Đại diện công đoàn có 38.500 lao động đề nghị Chính phủ xây dựng lộ trình giảm giờ làm việc từ 48 giờ/tuần xuống còn 44 và 40 giờ/tuần.
Ông Đặng Tuấn Tú - chủ tịch công đoàn cơ sở Công ty TNHH Changshin Việt Nam (vốn Hàn Quốc) - Ảnh: HẢI NGUYỄN
Tại diễn đàn Nâng cao năng suất lao động quốc gia năm 2024, ngày 26-5, ông Đặng Tuấn Tú - chủ tịch công đoàn cơ sở Công ty TNHH Changshin Việt Nam (vốn Hàn Quốc) có 38.5000 lao động - đề nghị Chính phủ quan tâm việc giảm giờ làm.
Tại sao công đoàn đề xuất giảm giờ làm?
Theo ông Đặng Tuấn Tú, năng suất lao động là yếu tố quyết định sự phát triển của một doanh nghiệp và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Cải thiện và thúc đẩy tăng năng suất lao động là con đường ngắn nhất, đưa nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, bắt kịp trình độ của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Chủ tịch công đoàn cơ sở công ty Changshin Việt Nam đề nghị Chính phủ xây dựng lộ trình giảm giờ làm việc từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần và 40 giờ/tuần phù hợp, theo kịp các nước cùng khu vực.
“Việc giảm thời gian làm việc tạo điều kiện cho người lao động có thời gian nghỉ ngơi dài hơn để tái tạo sức khỏe và chăm lo hạnh phúc gia đình”, ông nói.
Với Luật Công đoàn sửa đổi, ông Đặng Tuấn Tú đề nghị Chính phủ và Quốc hội tiếp tục ủng hộ việc trích nộp kinh phí 2% từ doanh nghiệp.
Điều này tạo điều kiện tốt nhất cho các hoạt động chăm lo cho người lao động và giữ chân người lao động gắn bó với doanh nghiệp.
Cạnh đó, kinh phí chăm lo cho người lao động ở doanh nghiệp đều được công khai nên nếu thay đổi, giảm mức đóng phí công đoàn có thể gây bất lợi cho việc tập hợp người lao động.
Chủ tịch công đoàn cơ sở Công ty TNHH Changshin Việt Nam còn đề nghị Chính phủ hoàn thiện đồng bộ môi trường pháp lý, tạo điều kiện giảm thuế các mặt hàng nhập khẩu máy móc, thiết bị hiện đại, quy trình nhập khẩu đơn giản và linh hoạt.
Giảm giờ làm, giữ sản lượng tức là tăng năng suất lao động
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Đoàn Trung - phó chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động TP.HCM - đánh giá đề xuất trên rất có ý nghĩa, tạo sức ép tích cực cho cộng đồng doanh nghiệp.
“Không phải giảm thời gian lao động là giảm sản lượng. Giảm thời gian lao động mà giữ sản lượng là tăng năng suất lao động. Đây là bài toán tỉ lệ nghịch bình thường”, ông Trung bày tỏ.
Ông nói thêm, năng suất lao động qua từng giai đoạn đã có sự tăng trưởng. Tuy nhiên, doanh nghiệp duy trì mức chi phí thấp, đòi hỏi năng suất cao là không hợp lý.
“Doanh nghiệp có đãi ngộ cao sẽ thúc đẩy người lao động hăng say làm việc”, ông bày tỏ.
Theo Bộ luật Lao động 2019, giờ làm việc của người lao động làm việc trong điều kiện bình thường không quá 8 giờ/ngày và 48 giờ/tuần.
Như vậy, người lao động bị hạn chế thời gian tái tạo sức lao động, thời gian rảnh rỗi chăm sóc gia đình, tự đào tạo, tham gia giải trí, nâng cao sức khỏe tinh thần, theo vị này.
“Nếu chúng ta giảm được thời gian làm việc, người lao động sẽ có nhiều thời gian hơn cho việc tham gia hoạt động giải tỏa tinh thần, giảm stress, tác động tích cực đến kết quả lao động, sản xuất”, ông Trung nhấn mạnh.
HÀ QUÂN
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online