Để lấy lòng tin, "vị tiến sĩ siêu lừa" Nguyễn Trường Hải đã tạo một lý lịch khoa học dày dặn, gắn với người uy tín trong ngành giáo dục. Mỗi lần bị nghi ngờ, ông H. đều cắt đứt mọi liên lạc.
Ông Nguyễn Trường Hải - đã tham gia giảng dạy tại nhiều trường đại học, cao đẳng và sử dụng bằng thạc sĩ, tiến sĩ không đúng (Ảnh: Hoàng Hoàng).
"Tiến sĩ siêu lừa" Nguyễn Trường Hải gây bất ngờ khi từng xin việc, giảng dạy tại nhiều trường đại học, cao đẳng dù bằng tiến sĩ, thạc sĩ được xác định là không đúng. Trong đó, một số trường đại học đã đặt những nghi ngờ về vị tiến sĩ này.
TS Lê Mạnh Hải - Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Gia Định - kể: "Hồi đầu tháng 10/2022, tôi nhận được bộ hồ sơ nhân sự từ phòng Hành chính - Tổ chức chuyển tới để chuẩn bị phỏng vấn. Khi xem bằng tiến sĩ ghi ngày cấp 15/9/2022, tôi hơi lấn cấn bởi thời điểm đó dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, các đơn vị chưa tổ chức phát bằng tiến sĩ".
Để đạt được cấp bằng tiến sĩ cần cả quá trình nỗ lực nên lễ phát bằng được tổ chức rất trang trọng. Thời điểm đó, phía trường không tổ chức lễ phát bằng.
"Thời gian ký khá gần thời gian nộp hồ sơ xin việc nên tôi thấy không đúng với thời gian. Do đó, tôi đặt nghi vấn", ông Hải chia sẻ.
Ông Lê Mạnh Hải cũng cho hay trong hồ sơ xin việc ông Nguyễn Trường Hải ghi là trưởng bộ môn phần mềm trong 9 năm (từ năm 2012-2020) của Trường Đại học Công nghệ TPHCM.
"Đã nhiều năm trong nghề, tham gia giảng dạy, làm việc với các đơn vị nên trưởng bộ môn, lãnh đạo tôi biết nhiều nhưng chưa nghe tên Nguyễn Trường Hải bao giờ.
Tôi gọi điện qua một số đồng nghiệp bên Trường Đại học Công nghệ TPHCM để kiểm tra lại lần nữa và được biết ông ấy là giảng viên thỉnh giảng", TS Lê Mạnh Hải kể.
Để chắc chắn hơn, vị trưởng khoa nhiều năm kinh nghiệm tiếp tục tra cứu mã văn bằng trên hệ thống của Đại học Quốc gia TPHCM nhưng không hiển thị tên ông Nguyễn Trường H.
Số quả tra cứu số hiệu văn bằng mang tên Lê Trọng N. chứ không phải Nguyễn Trường Hải (Nguồn: Tra cứu văn bằng của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM).
"Tôi gọi thẳng cho ông Nguyễn Trường Hải và hỏi ai là người hướng dẫn nghiên cứu sinh cho bạn. Để tạo niềm tin, ông Trường H. đã nói tên một vị lãnh đạo rất nổi tiếng trong ngành giáo dục là người hướng dẫn. Chắc ít ai nghĩ sẽ có người gọi kiểm tra tới cả vị này.
Nhưng rất may, tôi có mối quan hệ thân thiết với vị này và nhấc máy gọi điện hỏi học trò này học có giỏi không. Vị lãnh đạo khẳng định không có học trò tên như vậy", ông Lê Mạnh Hải nhớ lại.
Đi sâu tìm hiểu hồ sơ nhân sự này, Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Gia Định cho thấy có nhiều điểm khai man nên đã báo lại những nghi vấn và từ chối thực hiện phỏng vấn.
"Tôi không trực tiếp cầm tấm bằng đó nên không thể khẳng định là giả hay không mà chỉ xem qua bản khai. Song, kinh nghiệm nghề nghiệp cộng với sự quan sát giúp nhà trường không tuyển giảng viên này", TS Lê Mạnh Hải chia sẻ.
Ông Trịnh Hữu Chung - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định - khẳng định, ông Nguyễn Trường Hải chưa từng ký hợp đồng làm việc hay tham gia giảng dạy tại trường này.
Ông Chung xác nhận: "Khoảng tháng 9/2022, ông Nguyễn Trường Hải liên lạc và sau đó nộp hồ sơ vào trường xin làm giảng viên. Nhà trường có tiến hành phỏng vấn nhưng không phù hợp với nhà trường nên đã từ chối, không tuyển dụng nhân sự này".
