Cựu giám đốc Bệnh viện Thủ Đức luôn cúi mặt tại phiên tòa phúc thẩm, nhắc đi nhắc lại câu “ăn năn, hối hận về việc mình làm”.
Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm sáng 17-5 - Ảnh: KHẮC HIẾU
Sáng 17-5, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM mở phiên phúc thẩm đối với ông Nguyễn Minh Quân (cựu giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức) và bà Nguyễn Lan Anh (cựu phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức).
Cuối năm 2023, bản án sơ thẩm đã tuyên phạt ông Quân tổng 21 năm tù về tội tham ô tài sản và rửa tiền. Bà Lan Anh bị tuyên 3 năm 6 tháng tù đối với tội vi phạm về đấu thầu.
Thừa nhận hành vi, không oan sai
Ông Quân đã có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và kháng cáo về phần trách nhiệm bồi thường dân sự của mình. Song tại phiên phúc thẩm hôm nay, ông Quân rút một phần kháng cáo, chỉ giữ lại phần xin giảm nhẹ hình phạt.
Tại tòa ông Quân thừa nhận toàn bộ hành vi như bản án sơ thẩm đã tuyên, khẳng định không oan sai.
Khi còn đang tại chức, ông Quân chỉ đạo ông Nguyễn Văn Lợi (giám đốc Công ty TNHH TMDV sản xuất Nguyễn Tâm) thành lập 4 công ty "sân sau" nhằm tham gia các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế.
Tham gia đấu thầu, ông Quân chỉ đạo ông Lợi giao nhân viên lập các hợp đồng mua bán khống, lòng vòng giữa các công ty trong nhóm để nâng giá thiết bị lên cao hơn so với giá thị trường.
Có 3 trong nhóm 4 công ty ông Lợi quản lý nộp hồ sơ dự thầu với giá máy móc thiết bị đã được nâng khống. Khi làm hồ sơ, Lợi chỉ đạo cấp dưới cố tình làm 1 hồ sơ tốt hơn 2 hồ sơ còn lại, mục đích để 1 công ty trúng thầu.
Đồng thời ông Quân đã chỉ đạo, gây sức ép với nhân viên dưới quyền thông đồng với ông Lợi để lập, hoàn thiện các thủ tục hợp thức hồ sơ thầu để ấn định cho công ty "sân sau" của ông Quân trúng 27 gói thầu và được Bệnh viện TP Thủ Đức thanh toán theo giá đã bị Quân nâng khống.
Được hội đồng xét xử hỏi về số tiền chiếm đoạt, ông Quân tỏ vẻ ngậm ngùi, nói nhỏ: "Số tiền là 102,5 tỉ đồng như án sơ thẩm đã nêu ra".
Với số tiền này, ông Quân cho hay dùng để mua các tài sản như đất đai, ô tô và tiêu xài cá nhân. Hiện các tài sản đã được kê biên, khắc phục hậu quả vụ án. Phần mình, ông Quân nói rất ăn năn, hối cải và nhận thức được sai phạm bản thân làm nên.
Ông Nguyễn Minh Quân cho biết rất ăn năn, hối hận về việc mình làm - Ảnh: KHẮC HIẾU
Căn cứ nào để giảm nhẹ hình phạt?
Tại tòa, hội đồng xét xử thông báo nhận được biên lai về số tiền 400 triệu đồng do ông Quân vận động gia đình nộp góp phần khắc phục hậu quả. Hội đồng xét xử sẽ xem xét về tình tiết này khi lượng hình đối với bị cáo.
Hội đồng xét xử hỏi: "Bị cáo cho rằng mình còn có căn cứ nào để giảm nhẹ hình phạt?".
Cựu giám đốc Bệnh viện Thủ Đức cho hay trong quá trình công tác, bản thân có nhiều thành tích, xây dựng bệnh viện phát triển như ngày hôm nay. Một số tình tiết giảm nhẹ khác như được nhiều cơ quan, ban ngành khen thưởng, công nhận thầy thuốc ưu tú và tự động giao nộp tài sản để kê biên, khắc phục hậu quả ở phiên sơ thẩm.
"Trong quá trình công tác, bị cáo cố gắng hết mình xây dựng bệnh viện. Bị cáo đã phạm tội và rất ăn năn hối lỗi. Mong hội đồng xét xử xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho mình", ông Quân cúi mặt nói.
Sau khi nghị án, hội đồng xét xử nhận định tòa án sơ thẩm đã áp dụng các tình tiết giảm nhẹ, mức án đúng với quy định pháp luật đối với ông Quân. Ở phiên phúc thẩm, mặc dù nhận được biên lai số tiền 400 triệu giao nộp, tuy nhiên cấp sơ thẩm đã áp dụng, đồng thời số tiền quá nhỏ so với thiệt hại gây nên.
Theo đó, hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của ông Quân, tuyên y bản án sơ thẩm.
"Đứng tại tòa, bị cáo rất đau lòng"
Hội đồng xét xử thông báo nhận được biên lai 390 triệu đồng do bị cáo Nguyễn Lan Anh (cựu phó giám đốc Bệnh viện Thủ Đức) vận động gia đình nộp khắc phục vụ án
Bà Lan Anh tại phiên phúc thẩm xin được giảm nhẹ hình phạt. Trong vụ án này, bà Lan Anh được phân công tổ trưởng tổ kiểm định, song cựu phó giám đốc bệnh viện cho hay không nhận được thông báo nào về việc này.
Đến khi được biết, bà Lan Anh đã không thực hiện thẩm định mà trực tiếp ký các tờ trình hợp thức hồ sơ đấu thầu. Bản thân bà Lan Anh nhận khoản cố định 10 triệu đồng/tháng, tổng cộng hơn 784 triệu đồng.
"Số tiền nhận được, bị cáo không dùng cho riêng mình. Bị cáo thấy các điều dưỡng khó khăn nên mới nhận để chi cho các anh em, đỡ đần họ phần nào trong cuộc sống", bà Lan Anh nói.
Lặng người hồi lâu, bà Lan Anh khóc cho hay bản thân rất ân hận vì không đủ ý thức, kinh nghiệm để làm tốt việc mình, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
"Bị cáo là người đào tạo trở thành bác sĩ, luôn muốn tốt cho bệnh nhân. Khi đứng đây, bị cáo rất đau lòng và ân hận. Bị cáo còn con nhỏ, cha mẹ già. Trước đó, bị cáo không có thời giờ chăm sóc con thì giờ đây không thể chăm con và phần cha mẹ lại phải nuôi mình trong cảnh tù tội", bà Lan Anh nói trong nước mắt.
Sau khi nghị án, hội đồng xét xử cho rằng ở cấp phúc thẩm, bà Lan Anh đã nộp thêm tiền, khắc phục toàn bộ hậu quả của mình gây nên. Do đó, hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của bà Lan Anh, tuyên phạt bà Lan Anh 3 năm tù (giảm 6 tháng so với án sơ thẩm).
TUYẾT MAI - KHẮC HIẾU
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online