Đã 13 năm trôi qua, chị Huệ không được đón Tết cùng cha mẹ ở quê vì hoàn cảnh khó khăn, không thể lo nổi tiền vé. Năm nay, được tặng vé xe miễn phí, chị Huệ xúc động, nghẹn ngào...
Sáng nay (4/2), Trung tâm Công tác Xã hội Công đoàn (Liên đoàn Lao động TP.HCM) tổ chức lễ tiễn hơn 200 đoàn viên nghiệp đoàn, người lao động đang làm việc ở TP.HCM về quê đón Tết Giáp Thìn 2024.
13 năm ăn Tết xa nhà
Chị Nguyễn Thị Huệ (33 tuổi, quê Yên Bái) cho biết, chị làm công việc tự do, ai thuê gì làm đó nên thu nhập cũng rất bấp bênh. Năm nay, tình hình kinh tế khó khăn, tiền kiếm được không đủ trang trải chi phí thuê trọ, ăn uống và học hành cho con cái. Vì điều kiện kinh tế, gia đình chị không thể trở về sum họp cùng cha mẹ, người thân.
Người lao động tay xách nách mang chuẩn bị lên xe. Ảnh: U.P
Thấm thoắt 13 năm trôi qua, Tết với chị chỉ là những nỗi nhớ nhung ở nơi đất khách quê người. Trong suốt 13 năm ròng rã này, thi thoảng chị vẫn trở về quê khi có việc, nhưng tuyệt nhiên về Tết là điều chị không dám nghĩ tới.
"Chi phí vé xe ngày thường về tới quê tôi cũng đã khoảng 1,5 triệu đồng/người. Ngày Tết, giá vé cao hơn rất nhiều. Cả nhà 4 người, ngoài tiền vé xe còn phải ăn uống dọc đường, tiền quà cáp, tiền tiêu Tết... quá nhiều khoản phải chi trong khi tiền dành dụm không có. Thế nên gia đình không dám nghĩ tới chuyện về Tết", chị Huệ trải lòng.
Vì đã xa quê quá lâu, ăn Tết xa nhà quá nhiều năm, chị Huệ cho biết rất thèm cảm giác được sum vầy bên cha mẹ, người thân trong những ngày chuyển giao năm cũ - năm mới. Hai con của chị, đứa 12 tuổi, đứa 9 tuổi cũng mong ngóng được một lần về quê ngoại đón Tết cùng ông bà.
Người lao động sắp xếp hành lý để chuẩn bị lên xe 0 đồng về quê đón Tết. Ảnh: K.D
Tương tự, gia đình chị Cẩm, công nhân may tại quận 12, TP.HCM có 3 năm đón Tết xa nhà. Vợ chồng chị Cẩm vào TP.HCM làm công nhân 15 năm, năm nào công việc ổn định, dành dụm được chút đỉnh thì sẽ về quê, ngược lại thì chấp nhận ăn Tết tại nhà trọ.
Theo chia sẻ của chị Cẩm, năm 2023 là một năm rất khó khăn. Do đơn hàng ít, công nhân không được tăng ca, thậm chí phải cắt giảm giờ làm nên thu nhập bị ảnh hưởng nhiều. Số tiền vợ chồng chị kiếm được hàng tháng phải tằn tiện lắm mới đủ cho con cái ăn học, trả tiền thuê nhà.
"Không được đón Tết cùng gia đình, cảm giác buồn và tủi thân lắm, chỉ mong có tiền để về quê ngay lập tức thôi", chị Cẩm chia sẻ.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy tặng quà cho con công nhân. Ảnh: U.P
Hơn 300 lao động là đoàn viên nghiệp đoàn, lao động tự do khác cũng có những hoàn cảnh tương tự. Ai cũng đau đáu nhớ về quê hương, muốn được về đoàn tụ, sum vầy dịp Tết nhưng vì điều kiện khó khăn, họ đành gác lại mong muốn của mình từ năm này sang năm khác.
Tấm vé nghĩa tình thực hiện ước muốn của hàng trăm lao động khó khăn
Biết được thông tin về chương trình tấm vé nghĩa tình của Liên đoàn Lao động TPHCM, chị Huệ mạnh dạn đăng ký. Sau khi gửi thông tin, chị hồi hộp chờ đợi, trông ngóng và hy vọng sẽ nhận được "tin tốt". May mắn, chỉ vài hôm sau khi đăng ký, chương trình hồi đáp và chấp nhận tặng 4 vé xe để vợ chồng chị và 2 con nhỏ được về quê sum họp.
