Chỉ 15 giờ sau khi Bộ trưởng Brexit của Anh, ông David Davis từ chức, Ngoại trưởng Anh, ông Boris Johnson, người được coi là “thủ lĩnh hiệu quả nhất của những người Brexit”, cũng chính thức xin bãi nhiệm.
Thủ tướng Anh Theresa May đi cạnh Thủ tướng Đức Angela Merkel tại London ngày 10-7 – Ảnh: Reuters Lá đơn từ chức của vị bộ trưởng thứ hai trong nội các đến với Thủ tướng Anh Theresa May vào đúng lúc bà chỉ còn 30 phút nữa để bước vào cuộc họp căng thẳng cùng các nghị sĩ Đảng Bảo thủ chống Liên minh châu Âu (EU) ở cuộc họp tại hạ viện ngày 9-7 để tiếp tục bảo vệ bản thỏa thuận Brexit đạt được tại Chequers (khu dinh thự nông thôn của thủ tướng Anh) vốn gây quá nhiều chia rẽ.
“Giấc mơ Brexit đã chết”
Cũng phải nói thêm là cấp phó của ông David Davis, ông Steve Baker, đã từ chức khỏi Bộ Phụ trách vấn đề Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (hay Bộ Brexit) theo “sếp” của mình sau khi cáo buộc bà May đã “cho” EU quá nhiều và chính phủ đã mắc phải “các sai lầm” trong các cuộc thương thuyết với Brussels.
Ngoại trưởng Anh Johnson là người nổi tiếng với lập trường hăng hái trong việc ủng hộ đưa nước Anh rời khỏi EU.
Trong chiến dịch trưng cầu ý dân về Brexit năm 2016, ông Johnson là nhân vật thủ lĩnh nổi bật và hiệu quả nhất của phe “ra đi”.
Ngay từ trước khi chính thức từ chức, ông cũng đã bày tỏ quan điểm rất không hài lòng với các nội dung trong thỏa thuận Brexit đạt được ở Chequers.
Giống như ông Davis, ông Johnson không chấp nhận lập trường mềm mỏng của chính phủ bà May trong vấn đề Brexit.
Tờ Economist của Anh nhận định từ lâu ông Johnson đã luôn có tham vọng lãnh đạo Đảng Bảo thủ, và rất có thể ông đã tính toán rằng nếu cần phải có một nhà lãnh đạo đối đầu với bà May thì đó sẽ là cơ hội cuối cùng để ông đứng vào vị trí ấy.
Tinh thần quyết liệt của ông Johnson đã được phó chủ tịch Công đảng Anh Tom Watson nhắc tới trong bình luận: “Ông ấy (Johnson) là chính trị gia duy nhất trong lịch sử đã chụp ảnh trong lúc ký vào thư từ chức”.
Trong đơn từ chức gửi thủ tướng, ông Johnson cáo buộc rằng nước Anh đang tiến đến việc “Brexit nửa vời” (hay “bán Brexit”).
Cụ thể hơn, ông cho rằng bản thỏa thuận ở Chequers đã khiến nước Anh phải chịu khuất phục trước các điều khoản quản lý về hàng hóa và nông sản của EU, đẩy đất nước vào tình trạng “thuộc địa”.
Cựu ngoại trưởng Anh cũng giải thích lý do vì sao ông không từ chức ngay vào hôm thỏa thuận tại Chequers đạt được, tức ngày 6-7, mà phải chờ tới 9-7 vì ông đã nỗ lực tới phút chót để đả thông tư tưởng trong chính phủ vấn đề bức xúc của mình song đã thất bại.
Trong thư từ chức, ông Johnson nói rằng “giấc mơ Brexit đã chết, bị bóp nghẹt bởi sự tự hoài nghi vô cớ”.
Thách thức lớn với bà May
Việc ông Dominic Raab, một chính trị gia chủ trương Brexit khác, đã được bổ nhiệm thay ông David Davis làm Bộ trưởng Brexit ngay trong tối 8-7 cho thấy tình thế cân bằng giữa phe “ra đi” và những người thuộc phe “ở lại” vẫn còn trong nội các.
Tuy nhiên bất kể điều này, nội các của bà Theresa May vẫn được cho là đang phải đối mặt với tình trạng chia rẽ lớn hơn bao giờ hết.
Trang nhất hàng loạt tờ báo của Anh ra ngày 10-7 đều nhắc tới sự việc ông Boris Johnson từ chức với những bình luận cho rằng Thủ tướng Anh Theresa May đang đối mặt với cơn đau đầu cực lớn trong sự nghiệp chính trị của bà.
Tờ Daily Telegraph cho rằng đó là hành động giáng một đòn “chí tử” vào vị thế lãnh đạo của bà May, trong khi báo Guardian nhận định có khả năng các nghị sĩ Công đảng sẽ tổ chức một cuộc bỏ phiếu đánh giá tín nhiệm với bà thủ tướng.
Trong khi đó, ông Tom Watson, phó chủ tịch Công đảng, nhận định: “Chính phủ của bà Theresa May đang tan rã. Đây là một cuộc hỗn loạn hoàn toàn và tuyệt đối. Đất nước đang rơi vào thế bế tắc với một chính phủ chia rẽ và hỗn loạn. Thủ tướng không thể thực hiện được quá trình Brexit và cũng không còn chút quyền lực nào nữa”.
Tại thời điểm này, chí ít bà May vẫn còn nhận được sự ủng hộ của một số nhân vật Brexit khác trong nội các.
Ông Michael Gove, bộ trưởng môi trường, là người đầu tiên công khai ủng hộ thỏa thuận đạt được ở Chequers.
Bộ trưởng Thương mại Liam Fox cũng ủng hộ bà. Và sáng 9-7, chủ tịch Hạ viện Anh Andrea Leadson bày tỏ quan điểm đứng về phía bà May.
Dẫu thế thì nhiệm vụ của bà May lúc này vẫn đang rất gian nan, đó là phải đả thông bản kế hoạch Chequers vừa đạt được tại quốc hội trước khi có thể trình bày những kế hoạch Brexit của bà trước các nhà đàm phán EU.
Trong cuộc họp báo cùng Thủ tướng Đức Angela Merkel ở thời điểm một ngày sau khi hai bộ trưởng, đều là thành viên Đảng Bảo thủ, từ chức để phản đối kế hoạch đàm phán Brexit, bà May khẳng định lập trường có thể đạt được một “lộ trình Brexit suôn sẻ và có trật tự”.
Trong khi đó, người đại diện cho EU trong quá trình đàm phán Brexit, ông Michel Barnier ngày 10-7 cho biết 80% nội dung thỏa thuận của EU với Anh về Brexit đã được thông qua sau 12 tháng đàm phán.
Ông Donald Tusk, chủ tịch Hội đồng châu Âu, vẫn để ngỏ một hi vọng người Anh sẽ “nghĩ lại” về chuyện rời khối sau sự ra đi của hai bộ trưởng có vai trò lĩnh xướng công cuộc Brexit: “Các chính trị gia đến và đi nhưng các rắc rối do họ gây ra cho người dân thì vẫn còn đó. Tôi chỉ có thể lấy làm tiếc rằng ý tưởng #Brexit đã không ra đi cùng ông Davis và ông Johnson. Nhưng… ai mà biết chứ?” – ông Tusk viết trên Twiter.
Nguon: https://tuoitre.vn