Hàng chục máy bay của hai hãng hàng không ở Việt Nam phải tạm dừng bay để “kiểm tra động cơ theo thông báo kỹ thuật khẩn,” khiến hai hãng gặp khó khăn.
Hôm 31 Tháng Giêng, ông Đinh Việt Thắng, cục trưởng Cục Hàng Không Việt Nam, đã ký ban hành “Chỉ thị tuân thủ và thực hiện thông báo kỹ thuật khẩn” đối với động cơ PW1100 trên các máy bay Airbus A321neo của hai hãng hàng không Việt Nam.
Vietnam Airlines phải dừng hơn 20 máy bay Airbus A321neo để kiểm tra động cơ. (Hình: VietnamPlus)
Báo VOV dẫn thông tin từ Cục Hàng Không Việt Nam cho biết đến thời điểm này, có 44 máy bay Airbus A321neo gồm 24 chiếc của VietJet Air và 20 chiếc của Vietnam Airlines thuộc diện phải “kiểm tra động cơ PW 1100 G” theo chỉ dẫn của nhà sản xuất động cơ máy bay Pratt & Whitney, Mỹ.
Theo đó, các máy bay Airbus A321neo đang hoạt động sẽ lần lượt được kiểm tra động cơ theo số giờ bay cụ thể được áp dụng từ 1 Tháng Giêng, nhằm “kịp thời phát hiện những hỏng hóc bất thường.” Trường hợp phát hiện lỗi động cơ sẽ phải tạm dừng khai thác để sửa chữa.
Ông Thắng yêu cầu Vietnam Airlines và VietJet Air “tuyệt đối tuân thủ và thực hiện ngay toàn bộ các nội dung của chỉ thị,” đồng thời báo cáo kết quả, kế hoạch thực hiện về Cục Hàng Không Việt Nam trước ngày 15 Tháng Hai tới.
Ông Lê Hồng Hà, tổng giám đốc Vietnam Airlines, cho biết việc này sẽ ảnh hưởng khai thác của hãng kéo có thể kéo dài đến 24 tháng tới.
Do đứt gãy chuỗi cung ứng nên thời gian sửa chữa kéo dài. Trước đây, việc này thông thường mất khoảng 75-90 ngày, nhưng hiện nay sẽ kéo dài lên khoảng hơn 200 ngày.
Với số lượng lớn máy bay Airbus A321neo phải dừng bay để kiểm tra động cơ trong thời gian dài như trên sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng không năm 2024 của các hãng, nhất là dịp cao điểm lễ, Tết.
Liên quan đến sự việc, dù các hãng hàng không ở Việt Nam đều tăng cường thuê thêm máy bay, số lượng ghế ngồi tăng mạnh nhưng giá vé bay vẫn ở mức khá cao, giá vé các chuyến bay đêm cũng không rẻ hơn vé bay ngày.
Theo khảo sát của báo Tuổi Trẻ hôm 31 Tháng Giêng, với chặng bay đông khách nhất là Hà Nội-Sài Gòn từ ngày 1 đến 9 Tháng Hai, giá vé máy bay khứ hồi của Vietnam Airlines và Bamboo Airways ở các khung giờ hầu hết đều ở mức khoảng 7 triệu đồng ($286), trong khi giá vé VietJet Air rẻ hơn cũng là 6.3 triệu đồng ($257)/vé.
Các hãng hàng không ở Việt Nam phải tăng cường máy bay thuê để giảm căng thẳng vé cho người dân về quê đón Tết. (Hình: Công Trung/Tuổi Trẻ)
Còn các điểm đến khác như Đà Nẵng, Đà Lạt, Nha Trang, Phú Yên… giá vé bay đều có xu hướng tăng. Càng cận Tết Nguyên Đán Giáp Thìn, càng tăng mạnh hơn, dao động khoảng 6-7 triệu đồng ($245 tới $286)/vé khứ hồi.
Riêng chặng Hà Nội-Phú Quốc trong các ngày từ 5 đến 15 Tháng Hai (từ 26 Tết đến Mùng Sáu Tết) dao động 5.6-10 triệu đồng ($229 tới $409)/vé khứ hồi, tăng khoảng 3-5 triệu đồng ($122 tới $204)/vé so với ngày thường.