Thực trạng kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc ở cổng trường học, các khu công nghiệp với đối tượng là học sinh, công nhân hiện rất phức tạp.
Thực phẩm trôi nổi bủa vây cổng trường
Chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến "Tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm", Thiếu tướng Nhữ Thị Minh Nguyệt, Phó Cục trưởng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường chỉ ra nhiều vấn đề nóng về vi phạm an toàn thực phẩm.
Theo Thiếu tướng Nguyệt, thống kê Cục Hình sự chỉ ra, 29% tội phạm hiện nay do thiếu việc làm. Do đó, một phần nguyên nhân các vụ việc ngộ độc xuất phát từ việc một bộ phận người dân có thu nhập kém, thiếu việc làm ưu tiên lựa chọn các loại thực phẩm rẻ. Đi cùng với đó là rủi ro kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Hình ảnh người bán đồ ăn vặt không đảm bảo nguyên tắc vệ sinh trước cổng một trường học tại Hà Nội (Ảnh trích từ video ghi nhận của PV Dân trí).
Trong 5 tháng đầu năm 2024, lực lượng phòng chống tội phạm về môi trường phát hiện hơn 3.700 vụ vi phạm an toàn thực phẩm, so với 6 tháng cuối năm 2023 tăng 44%.
Từ các vụ việc này, Thiếu tướng Nguyệt chỉ ra nhiều vấn đề nổi lên:
Vi phạm quy định an toàn thực phẩm của cơ sở nhỏ lẻ, đặc biệt là thức ăn đường phố.
Thực trạng kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc ở cổng trường học, các khu công nghiệp với đối tượng là học sinh, công nhân phức tạp. Việc kiểm soát thực phẩm ở khu công nghiệp và trường học chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Thiếu tướng Nguyệt dẫn chứng: "Vừa qua, chuẩn bị 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, lực lượng công an kiểm tra một cơ sở kinh doanh ở cổng Trường tiểu học Mường Thanh đã phát hiện bán công khai 477 mặt hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc.
Tại Hà Nội, chỉ riêng một lần kiểm tra tại quận Bắc Từ Liêm, đã phát hiện tại cổng Trường tiểu học Đức Thắng và Mầm non Sao Mai bày bán hơn 1.700 mặt hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ", Thiếu tướng Nguyệt nêu.
Một vấn đề khác, theo vị này, là thực phẩm giả tràn lan, nhiều nhất là thực phẩm chức năng và thực phẩm cho người già và trẻ nhỏ .
Các mặt hàng thực phẩm đông lạnh vi phạm cũng là vấn đề nổi cộm. Theo thống kê trong các năm trước, mỗi năm lực lượng cảnh sát bắt gần 100 tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc và quá hạn sử dụng.
Bên cạnh đó, đại diện Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường chỉ ra, công tác kiểm tra giám sát chấp hành an toàn thực phẩm ở nhiều nơi chưa kịp thời.
"Chúng tôi nhận thấy mô hình quản lý an toàn thực phẩm còn nhiều sở hở. Ở địa phương, các cơ quan được phân công không đồng nhất và có sự đan xen. Quản lý cơ sở sản xuất thực phẩm quy mô nhỏ còn chưa hiệu quả", Thiếu tướng Nguyệt phân tích.
Không đánh đổi sức khỏe lấy lợi ích kinh tế
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm hết sức quan trọng, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, mà còn ảnh hưởng đến tình hình đảm bảo trật tự an sinh xã hội của một địa phương.
"Không đánh đổi sức khỏe lấy lợi ích kinh tế", ông Tuyên khẳng định.
Để đảm bảo an toàn thực phẩm, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm yêu cầu:
Các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới....
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chỉ đạo tại hội nghị (Ảnh: Minh Trang).
Thực hiện phân công trách nhiệm, chuẩn bị sẵn kế hoạch, phương án của Ban chỉ đạo về xử lý, điều tra, khắc phục ngộ độc thực phẩm. Người đứng đầu các cấp phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các cấp tăng cường kiểm tra, giám sát, kiên quyết không để các cơ sở không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (đối với cơ sở thuộc đối tượng phải cấp), không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm vẫn hoạt động.
Ngành nông nghiệp, công thương tăng cường kiểm soát các sản phẩm nông sản: thịt, rau, củ, quả... và các sản phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý theo quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP.
Không để xảy ra tình trạng cơ sở lợi dụng có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm do ngành nông nghiệp, công thương cấp theo quy định nhưng lại thu gom các nguyên liệu trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ để cung cấp cho bếp ăn tập thể các công ty, khu công nghiệp, khu chế xuất.
Các địa phương, các bộ, ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, từ điều kiện cơ sở, trang thiết bị, con người, đặc biệt là việc tuân thủ, chấp hành các quy định đối với nguyên liệu thực phẩm, nguồn nước sử dụng; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm theo phân cấp quản lý và thông tin rộng rãi kết quả xử lý để cảnh báo cho cộng đồng.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm.
Yêu cầu các Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, các công ty kiên quyết không ký hợp đồng cung cấp nguyên liệu, cung cấp suất ăn, dịch vụ ăn uống với các cơ sở không đủ điều kiện an toàn thực phẩm, không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định.
Tuyên truyền để chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở thấy sức khỏe của người lao động là tài sản, đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp, cho cơ sở, từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc đảm bảo tốt khẩu phần ăn của người lao động.
Nguồn: Báo điện tử Dân trí