Hàng loạt các tỉnh, thành tại Việt Nam vào ngày 1/7 đồng loạt ra mắt lực lượng an ninh cơ sở được coi là cánh tay nối dài của Bộ Công an với nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, ngăn ngừa các âm mưu chống phá của các thế lực thù địch.
Chủ tịch nước Tô Lâm bắt tay lực lượng an ninh cơ sở trong lễ ra mắt tại TPHCM hôm 1/7/2024 - ảnh Quân Đội Nhân Dân
Lực lượng an ninh trật tự cơ sở được thành lập theo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT cơ sở và được Quốc hội thông qua vào ngày 28/11/2023.
Theo trang thông tin Bộ Công an, Bộ này đã huy động các nguồn lực để hỗ trợ Công an địa phương nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ theo quy định pháp luật của lực lượng này; đồng thời chỉ đạo kịch bản chi tiết cho Công an địa phương tổ chức Lễ ra mắt.
Theo kế hoạch, Lễ ra mắt lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở được tổ chức đồng loạt tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chọn một địa bàn cấp huyện để tổ chức “điểm” Lễ ra mắt.
Tân Chủ tịch nước đồng thời cũng là cựu Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã tham dự lễ ra mắt lực lượng này tại TPHCM nơi có 4.861 tổ bảo vệ an ninh trật tự cơ sở với hơn 15.000 thành viên. Tại buổi lễ, ông Tô Lâm khẳng định lực lượng "thực sự là cánh tay nối dài" của công an trong nhiệm vụ phục vụ nhân dân, bảo vệ cuộc sống bình yên của người dân.
Cựu Bộ trưởng Công an cũng nhấn mạnh tình hình thế giới và khu vực có diễn biến phức tạp, âm mưu hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, các loại tội phạm ngày càng quyết liệt, tinh vi và nguy hiểm hơn. Vì thế, nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở sẽ góp phần giữ vững môi trường an ninh, an toàn, lành mạnh hơn, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa xã hội trên địa bàn TP.
Theo số liệu từ truyền thông Nhà nước, thủ đô Hà Nội - TP lớn thứ hai cả nước - dự kiến lập hơn 5.430 tổ với 21.270 thành viên.
Tân Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang đã tham dự lễ ra mắt lực lượng này tại tỉnh Nghệ An. Truyền thông Nhà nước dẫn lời ông Lương Tam Quang phát biểu tại buổi lễ “lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở là lực lượng đồng hành cùng lực lượng Công an nhân dân, gần dân, sát dân, vì nhân dân phục vụ, có vai trò rất quan trọng ngay tại địa bàn cơ sở, góp phần giữ vững an ninh trật tự, ổn định chính trị, xã hội, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương."
Nghệ An với 3.797 tổ an ninh cơ sở là địa phương có nhiều người theo đạo Công giáo và là nơi có những căng thẳng giữa chính quyền địa phương và giáo dân trong các năm qua liên quan đến chính sách tôn giáo.
Lực lượng an ninh cơ sở là hợp nhất của ba lực lượng gồm bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách và đội trưởng, đội phó đội dân phòng. Lực lượng này được bảo đảm kinh phí hoạt động, trang bị công cụ hỗ trợ; có trang phục, huy hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận, phương tiện, thiết bị cần thiết để thực hiện nhiệm vụ.
Khi luật mới về lực lượng này ra đời, theo thống kê của Chính phủ, Việt Nam có gần 297.000 người đang tham gia trong lực lượng bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách…
Theo dự kiến, tổng kinh phí cần chi để bảo đảm hoạt động cho lực lượng này được tính toán là hơn 3.500 tỷ đồng mỗi năm; trung bình mỗi tỉnh/thành phố cần khoảng gần 56 tỷ đồng/năm.