Trong quá trình trao đổi công việc, ông Trịnh Hữu Chung cho biết đã hỏi ông Nguyễn Trường Hải về bằng cấp, ông H. trả lời là gửi nhầm, sẽ gửi lại bản mới nhưng sau đó ông H. cắt đứt mọi liên lạc.
Lãnh đạo Trường Đại học Gia Định chia sẻ ông Nguyễn Trường Hải đã tạo một vỏ bọc khá dày dặn khi CV (hồ sơ xin việc) viết công tác giảng dạy và thỉnh giảng lâu năm tại nhiều trường đại học lớn.
Trong quá trình trao đổi, ông H. thường kể chuyện gặp gỡ nhiều chuyên gia nổi tiếng trong ngành giáo dục, gửi ảnh đang đi dạy tại các trường, đang hướng dẫn sinh viên làm khóa luận hay biết bài báo khoa học...
Phần quá trình công tác được ông Nguyễn Trường Hải ghi trong lý lịch khoa học nộp tại Trường Đại học Văn Hiến (Ảnh chụp màn hình).
Theo một lãnh đạo của Trường Đại học Văn Hiến, ông Nguyễn Trường Hải từng có thời gian ngắn chưa tới một tháng xin thử việc vị trí phó khoa.
"Ông H. giới thiệu mình từng làm trưởng bộ môn của Trường Đại học Công nghệ TPHCM, đã giảng dạy tại nhiều trường đại học. Ông ấy còn khá trẻ, lại có bằng tiến sĩ ngành khoa học máy tính của Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia TPHCM nên tạo một hồ sơ rất đẹp.
Quá trình phỏng vấn cũng thể hiện tốt, trẻ và nhiệt huyết. Song khi "thực chiến" làm việc chuyên môn lại không phù hợp nên nhà trường chấm dứt hợp đồng thử việc ngay từ tháng đầu tiên", vị này chia sẻ.
Qua lời kể của lãnh đạo Trường Đại học Văn Hiến, nhà trường có chương trình thử việc hội nhập, nhân sự mới sẽ có thời gian làm quen với môi trường trước khi làm việc chính thức.
"Trên giấy tờ, ông H. làm việc với nhà trường khoảng 20 ngày nhưng thực tế trừ ngày gặp mặt, ngày nghỉ cuối tuần thì số buổi làm thực chất chỉ khoảng 10 ngày. Trong thời gian này, ông H không hội nhập được.
Các lãnh đạo khoa, bộ phận chuyên môn kêu ca rất nhiều về cách thức làm việc của ông Nguyễn Trường Hải không phù hợp với nhà trường nên mọi hợp tác chấm dứt", đại diện nhà trường nói.
Trên trang Facebook được cho là của ông Nguyễn Trường H., phần giới thiệu ghi làm giảng viên nhiều trường đại học (Ảnh chụp màn hình).
Trên trang Facebook cá nhân được cho là của ông Nguyễn Trường Hải (nhiều cán bộ tại các trường xác nhận trước giờ ông H. dùng Facebook này) vẫn còn lưu nhiều bức ảnh thể hiện các hoạt động của ông Nguyễn Trường Hải từ năm 2012 đến nay.
Phần giới thiệu của ông H. tại trang Facebook này có ghi: giảng viên thỉnh giảng Trường Đại học Sài Gòn, giảng viên thỉnh giảng tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, giảng viên tại Trường Đại học Công nghệ TPHCM, học công nghệ thông tin và khoa học máy tính tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM.
Loanh quanh tên Nguyễn Trường H.
Phóng viên đã liên hệ số điện thoại 09830649xx mà ông Nguyễn Trường Hải viết trong CV xin việc và dùng để đi liên hệ với các trường đại học, cao đẳng song ông H. bắt máy nhưng sau khi nghe giới thiệu là phóng viên báo gọi điện xác minh vấn đề bằng cấp lại lập tức tắt máy.
Lần khác, người nghe máy cho hay phóng viên gọi nhầm số, số điện thoại này không phải người tên Nguyễn Trường Hải mà tên là Thắng.
Sau khi nghe chất vấn hình ảnh bìa và ảnh đại diện trên Zalo đang để ảnh của người tự xưng là TS Nguyễn Trường Hải đi dạy học ở nhiều nơi, người này cho hay không dùng số Zalo.
Tuy nhiên, chỉ 1 phút sau, các hình ảnh được cho là của TS Nguyễn Trường Hải đã biến mất trên Zalo của số điện thoại trên.
Khi phóng viên sử dụng một số điện khác để gọi điện, số máy này lại nhận tên H. Đến nay, liên hệ qua Zalo của ông Nguyễn Trường Hải đã vào trạng thái "tài khoản ngừng hoạt động".
Nguồn: Báo điện tử Dân trí