Ngày 31/10, đoàn Đại biểu cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đến Anh dự Hội nghị về Biến đổi khí hậu (COP26).
Thủ tướng Phạm Minh Chính đến sân bay Prestwick, Scotland, Vương quốc Anh, lúc 7h sáng 31/10 (14h giờ Hà Nội), bắt đầu chuyến công du tham dự COP26 và làm việc tại Anh.
Thời tiết tại sân bay Prestwick khi đoàn đến nơi có mưa, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói với các đại biểu ra đón đoàn rằng đây là dấu hiệu của may mắn và ông tin tưởng hội nghị COP26 sẽ thành công.
Tham gia đoàn có lãnh đạo nhiều bộ ngành, Ủy ban của Quốc hội, gồm Bộ trưởng các bộ Công an, Ngoại giao, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội.
Dự kiến trong ngày đầu tiên làm việc tại Anh, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ gặp Thủ hiến vùng Scotland Nicola Sturgeon, dự lễ ra mắt đường bay thẳng Việt Nam - Anh, gặp gỡ cộng đồng người Việt ở Anh và dự lễ trao viện trợ quyên góp hỗ trợ Việt Nam chống Covid-19.
Ngày mai 1/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dự hội thảo với chủ đề "Kiến tạo tương lai bền vững và thịnh vượng thông qua đầu tư tư nhân". Lãnh đạo chính phủ Việt Nam sau đó dự lễ khai mạc Hội nghị cấp cao COP26 và có bài phát biểu tại hội nghị vào chiều cùng ngày.
Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) thu hút khoảng 30.000 đại biểu từ các nước thành viên, trong đó hơn 100 lãnh đạo cấp cao các nước, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cùng đại diện nhiều tổ chức quốc tế, thể chế tài chính lớn, các tập đoàn đa quốc gia và tổ chức phi chính phủ.
Trên cương vị Chủ tịch COP26, Anh kỳ vọng hội nghị huy động đủ 100 tỷ USD mỗi năm để tài trợ cho các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu tại các nước đang phát triển; khuyến khích các nước đưa ra chiến lược dài hạn hướng tới phát thải ròng bằng "0"...
Dự kiến tại COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự lễ khai mạc, phát biểu tại phiên phát biểu của các lãnh đạo; ngoài ra, ông sẽ có hàng loạt cuộc gặp với lãnh đạo một số nước, tổ chức quốc tế và các đối tác quan trọng trong thời gian làm việc tại Anh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính vẫy tay chào tại sân bay Prestwick, Scotland sáng 31/10. Ảnh: Võ Thành.
Đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward nhận định chuyến công du của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Anh sẽ là đòn bẩy đưa quan hệ hai quốc gia lên một tầm cao mới; thúc đẩy nhiều hoạt động thương mại trong lĩnh vực mà hai nước đang có quan hệ tốt đẹp như y tế và vaccine, giao thông, hàng không vũ trụ, giáo dục.
Sau chuyến dự COP26, thăm làm việc tại Anh, từ ngày 3 đến 5/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Pháp.
Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery cho biết trong chuyến thăm lần này, Pháp sẽ đón tiếp lãnh đạo Chính phủ Việt Nam nghi thức lễ tân rất cao. Thủ tướng Phạm Minh Chính dự kiến gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Pháp Jean Castex và các đại diện doanh nghiệp Pháp.
Theo ông Warnery, cả hai nước đều mong muốn tăng cường hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược. Ông cho biết chuyến công du sẽ gồm một số hoạt động quan trọng như ký kết văn kiện công nhận bằng cấp giữa hai nước, triển khai Hiệp định Tự do thương mại Việt Nam - Liên minh châu Âu và ký một số dự án hợp tác kinh tế quan trọng.
Anh là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam tại khu vực châu Âu, sau Đức và Hà Lan. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt 6,6 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 5,8 tỷ USD.
Trong giai đoạn từ 2011-2019, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương Việt - Anh tăng trung bình 12,1% một năm, cao hơn mức trung bình chung của Việt Nam 10% một năm. Tăng trưởng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu với thị trường này cũng đạt mức cao (trên 10%).
Việt Nam và Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao cấp đại sứ ngày 12/4/1973. Pháp hiện là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ năm của Việt Nam. Kim ngạch thương mại năm 2020 đạt 4,81 tỷ USD, giảm 10% so với 5,3 tỷ USD năm 2019.
Tính đến tháng 7/2021, Pháp đứng thứ ba trong các nước châu Âu và đứng thứ 16 trong tổng số 140 quốc gia và lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 605 dự án, tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 3,6 tỷ USD. Các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư sang Pháp 9 dự án với tổng vốn đầu tư là 3,04 triệu USD.
Võ Thành
Nguồn: vnexpress.net