Hàng loạt sai phạm xây dựng tại chùa do ông Thích Chân Quang trụ trì do đâu?

Liên quan hàng loạt công trình xây dựng tại chùa Phật Quang hay còn gọi là Thiền Tôn Phật Quang nơi ông Thích Chân Quang làm trụ trì không được cấp phép, năm 2018, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có Kết luận thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai và xây dựng tại ngôi chùa này.

1 Hang Loat Sai Pham Xay Dung Tai Chua Do Ong Thich Chan Quang Tru Tri Do Dau

Công trình Chánh điện chùa Phật Quang.

Ngày 28/8, trao đổi với PV Dân Việt, Giám đốc Ban Quản lý Rừng phòng hộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương lập biên bản liên quan đến công trình vi phạm tại chùa Phật Quang (xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ), nơi ông Thích Chân Quang làm trụ trì và công trình hiện cũng đang bị tạm đình chỉ.

Trước đó, tháng 3/2024, UBND thị xã Phú Mỹ ra văn bản cưỡng chế đối với công trình vi phạm do ông Thích Chân Quang (tên thật Vương Tấn Việt) làm trụ trì.

Cũng theo tìm hiểu của PV, Kết luận thanh tra của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai và xây dựng tại ngôi chùa này cho thấy, trong tổng số 36 công trình mà chùa Phật Quang xây dựng trên đất thì có 35 công trình không được cấp phép. Có 1 công trình Chánh điện được Sở Xây dựng cấp Giấy phép xây dựng ngày 20/9/2001 với diện tích xây dựng sửa chữa là 228m2, nhưng trên thực tế chùa xây dựng Chánh điện trên diện tích 445,4m2. 

"Việc Sở Xây dựng cấp Giấy phép xây dựng này không đảm bảo quy hoạch tại khu vực Núi Dinh vào thời điểm đó đúng theo quy định tại điểm 4.1 mục 4 phần I Thông tư liên tịch số 09/2999/TTLT-BXD-TCĐC ngày 10/12/1999 của Bộ Xây dựng, do vậy việc Sở Xây dựng cấp Giấy phép xây dựng này là có sai sót", kết luận nêu.

Trách nhiệm của Ban Quản lý Rừng phòng hộ tỉnh

Theo Kết luận thanh tra, trong thời gian chùa sử dụng đất và xây dựng các công trình trên đất rừng phòng hộ, Ban Quản lý Rừng phòng hộ (BQL) với tư cách là chủ sử dụng đất nhưng thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. BQL không ngăn chặn các hành vi vi phạm ngay từ đầu. 

Mặt khác BQL Dự án rừng phòng hộ Núi Dinh - Thị Vải ký văn bản số 84/DA năm 2000 với nội dung xác nhận "diện tích đất ông Vương Tấn Việt sử dụng đất rừng nhận khoán là 20ha nằm trong Dự án 1892 nhưng ông Việt đã sử dụng đất từ năm 1992, trước thời điểm thành lập Dự án 1892", là xác nhận không đúng về nguồn gốc sử dụng đất. Văn bản này làm cơ sở cho UBND huyện Tân Thành ban hành văn bản để chuyển UBND tỉnh và Ban Tôn giáo tỉnh xem xét giải quyết đơn xin sửa chữa lại nơi thờ tự của ông Việt vào năm 2000. 

2 Hang Loat Sai Pham Xay Dung Tai Chua Do Ong Thich Chan Quang Tru Tri Do Dau

Một góc chùa Phật Quang nơi ông Thích Chân Quang làm trụ trì.

Trong khi đó, BQL chỉ phối hợp để kiểm tra vi phạm mà không sử dụng các biện pháp hữu hiệu để quản lý, bảo vệ rừng theo nhiệm vụ và quyền hạn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về ban hành quy chế quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên.

"Những vi phạm của chùa về sử dụng đất và xây dựng công trình trên đất diễn ra từ lâu, trong thời gian dài. Đồng thời, ngày 9/11/2009, Hạt Kiểm lâm có Thông báo về việc xử lý vi phạm hành chính đối với ông Ngô Quang Phú và kiến nghị BQL có biện pháp xử lý hợp đồng khoán đối với ông Vương Tấn Việt nhưng BQL vẫn không xem xét. Đến năm 2011, BQL vẫn ký lại Hợp đồng khoán với ông Vương Tấn Việt và đến 2012 mới ban hành quyết định hủy hợp đồng khoán với ông Việt. 

Điều này thể hiện BQL thiếu tinh thần trách nhiệm, quản lý đất rừng thiếu chặt chẽ, chưa làm tốt vai trò trách nhiệm của mình của trong công tác quản lý, bảo vệ rừng được giao", Kết luận nêu.

Đến nay, BQL vẫn chưa làm thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với hơn 4000m2, dẫn đến việc dù thuộc quyền quản lý của BQL tỉnh nhưng chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đấy cho chủ sử dụng đất, trong khi đó chùa vẫn tiếp tục sử dụng. Trách nhiệm này thuộc Giám đốc BQL Rừng phòng hộ tỉnh. 

