UBND TP Hà Nội đề xuất mức giá sử dụng cao tốc Vành đai 4 - Vùng thủ đô là 1.900 đồng/xe tiêu chuẩn/km trong giai đoạn 2027-2029, sau đó điều chỉnh tăng giá 3 năm/lần cho đến khi hoàn vốn.
UBND TP Hà Nội vừa có công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải, UBND hai tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên, đề nghị thống nhất giá và lộ trình tăng giá dịch vụ sử dụng đường bộ cao tốc, áp dụng cho dự án thành phần 3 thuộc dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.
Đây là dự án thành phần đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức PPP (đối tác công - tư).
Lãnh đạo UBND TP Hà Nội cho biết việc thống nhất giá và lộ trình tăng giá là cơ sở để hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 3, trong đó có phương án tài chính, hoàn vốn cho công trình.
Phối cảnh dự án Vành đai 4 - Vùng thủ đô đi qua 3 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh (Ảnh: Ban Quản lý dự án).
Cụ thể, dự án thành phần 3 có mức giá sử dụng dịch vụ đường cao tốc cơ sở là 1.900 đồng/xe tiêu chuẩn/km, thời gian dự kiến đưa vào khai thác là năm 2027. Lộ trình giá dịch vụ sử dụng đường bộ cao tốc được điều chỉnh tăng 3 năm/lần cho đến thời điểm hoàn vốn.
Mức giá và lộ trình điều chỉnh được xây dựng theo phương pháp so sánh với quy định tại Điều 5, Thông tư số 25 của Bộ Tài chính.
Khung phí sử dụng dịch vụ đường cao tốc có tham chiếu khung giá vé của các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía đông theo hình thức BOT giai đoạn 2017-2020 đang được triển khai, cũng như khung giá dịch vụ sử dụng đường bộ được quy định tại Thông tư số 35 của Bộ Giao thông Vận tải.
Dự án Vành đai 4 Vùng thủ đô có chiều dài 112,8km (gồm 103,1km đường vành đai 4 và 9,7km tuyến nối). Tổng mức đầu tư dự án là 85.813 tỷ đồng. Thời gian thi công từ năm 2023 đến 2027.
Dự án đi qua 3 tỉnh Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh với 7 dự án thành phần. Trong đó, mỗi tỉnh phụ trách một dự án giải phóng mặt bằng, một dự án đường song hành qua địa bàn tỉnh mình. Riêng dự án cầu cạn cao tốc toàn tuyến sẽ đầu tư theo phương thức BOT và giao Hà Nội quản lý.
Hạng mục cao tốc vành đai 4 sẽ có 39,86km đi dưới thấp (35% tổng chiều dài) và 73,66km đi trên cao (cầu cạn). Cầu cạn cao tốc được thiết kế với tĩnh không tối thiểu 7,5m. Mặt cắt ngang cao tốc có 4 làn xe (bề rộng đường 17-17,5m). Dải dừng khẩn cấp được bố trí cách nhau 4-5km, không liền mạch.
Ngày 25/6 vừa qua, UBND TP Hà Nội chính thức khởi công dự án này.
Nguồn: Báo điện tử Dân trí