Vương quốc Anh muốn xích lại gần hơn với EU

Một nhà ngoại giao châu Âu đã nhận xét vui rằng: 'Thủ tướng Starmer đã hoàn thành công việc mà bạn thường phải mất 5 năm chỉ trong vòng một tuần'.

1 Vuong Quoc Anh Muon Xich Lai Gan Hon Voi Eu

Thủ tướng Đức Olaf Scholz (phải) và Thủ tướng Anh Keir Starmer tham dự cuộc họp báo ở Berlin, Đức vào ngày 28-8 - Ảnh: Reuters

Mới nhậm chức thủ tướng vào tháng 7 vừa rồi nhưng chuyến công du tới Đức và Pháp trong tuần này là lần thứ năm Thủ tướng Anh Keir Starmer gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz và là lần thứ tư gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Ông Starmer đã gặp các nhà lãnh đạo châu Âu tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở thủ đô Washington, diễn đàn Cộng đồng chính trị châu Âu được tổ chức tại Cung điện Blenheim ở Oxfordshire, trận chung kết UEFA Euro 2024 và lễ khai mạc Olympic được tổ chức vào tháng trước.

Mục tiêu của ông Starmer

Khi nhìn vào các hoạt động đối ngoại tấp nập với châu Âu lục địa của nội các Thủ tướng Starmer trong vòng hơn một tháng qua, có thể thấy chính phủ mới của nước Anh đã hành động rất quyết liệt để thiết lập lại mối quan hệ với các cường quốc và thể chế châu Âu. Điều này đã tạo ra sự khác biệt rõ ràng giữa Công Đảng của Thủ tướng Starmer và các thủ tướng tiền nhiệm của Đảng Bảo thủ.

Ông Starmer trở thành thủ tướng đầu tiên của Công Đảng giành chiến thắng trước Đảng Bảo thủ trong cuộc tổng tuyển cử trong vòng 20 năm qua kể từ thời ông Tony Blair vào năm 2005. Hành động xích lại gần hơn với châu Âu đã làm vui vẻ các đối tác ở châu Âu lục địa kể từ sau sự kiện Anh chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) vào đầu năm 2020.

Ngay trước thềm chuyến thăm Đức, ông Starmer tuyên bố: "Chúng ta phải vượt qua vấn đề Brexit và hàn gắn những mối quan hệ đã rạn nứt do chính phủ tiền nhiệm để lại. Chúng ta đang có cơ hội hiếm có để thiết lập lại mối quan hệ với châu Âu".

Thật ra, nỗ lực nhằm đàm phán lại các mối quan hệ với châu Âu của Anh là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn của nội các Thủ tướng Starmer nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và duy trì an ninh khu vực trong bối cảnh xung đột ở Ukraine vẫn chưa kết thúc và chưa biết ai sẽ là chủ nhân Nhà Trắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.

Hướng về châu Âu là mục tiêu then chốt của ông Starmer, thay vì chỉ biết nhìn sang nước Mỹ bên kia bờ Đại Tây Dương. Trong khi Thủ tướng Starmer công du tới Berlin chỉ một tuần sau khi nhậm chức thì ông Rishi Sunak, người tiền nhiệm theo đường lối bảo thủ, đã đợi 18 tháng trước khi đến thăm Berlin.

Chuyến thăm Đức vào ngày 28-8 của ông Starmer mang đầy tính biểu tượng. Việc Anh xích lại gần hơn với châu Âu dưới thời Thủ tướng Starmer cũng phù hợp với chính sách của Đức.

Trong những năm qua, Chính phủ Đức không ngừng thúc đẩy việc đưa Anh đến gần châu Âu hơn và tạo điều kiện hợp tác giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) trong nhiều lĩnh vực nhất có thể, từ thương mại, quốc phòng cho đến quyền đi lại của thanh niên.

Hiệp ước hợp tác mới

Trong chuyến thăm định vị lại mối quan hệ giữa Anh với châu Âu, ông Starmer hội đàm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz về một hiệp ước hợp tác mới, hy vọng tăng cường hợp tác trong hầu hết các lĩnh vực quan trọng.

Đức hiện nay là nền kinh tế lớn nhất châu Âu và là đối tác thương mại lớn thứ hai của Anh, chiếm 8,5% tổng thương mại nước này. Thông cáo của Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết mục tiêu của chuyến công du là thúc đẩy kinh doanh và thương mại, tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh, đồng thời tăng cường "hành động chung về vấn đề di cư bất hợp pháp".

Nhóm đàm phán của hai bên hy vọng sẽ dành 6 tháng tới để thống nhất hiệp ước mới với mong muốn đạt được quan hệ đối tác mới vào đầu năm 2025. Thỏa thuận đầy tham vọng này dự kiến sẽ bao gồm các lĩnh vực quan trọng cần tăng cường hợp tác như tiếp cận thị trường, khoa học quan trọng, đổi mới và công nghệ, năng lượng sạch, thương mại, khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, an ninh năng lượng và giáo dục chuyển đổi xanh, đa dạng sinh học và môi trường.

Ngoài ra, hiệp ước mới giữa Anh và Đức cũng được xây dựng dựa trên thỏa thuận quốc phòng với kỳ vọng đưa hợp tác quân sự song phương lên cấp độ chưa từng có.

Theo quan chức hai bên, quan hệ đối tác quốc phòng Anh - Đức có thể giống với hiệp ước Lancaster House giữa Anh và Pháp đã nhất trí vào năm 2010 với cam kết thành lập một lực lượng chung và chia sẻ thiết bị vũ khí cũng như các trung tâm nghiên cứu tên lửa hạt nhân.

Trong chuyến đi với lịch trình đầy bận rộn tới Đức, Thủ tướng Starmer cũng sẽ hội đàm với các lãnh đạo doanh nghiệp bao gồm ông Armin Papperger - CEO của nhà sản xuất vũ khí Đức Rheinmetall.

Ngoài ra, ông Starmer sẽ gặp ông Christian Bruch, CEO của Siemens Energy - công ty đang tuyển dụng khoảng 6.000 người ở Anh, để thảo luận về việc mở rộng đầu tư và tạo nhiều việc làm có tay nghề cao hơn.

Xây dựng lại niềm tin sau Brexit

Sau Berlin, ông Starmer sẽ tới Paris để dự cuộc họp ăn sáng với các lãnh đạo doanh nghiệp Pháp vào sáng 29-8 và hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Emmanuel Macron tại Điện Elysee.

Thủ tướng Starmer đã loại trừ khả năng Anh tái gia nhập thị trường chung châu Âu, liên minh thuế quan hoặc quyền tự do đi lại trong nhiệm kỳ thủ tướng của mình. Tuy nhiên, ông đã cam kết xây dựng lại niềm tin với các đồng minh châu Âu bị tổn hại vì Brexit.

Ông nhấn mạnh: "Tăng cường mối quan hệ của chúng tôi với các quốc gia này là rất quan trọng, không chỉ trong việc giải quyết vấn đề toàn cầu về di cư bất hợp pháp mà còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên khắp lục địa và đặc biệt là ở Vương quốc Anh - một trong những nhiệm vụ quan trọng của chính phủ của tôi".

TS NGUYỄN THÀNH TRUNG

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online

Bài liên quan