Anh Quốc hôm qua, 09/09/2019, đã lại bị Trung Quốc « dằn mặt » với lời lẽ thô bạo hơn, vì đã có một kế hoạch đưa tàu sân bay qua Biển Đông.
Trung Quốc càng lúc càng lộ rõ tham vọng thâu tóm Biển Đông, với một loạt hành động quân sự hóa khu vực, công khai xâm phạm vùng biển của Việt Nam, Philippines và Malaysia.
Bên cạnh đó, Bắc Kinh không ngần ngại cảnh cáo những nước nào có ý đinh can thiệp vào Biển Đông để bảo vệ quyền tự do hàng hải.
Đại sứ Trung Quốc tại Anh Quốc Lưu Hiểu Minh họp báo tại Luân Đôn ngày 15/08/2019. REUTERS/Simon Dawson
Theo báo chí Anh Quốc, trong một cuộc tiếp xúc với báo chí tại Luân Đôn, đại sứ Trung Quốc tại Anh Lưu Hiểu Minh, bên cạnh hồ sơ nóng là Hồng Kông, đã lại nhắc đến vấn đề Biển Đông để cảnh cáo chính quyền Anh là không nên xâm phạm vùng biển của Trung Quốc.
Theo ông Lưu Hiểu Minh, được nhật báo The Guardian trích dẫn, « Biển Đông là một vùng rộng lớn, rộng đến 3 triệu km2, (Trung Quốc) không phản đối bất kỳ ai di chuyển qua đấy, nhưng đừng đi vào lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc. Nếu không làm thế thì sẽ không có vấn đề gì cả ».
Trong lúc đại sứ Trung Quốc có lời lẽ ngoại giao, thì cũng trong cuộc họp báo, tùy viên quân sự của sứ quán, tướng Tô Nghiễm Huy (Su Guanghui) có lời lẽ thô bạo hơn và đe dọa Hải Quân Anh Quốc về ý định cho tàu sân bay qua tuần tra ở Biển Đông.
Theo nhân vật này, dù đó là chiếc Queen Elizabeth, tàu sân bay Anh Quốc, hay bất cứ chiến hạm nào khác của nước Anh, tất cả đều có thể gặp phải phản ứng võ trang của nếu đi vào những vùng biển đang tranh chấp ở Biển Đông.
Tùy viên quân sự Trung Quốc cho biết là Bắc Kinh không muốn thấy tái diễn sự kiện tháng 11 năm ngoái, khi chiến hạm Anh HMS Albion đã đi sát vùng quần đảo Hoàng Sa, và bị Bắc Kinh tố cáo là xâm phạm lãnh hải Trung Quốc, điều mà đã Luân Đôn bác bỏ.
Đối với tướng Tô Nghiễm Huy, « nếu Anh và Mỹ bắt tay nhau để thách thức hay xâm phạm chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, điều đó sẽ bị coi là hành vi thù nghịch », và sẽ bị đáp trả bằng quân sự.
Tháng hai vừa qua, bộ trưởng Quốc Phòng Anh lúc đó là Gavin Williamson đã gợi ý về việc triển khai tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đến khu vực Biển Đông trong năm 2021.
Tuyên bố của ông Williamson đã khiến Bắc Kinh giận dữ, hủy bỏ một cuộc gặp được dự trù với ngoại trưởng Philip Hammond, buộc thủ tướng Anh lúc bấy giờ là bà Theresa May phải giữ khoảng cách với tuyên bố của ông Williamson, và cho biết là việc triển khai là do thủ tướng quyết định.
Câu hỏi đặt ra là phải chăng phản ứng yếu ớt kể trên Luân Đôn đã khiến Bắc Kinh tiếp tục gây sức ép trên vấn đề Biển Đông, nhất là khi Anh Quốc cần thắt chặt quan hệ kinh tế với Trung Quốc sau khi rời Liên Hiệp Châu Âu..
Dẫu sao thì lời đe dọa của Trung Quốc được đưa ra sau hai sự kiện được cho là đã khiến Bắc Kinh không hài lòng.
Hôm 29/08 vừa qua, Anh Quốc, Pháp và Đức đã cùng ra tuyên bố chung bày tỏ lo ngại về tình hình căng thẳng ở Biển Đông sau vụ Trung Quốc cho tàu xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Bên cạnh đó, trong tuần qua, nhân vòng công du châu Âu, tân bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Mark Esper đã kêu gọi các đồng minh giúp đỡ để chống lại điều bị cho là các « cố gắng của Bắc Kinh nhằm phá vỡ trật tự quốc tế » để tìm thế « thống trị ». Washington và Luân Đôn cũng đang thảo luận việc triển khai chiến đấu cơ Mỹ F-35 trên tàu sân bay Anh.
Theo The Guardian, một phát ngôn viên chính phủ Anh đã phản ứng, nhấn mạnh rằng việc các lực lượng hải quân quốc tế có mặt ở Biển Đông là điều bình thường và Anh không phải ngoại lệ. Luân Đôn có lợi ích lâu dài tại khu vực và sẽ tiếp tục duy trì an ninh khu vực, và « cam kết thực hiện quyền tự do hàng hải và tự do không phận theo luật pháp quốc tế ».
Nguồn: Trọng Nghĩa/ RFI