Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, EVN lỗ lớn hơn 47.000 tỷ đồng trong 2 năm 2022 và 2023 do chênh lệch giá mua vào bán ra lên đến 208-216 đồng/kWh.
Vấn đề giá điện và điều hành giá nhận được rất nhiều sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội tại phiên chất vấn Bộ trưởng Công Thương sáng 21/8. Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) cho biết cử tri và nhiều chuyên gia cho rằng việc điều hành giá điện còn nhiều bất cập.
"Chính điều này là một trong những nguyên nhân quan trọng gây thua lỗ cho ngành điện khoảng hơn 47.000 tỷ đồng trong năm 2022 và 2023. Vậy Bộ trưởng có đồng tình với nhận định này không và xin Bộ trưởng cho biết giải pháp nào để tháo gỡ việc điều hành giá điện một cách tốt nhất thời gian tới?", đại biểu đặt vấn đề.
"Mua theo giá thị trường nhưng lại bán giá bình ổn"
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng khẳng định không có chuyện điều hành giá điện bất cập gây thua lỗ cho ngành điện.
"Bộ Công Thương là cơ quan quản lý Nhà nước chỉ thực hiện 3 chức năng cơ bản là: Quy hoạch, kế hoạch; cơ chế chính sách và thanh tra kiểm tra. Việc tham mưu chính sách trong vấn đề giá điện vừa qua thực hiện đúng quy định của luật pháp hiện hành, nhất là Luật Điện lực và Luật Giá", ông Diên nói.
Theo Bộ trưởng, điện là một trong những mặt hàng đảm bảo bình ổn giá theo chỉ đạo Nhà nước. EVN là đơn vị duy nhất có chức năng mua bán và cung ứng điện.
"Tuy nhiên, EVN phải mua với cơ chế giá thị trường nhưng đầu ra phải đảm bảo bình ổn giá vì giá điện có ảnh hướng đến các ngành sản xuất. Như vài lần tôi đã báo cáo Quốc hội, chênh lệch giữa giá mua vào bán ra của EVN khoảng 208-216 đồng/kWh", lãnh đạo Bộ Công Thương chia sẻ.
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương cho rằng điều hành giá điện còn nhiều bất cập gây thua lỗ cho EVN (Ảnh: Quochoi).
Quá trình tiếp tục nghiên cứu rà soát sửa đổi điều hành giá điện thời gian tới để EVN không bị lỗ, Bộ trưởng cho biết ngành Công Thương đang tham mưu trình Chính phủ sửa đổi Luật Điện lực theo hướng xóa bù chéo giữa các khách hàng dùng điện và tính đúng đủ giá thành điện năng, trong đó có giá thành sản xuất điện, giá vận hành, điều độ hệ thống điện.
"Hiện Chính phủ đã có quyết định đưa Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) về Bộ Công Thương, điều đó sẽ đảm bảo minh bạch trong vận hành, công bằng giữa các đối tượng sử dụng điện", ông nói.
Mặt khác, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết thời gian qua Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định mua bán điện trực tiếp đối với các khách hàng sử dụng điện lớn và sắp ban hành nghị định về khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái sẽ từng bước giúp thị trường điện hoàn hảo hơn.
Bộ trưởng lo áp lực lên hệ thống điện khi mua bán ồ ạt điện mặt trời áp mái
Bày tỏ quan tâm đến quy định mua bán điện mặt trời áp mái dư thừa, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đồng Nai) cho biết hiện nay việc kinh doanh điện được quản lý bởi Bộ Công Thương, chỉ có EVN là đơn vị duy nhất kinh doanh điện giữa điện lực Việt Nam và các hộ tiêu dùng.
"Thực tế nhu cầu sử dụng điện năng lượng mặt trời từ các hộ gia đình khu vực phía Nam là rất lớn, nhưng hiện nay Nhà nước không còn chính sách thu mua điện từ phần dôi dư của các hộ gia đình", đại biểu nêu thực trạng.
Để tránh lãng phí chi phí đầu tư điện mặt trời của hộ gia đình, đồng thời giảm được tiêu thụ của nguồn điện quốc gia, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Công Thương nêu hướng giải quyết để tạo điều kiện cho hộ gia đình được bán lại nguồn điện dôi dư này.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết hệ thống điện muốn an toàn ổn định, trong cơ cấu các nguồn điện, điện mặt trời, điện gió chỉ góp phần phụ chiếm tỷ trọng khoảng 20-25%.
"Có như vậy mới phù hợp với năng lực, điều kiện về mặt kĩ thuật, về kinh tế của Việt Nam. Bởi nếu không có nguồn điện nền ổn định ở mức 75-80% thì hệ thống điện của chúng ta sẽ rất rủi ro", ông nhìn nhận.
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, thời gian qua, thực hiện quy hoạch điện VII và điện VIII, Chính phủ đã quy định tổng công suất đặt hệ thống đến năm 2030 là 150.589MW, trong đó điện mặt trời, điện gió ở ngưỡng 27%.
Thời gian qua, địa phương, cử tri muốn phát triển mạnh hơn điện mặt trời, vì vậy Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương xây dựng cơ chế Nhà nước sẽ mua tối đa 20% công suất đặt của mỗi hạng mục công trình để bảo đảm nâng tỷ lệ năng lượng tái tạo, khuyến khích người dân đầu tư, giảm đầu tư Nhà nước.
Tuy nhiên, đây chỉ được một khía cạnh, ở khía cạnh khác sẽ là thách thức và dễ gây rủi ro đến an toàn hệ thống điện, bởi hệ thống điện nền không thay đổi nhưng nâng điện mặt trời sẽ làm mất cân đối cơ cấu các nguồn điện.
"Điều này sẽ rất rủi ro cho việc bảo đảm an toàn liên tục hệ thống điện cũng như lưới điện cơ sở. Bộ Công Thương một mặt tiếp thu ý kiến của địa phương, người dân, mặt khác buộc phải tôn trọng yếu tố kĩ thuật. Ngay cả quy định tối đa 20% công suất, Bộ cũng phải đề xuất cơ chế, điều kiện cần thiết tránh trục lợi chính sách, tránh làm sập hệ thống điện", ông Diên nhấn mạnh.
Bộ trưởng Công Thương cho rằng hệ thống điện muốn an toàn ổn định, thì tỷ lệ huy động điện mặt trời, điện gió chỉ khoảng 20-25% (Ảnh: Quochoi).
Liên quan đến đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) trong hóa đơn tiền điện của đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách Nhà nước. Thuế thu được thì ngân sách Nhà nước mới đảm bảo vững mạnh của tài chính công, đảm bảo hoạt động của bộ máy nhà nước, vấn đề an sinh xã hội, công trình hạ tầng trọng yếu, an ninh quốc phòng...
"Vì vậy, việc giảm thuế để giải quyết một vấn đề theo giá cả sẽ không hợp lý. Trên thực tế, 5 năm qua, Quốc hội đã giảm thuế cho các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân... khoảng 250.000 tỷ đồng", ông Phớc nói.
Riêng lĩnh vực điện, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết thuế VAT đã quy định 10% là ở mức thấp và đã áp dụng 25 năm qua, vì vậy vấn đề giảm thuế trong trường hợp này sẽ không hợp lý. Về biểu giá điện bậc thang, ông cho biết đã quy định 6 bậc, điện sinh hoạt ưu tiên gia đình nghèo, chính sách hỗ trợ 30kWh. Bậc 1 đã quy định 0-50kWh, mức giá bằng 92% giá điện bình quân và tăng dần để nhằm tiết kiệm điện.
Nguồn: Báo điện tử Dân trí