Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho rằng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, chuyển phương châm từ "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc", là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời binh nghiệp.
Sáng 4/4, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 12 phối hợp với Báo Quân đội Nhân dân tổ chức tọa đàm "Nghệ thuật quân sự trong Chiến dịch Điện Biên Phủ - Bài học thực tiễn trong huấn luyện chiến đấu hiện nay".
Thành công điển hình của nghệ thuật "lấy ít địch nhiều"
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Thiếu tướng Nguyễn Đức Hưng, Chính ủy Quân đoàn 12, nhấn mạnh đây là một trong những hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, khẳng định tầm vóc, giá trị lịch sử, nguyên nhân thắng lợi của Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Cuộc tọa đàm cũng đi sâu làm rõ nghệ thuật quân sự trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, khẳng định sự đúng đắn của đường lối chiến tranh nhân dân, thế trận quốc phòng toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua đó, rút ra những bài học kinh nghiệm, vận dụng sáng tạo, hiệu quả vào công tác huấn luyện cũng như phương án tác chiến trong tình hình mới, bảo đảm đánh thắng địch trong mọi tình huống.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Hưng, Chính ủy Quân đoàn 12 phát biểu khai mạc tọa đàm (Ảnh: Hồng Phong).
Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Tổng Biên tập Báo Quân đội Nhân dân nhấn mạnh thắng lợi Điện Biên Phủ bắt nguồn từ truyền thống anh hùng bất khuất của dân tộc ta, từ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; từ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; ý chí quyết chiến, quyết thắng và biết đánh, biết thắng, khó khăn nào cũng vượt qua của QĐND Việt Nam anh hùng.
Chiến thắng đó cũng xuất phát từ tài thao lược của các tướng lĩnh trong thời đại Hồ Chí Minh, đứng đầu là Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp...
Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Tổng Biên tập Báo Quân đội Nhân dân (Ảnh: Hồng Phong).
Trình bày tham luận làm rõ thêm ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ, Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự, nhấn mạnh thắng lợi Điện Biên Phủ và việc ký kết Hiệp định Genève đã giải phóng một nửa nước Việt Nam, đồng thời tách Việt Nam khỏi hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc, trở thành một bộ phận của chủ nghĩa xã hội.
"Thắng lợi lịch sử Điện Biên Phủ là hồi kèn chiến thắng của nhân dân ta trong trận đấu chống bọn can thiệp Mỹ, là khúc nhạc mở màn cho bản trường ca chống Mỹ cứu nước và chuẩn bị cuộc đụng đầu lịch sử giữa nhân dân Việt Nam với đế quốc Mỹ", Thiếu tướng Nhiên nhấn mạnh.
Theo ông, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp với đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, là minh chứng khẳng định sự đúng đắn, sáng tạo của đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh của Đảng trong suốt 9 năm lãnh đạo, chỉ đạo quân và dân ta đấu tranh chống Pháp và can thiệp Mỹ.
Với đường lối đó, Đảng ta đã phát huy cao độ sức mạnh chiến tranh nhân dân Việt Nam đồng thời kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, làm nên một thành công điển hình của nghệ thuật "lấy ít địch nhiều".
Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên nhận định, thất bại của thực dân Pháp tại Điện Biên Phủ và dư chấn của sự kiện dẫn tới việc ký kết hiệp định Genève, kết thúc chiến tranh, buộc quân đội Pháp phải rút khỏi Việt Nam, Lào và Campuchia, chấm dứt vĩnh viễn sự có mặt của quân xâm lược Pháp tại khu vực này.
Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự trình bày tham luận tại tọa đàm (Ảnh: Hồng Phong).
"Với nỗ lực và quyết tâm cao độ, trên cánh đồng Mường Thanh, quân và dân ta đã lập nên một trong những chiến công hiển hách nhất, vang dội nhất trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Chiến thắng Điện Biên Phủ được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, hay một Đống Đa của thế kỷ XX, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc", Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên nhấn mạnh.
Chuyển hướng chiến lược, cô lập địch ở cứ điểm Điện Biên Phủ
Trong bài tham luận gửi đến tọa đàm, Thượng tướng, PGS.TS Trần Việt Khoa, Giám đốc Học viện Quốc phòng, nhấn mạnh vai trò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một nhà quân sự kiệt xuất với tư duy chiến lược vượt trội, trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Theo ông, chiến thắng Điện Biên Phủ là sự khẳng định thiên tài quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Với quân Pháp khi ấy, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ với quân đông, hỏa lực mạnh, hệ thống công sự vật cản được xây dựng vững chắc, hoàn chỉnh, là hình thức phòng ngự mới nhất, hiện đại nhất, là "pháo đài khổng lồ không thể công phá", mà tướng Giáp sẽ "không dám chấp nhận giao chiến".