"Được nhận vé xe về quê miễn phí cho cả gia đình, tôi vui sướng, hạnh phúc vô cùng. Thực sự đây là một điều quý giá mà tôi may mắn nhận được. Từ sáng sớm, gia đình đã có mặt ở điểm lên xe, háo hức được trở về", chị Huệ nói.
Những món quà, những lời chúc và tấm vé miễn phí về quê là sự động viên mà Liên đoàn Lao động dành cho đoàn viên công đoàn, người lao động. Ảnh: U.P
Cũng theo chị Huệ, chị không báo trước với cha mẹ ở nhà, mà muốn tạo một sự bất ngờ trong ngày Tết. Không cần đoán chị cũng hình dung ra được cha mẹ và người thân sẽ vui như thế nào khi gia đình chị trở về, cùng đón cái Tết đoàn viên.
Trong khi đó, chị Cẩm liên tục gửi lời cám ơn đến lãnh đạo các sở, ban ngành và những người hảo tâm đã giúp đỡ, hỗ trợ để người lao động khó khăn có thể thực hiện ước muốn đón Tết cùng gia đình. Chị Cẩm cũng hy vọng, chương trình sẽ được tổ chức thường niên để giúp đỡ thêm cho nhiều người lao động khó khăn được trở về quê miễn phí, đón cái Tết trọn vẹn.
Ông Nguyễn Trọng Tín, Giám đốc Trung tâm Công tác Xã hội Công đoàn thành phố chia sẻ, chương trình Chuyến xe mùa xuân được tổ chức để tiếp sức cho đoàn viên các nghiệp đoàn và người lao động thành phố nhằm thực hiện ước mơ về quê đón Tết cùng gia đình. Đây là việc làm có ý nghĩa thiết thực của công đoàn thành phố, góp phần cùng các ngành, các cấp trong việc chăm lo an sinh xã hội.
Cũng theo ông Tín, từ sau đại dịch Covid-19, có rất nhiều người lao động tại thành phố không thể về quê đón Tết vì kinh tế khó khăn. Họ phải ở lại các khu nhà trọ, tìm thêm việc làm để mưu sinh trong những ngày Tết với mong muốn chắt chiu từng đồng gửi về quê cho gia đình.
Hiểu được điều đó, Liên đoàn Lao động, Trung tâm Công tác Xã hội Công đoàn và các nhà hảo tâm đã cùng nhau thực hiện ước mơ của người lao động với tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Trong chuyến xe mùa xuân năm nay, hơn 300 lao động là đoàn viên nghiệp đoàn, lao động tự do ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định… được đưa về quê để vui Tết cổ truyền dân tộc.
Ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng Ban Chính sách Pháp luật Liên đoàn Lao động TP.HCM cho biết, từ năm 2009, Liên đoàn Lao động TP đã chỉ đạo các cấp công đoàn triển khai chương trình đưa công nhân về ăn Tết bằng chương trình tấm vé nghĩa tình. Qua nhiều năm thực hiện, chương trình đã được lan rộng ở TP.HCM, nhiều đoàn thể khác cũng đã thực hiện chương trình với nhiều hình thức đa dạng như chuyến xe mùa xuân, chuyến tàu mùa xuân và chuyến bay công đoàn...
"Chương trình cũng đã vận động được doanh nghiệp tham gia một cách hiệu quả. Theo đó, doanh nghiệp sẽ chuẩn bị xe, phương tiện, trao tặng vé cho đoàn viên, người lao động đang làm việc… tổ chức công đoàn tham gia công tác tổ chức, điều phối, tặng quà cho đoàn viên được tham gia chương trình để làm sao họ cảm thấy họ được quan tâm; cảm thấy gắn bó với doanh nghiệp và sau một năm làm việc vất vả được trở về đón Tết, họ sẽ trở lại đúng thời gian làm việc tại doanh nghiệp để tiếp tục lao động sản xuất, cống hiến cho doanh nghiệp trong thành phố, đảm bảo sự phát triển chung của xã hội ", ông Đô nói.
Nguồn: Báo điện tử DÂN VIỆT