được bổ nhiệm, tân Bộ trưởng tài chính Nadhim Zahawi cũng đã kêu gọi thủ tướng... từ chức.

Trong thông báo ngày 7-7, ông Johnson cho biết Đảng Bảo thủ sẽ bắt đầu chọn lãnh đạo mới "ngay từ lúc này" và tiến trình cụ thể sẽ được thông báo trong tuần sau. Bản thân ông Johnson muốn tiếp tục làm thủ tướng tạm quyền cho tới tháng 10 năm nay bất chấp sức ép buộc ông thôi việc ngay lập tức. 

Sau khi có tân thủ tướng, người này có thể yêu cầu tổ chức tổng tuyển cử nhưng không bắt buộc. Một cuộc tổng tuyển cử như thế (với khả năng thủ tướng Anh sẽ rơi vào tay đảng khác) sẽ diễn ra vào tháng 1-2025.

Nỗi ám ảnh kinh tế

"Mỗi khi ông Johnson gặp vấn đề, ông ta gọi cho Zelensky, và hóa đơn lại tăng lên nhanh chóng", báo Guardian ngày 20-6 bình luận. Đó là sự mô tả chính xác về một luồng ý kiến phổ biến cho rằng Thủ tướng Johnson đang dùng chiêu bài đánh lạc hướng dư luận bằng hình ảnh "lãnh đạo" trong vấn đề Ukraine.

Nhưng vấn đề Ukraine hay cáo buộc nhắm vào Nga chưa phải cái cớ cho nguyên nhân sâu xa nhất dẫn tới việc ông Johnson từ chức: tình hình lạm phát.

Vấn đề chính ông Johnson phải đối mặt là hàng loạt cuộc biểu tình tăng lương, đợt đình công của nhân viên xe lửa và giao thông công cộng. Việc vật giá tăng chóng mặt đã khiến uy tín của ông Johnson lao dốc.

Tại Anh, Telegraph là tờ báo ủng hộ việc Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit). Nhưng trong bài bình luận ngày 22-6, tờ báo này thẳng thừng chỉ trích các kế hoạch phong tỏa phòng chống dịch COVID-19, và khẳng định lạm phát hiện nay chẳng liên quan mấy tới tình hình Ukraine. Việc phong tỏa và in hàng chục tỉ bảng cứu trợ đã đẩy lạm phát lên cao. Kể cả trước cuộc chiến tại Ukraine, lạm phát đã tăng không thể kiểm soát, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chạm 6,2% trong tháng 2.

David Frost, nhân vật sát cánh với ông Johnson ở vị trí bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit, cũng nói thẳng trên Telegraph rằng thủ tướng Anh đã quá thiên về cánh tả trong vấn đề kinh tế.

Biến cố của nước Anh cho thấy phần nào những bất an tiềm ẩn với châu Âu. Suốt thời gian qua, thông tin về cuộc chiến tại Ukraine tràn ngập các trang báo và thường gây cảm giác đó là thủ phạm cho tình hình lạm phát. Bất kể đó là đổ lỗi hay thực tế đúng như vậy, những đợt sóng ngầm đã manh nha tại châu Âu. Hôm 7-7, Ngân hàng Trung ương Pháp cho biết chính phủ không thể khắc phục lạm phát bằng việc tăng nợ, theo Reuters.

420.000

Báo chí Anh cho biết Thủ tướng Boris Johnson và các bộ trưởng sẽ nhận tổng cộng 420.000 bảng tiền lương khi từ chức, tương đương hơn 11,7 tỉ đồng. Hiện các phe chỉ trích yêu cầu họ từ chối nhận khoản tiền trên vì đó là tiền thuế của dân.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online

Bài liên quan