Theo quy tắc của thị trường chung EU, không một quốc gia thành viên nào có thể cấm xuất khẩu động vật sống, mặc dù EU đưa ra một số hạn chế về phúc lợi động vật đối với việc xuất khẩu này. Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đưa ra tuyên bố này nhiều lần trong chiến dịch tranh cử chung và nói rằng “cơ hội của Brexit” sẽ cho phép Chính phủ Anh “bảo vệ phúc lợi động vật”.
Bản tuyên ngôn của đảng Bảo thủ cầm quyền cũng nói rằng Vương quốc Anh có thể cấm xuất khẩu động vật sống sau Brexit, nhưng không đưa ra cam kết thực hiện. Bản tuyên ngôn năm 2017 của đảng này tuyên bố Vương quốc Anh có thể thực hiện các bước đầu tiên để kiểm soát việc xuất khẩu động vật sống (để giết mổ) sau Brexit. Năm 2018, Bộ Môi trường, Thực phẩm & Nông thôn cho biết lệnh cấm là một trong những lựa chọn đang được xem xét.
Ảnh minh họa
Đã có một số chiến dịch ở Anh chống lại việc xuất khẩu động vật sống.
Theo quy định của thị trường chung Liên minh châu Âu (EU), đảm bảo việc di chuyển tự do của hàng hóa, không thể có bất kỳ quốc gia thành viên nào cấm xuất khẩu động vật sống.
Điều này đã được thử nghiệm tại Tòa án tối cao vào năm 2014, sau cái chết của 40 con cừu đang được vận chuyển qua cảng Ramsgate ở Kent. Lệnh cấm tạm thời đối với xuất khẩu động vật sống đã được Hội đồng quận Thanet áp đặt nhưng đã bị kiện tại tòa án, vì “vi phạm một yếu tố cơ bản của các quy tắc điều chỉnh thương mại tự do ở EU”. EU đặt ra một số hạn chế trong việc xuất khẩu động vật sống, bao gồm đảm bảo đủ không gian cho động vật, và cung cấp thức ăn, nước và nghỉ ngơi. Các quy tắc phải được tuân theo trong khi các động vật được vận chuyển giữa các quốc gia thành viên, và cũng vượt ra ngoài biên giới EU.
Theo luật hiện hành của EU, việc vận chuyển bất kỳ động vật nào theo cách có khả năng gây thương tích hoặc đau khổ cho động vật không đáng có là hành vi phạm tội. Tuy nhiên, người vận chuyển động vật sống thường xuyên bị phát hiện vi phạm các quy tắc. EU gần đây đã công bố các khuyến nghị để cải thiện việc kiểm tra tại các quốc gia thành viên.
Theo thỏa thuận Brexit mới của ông Johnson, xuất khẩu động vật sống sẽ tiếp tục trong giai đoạn chuyển tiếp. Việc chuyển đổi, sẽ cho phép cả hai bên đàm phán một thỏa thuận thương mại trong tương lai, sẽ kết thúc vào cuối năm 2020. Nó có thể được gia hạn, nhưng ông Johnson đã loại trừ khả năng này nếu đảng Bảo thủ giành được đa số trong Quốc hội mới.
Sau khi chuyển đổi, Vương quốc Anh sẽ không còn phải tuân thủ các quy tắc thị trường chung của EU và có thể đưa ra lệnh cấm. Nhưng có thể không hoàn toàn đơn giản. Khả năng đưa ra lệnh cấm có thể phụ thuộc vào chi tiết chính xác của bất kỳ thỏa thuận thương mại nào trong tương lai giữa Anh và EU. Mọi thay đổi cũng sẽ phải phù hợp với các quy tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), trong đó Vương quốc Anh là thành viên.
Các quy định của WTO hạn chế khả năng cấm nhập khẩu hoặc xuất khẩu hàng hóa của các quốc gia. Đây là cơ sở mà lệnh cấm của Anh sẽ bị thách thức tại WTO.
Ngoài ra, nếu Anh cấm xuất khẩu trực tiếp nhưng vẫn cho phép vận chuyển tiếp tục giữa Bắc Ailen và Cộng hòa Ailen thì điều này sẽ trái với quy định cấm các thành viên WTO đối xử với các quốc gia khác nhau về thương mại trong cùng một sản phẩm.
Thực tế, đối với Bắc Ailen, việc di chuyển động vật sống là một vấn đề quan trọng, bởi vì vật nuôi thường xuyên được di chuyển qua biên giới với Cộng hòa Ailen theo cả hai hướng. Ước tính 5.000 con cừu được xuất khẩu sang Cộng hòa Ailen mỗi tuần, với 1.000 gia súc và 10.000 con lợn di chuyển theo hướng khác. Ngoài ra, những con bê từ Bắc Ailen được xuất khẩu sang Pháp thường xuyên được vận chuyển qua các cảng ở Cộng hòa Ailen. Một ủy ban quốc hội đã xem xét vấn đề này và kết luận rằng “buôn bán động vật sống với Cộng hòa Ailen nên được cho phép tiếp tục”.
Việt Dũng