Quân Pháp nhận định nếu tiến công vào Điện Biên Phủ sẽ đi vào con đường tự sát.
Các đại biểu tham dự tọa đàm (Ảnh: Hồng Phong).
Đánh giá đúng tình hình địch - ta, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy, cũng không hề đánh giá thấp sức mạnh của địch ở Điện Biên Phủ, không đánh giá quá cao khả năng chiến đấu còn hạn chế, nhất là về hỏa lực và khả năng đánh công kiên của bộ đội ta.
Song theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chỗ yếu sinh tử của địch là tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị cô lập trên một vùng rừng núi, rất xa hậu phương của chúng. Chỗ yếu đó của địch càng không thể khắc phục khi cấp chiến lược của ta chủ động mở nhiều chiến dịch tiến công trên nhiều hướng chiến lược, buộc địch phải bị động đối phó.
Lựa chọn địa bàn Điện Biên Phủ, theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ta sẽ phát huy được sở trường, có thể dựa vào địa hình hiểm trở để phát huy khả năng tác chiến, hạn chế tính năng binh khí kỹ thuật, khả năng tăng viện ứng cứu của địch.
Những đánh giá của Đại tướng là cơ sở để Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đi đến nhận định "Đây là thời cơ chiến lược tốt để tiêu diệt quân chủ lực Pháp ở địa hình rừng núi, xa căn cứ hậu phương mà địch chỉ có thể tiếp tế bằng đường không".
Bộ Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 bàn kế hoạch tác chiến dưới sự chỉ đạo của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp (Ảnh tư liệu: TTXVN).
Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị họp hạ quyết tâm: "Tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ để tạo nên một bước ngoặt mới trong chiến tranh".
Ngày 1/1/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tư lệnh, được giao nhiệm vụ làm Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy chiến dịch Điện Biên Phủ.
Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn dò Đại tướng trước khi lên đường: "Tổng Tư lệnh ra mặt trận. Tướng quân tại ngoại. Trao cho chú toàn quyền quyết định".
Theo phương châm "đánh nhanh, thắng nhanh", thời gian chiến dịch dự kiến 3 đêm 2 ngày, nổ súng vào ngày 20/1/1954. Nhưng trước sự tăng cường phòng ngự của địch và qua nhiều ngày theo dõi, Đại tướng nhận thấy địch không còn ở trong trạng thái lâm thời phòng ngự, mà đã trở thành một tập đoàn cứ điểm phòng ngự kiên cố, pháo binh của phía ta - hỏa lực chủ yếu của chiến dịch lại không kéo được vào trận địa đúng thời gian, yêu cầu, nếu "đánh nhanh, giải quyết nhanh" thì không bảo đảm thắng lợi.
Tham dự tọa đàm có ông Võ Hồng Nam, con trai cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Ảnh: Hồng Phong).
Để đảm bảo toàn thắng cho chiến dịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho rằng phải tạm ngừng nổ súng, kéo pháo ra, chuẩn bị thêm để đánh theo phương châm tác chiến mới là "đánh chắc, tiến chắc".
Đây là quyết định sáng suốt mang đậm nhãn quan quân sự cá nhân sắc sảo, bản lĩnh, dũng cảm, quyết đoán, táo bạo, sáng suốt của người cầm quân và là nhân tố quyết định bảo đảm thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Theo Đại tướng, chuyển phương châm từ "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc" là một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời binh nghiệp của ông.
Với phương châm "đánh chắc, tiến chắc", ta đã điều chỉnh lực lượng và thế trận, cô lập địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, cắt chi viện bằng đường không, vây hãm toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và từng trung tâm đề kháng của Pháp, tiêu diệt từng bộ phận tiến tới đánh bại toàn bộ địch, thể hiện nổi bật về nghệ thuật chiến tranh nhân dân, nghệ thuật sử dụng lực lượng, nghệ thuật tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu; đánh chắc, tiến chắc, không chắc thắng, không đánh.
Nguồn: Báo điện tử Dân trí