Đối với việc chùa mở con đường nhựa diện tích 3.500m2, việc đại diện Trạm Quản lý bảo vệ rừng Tóc Tiên (thuộc Ban Quản lý Rừng phòng hộ tỉnh) ghi trong biên bản xác minh về vị trí, hiện trạng đường băng cố định ngày 8/7/2011 với nội dung "Đề nghị cấp trên xem xét giải quyết cho hộ nhận khoán được mở đường băng cố định nhằm phục vụ cho công tác PCCC và công tác tuần tra bảo vệ rừng" thì xem như Trạm đã đồng ý và trình BQL xem xét chấp thuận. 

Từ biên bản này, chùa Phật Quang có thế hiểu rằng cơ quan Nhà nước đồng ý và đã xây dựng con đường nhựa gây ảnh hưởng dư luận xã hội. Khi nhận được đơn xin mở đường của chùa, BQL không có văn bản trả lời về kết quả xử lý vụ việc. Khi chùa xây dựng con đường, BQL cũng không có biện pháp ngăn chặn và giải quyết dứt điểm vụ việc.

Trách nhiệm này thuộc về Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ tỉnh, Trạm trưởng Trạm Quản lý bảo vệ rừng Tóc Tiên năm 2011, nhân viên của Trạm Quản lý bảo vệ rừng Tóc Tiên năm 2011 và Trưởng Phòng Quản lý bảo vệ rừng (thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ tỉnh).

Trách nhiệm Sở Xây dựng

Sở Xây dựng đã cấp giấy phép xây dựng cho chùa không dựa trên quy hoạch xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyên phê duyệt là không phù hợp quy định của pháp luật, vì thời điểm đó khu vực này được quy hoạch là rừng phòng hộ. 

Sở Xây dựng sau khi cấp giấy phép đã không tổ chức kiểm tra, theo dõi quá trình sửa chữa của chùa Phật Quang theo giấy phép đã cấp. Do vậy, đã không phát hiện để có biện pháp xử lý vi phạm xây dựng theo quy định của pháp luật.

3 Hang Loat Sai Pham Xay Dung Tai Chua Do Ong Thich Chan Quang Tru Tri Do Dau

Cổng vào chùa Phật Quang.

Trách nhiệm này thuộc Giám đốc Sở Xây dựng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện chức năng quản lý nhà nước của đơn vị và bộ phận, cá nhan trong công tac tham mưu thực hiện cấp giấy phép và kiểm tra, theo dõi việc thực hiện giấy phép đã cấp theo thẩm quyền vào thời điểm năm 2001.

Trách nhiệm Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ ban hành các văn bản chỉ đạo liên quan đến nội dung quản lý và bảo vệ rừng tại chùa Phật Quang từ năm 2007. Như vậy từ năm 2007 trở về trước, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa làm tốt công tác quản lý nhà nước đối với công tác quản lý và bảo vệ rừng tại khu vực này.

Trách nhiệm này thuộc Giám đốc Sở và các cá nhân phụ trách giai đoạn đó.

Trách nhiệm Sở Tài nguyên và Môi trường

Ngày 8/6/2001, Sở Địa Chính (nay là Sở Tài nguyên và Môi trường) đã xác nhận nguồn gốc đất trình UBND tỉnh chấp thuận và ban hành sơ đồ vị trí (năm 2001) xác nhận vị trí cho phép chùa Phật Quang sửa chữa Chánh điện mà không có sự kiểm tra vì phần đất này vẫn là đất rừng phòng hộ do Nhà nước quản lý từ năm 1978. 

Đồng thời, tại văn bản số 4269/UB-VP ngày 11/12/2000, UBND tỉnh giao Sở Xây dựng và Sở Địa chính phối hợp với UBND huyện Tân Thành theo dõi, hướng dẫn kiểm tra việc xây dựng theo đúng quy định hiện hành. 

4 Hang Loat Sai Pham Xay Dung Tai Chua Do Ong Thich Chan Quang Tru Tri Do Dau

Một góc chùa Phật Quang.

Tuy nhiên, Sở Địa chính không phối hợp tổ chức kiểm tra, theo dõi quá trình sửa chữa của chùa Phật Quang. Do vậy đã không phát hiện để có biện pháp xử lý vi phạm xây dựng theo quy định của pháp luật khi chùa xây dựng Chánh điện có diện tích đất thực tế lớn hơn diện tích đất cho phép.

Trách nhiệm này thuộc Giám đốc Sở Địa Chính trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện chức năng quản lý nhà nước của đơn vị vào thời điểm năm 2001.

Trách nhiệm Hạt Kiểm lâm huyện Tân Thành (nay là thị xã Phú Mỹ)

Trong quá trình thực hiện quản lý rừng, Hạt Kiểm lâm huyện Tân Thành đã kiểm tra lập biên bản và ban hành nhiều Quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, Chùa chỉ chấp hành hình phạt chính là nộp tiền, riêng việc yêu cầu trồng lại một số cây rừng để khôi phục lại hiện trạng ban đầu thì Chùa Phật Quang không thực hiện, mà Chùa vẫn tiếp tục xây dựng các công trình trên đất. 

Mặc dù vậy, Hạt Kiểm lâm không ban hành quyết định cưỡng chế. Hạt Kiểm Lâm huyện Tân Thành chưa làm tốt trách nhiệm của mình trong công tác bảo vệ rừng, dẫn đến việc Chùa nhiều lần chặt phá cây rừng để xây dựng nhiều công trình diễn ra trong thời gian dài.

Trách nhiệm này thuộc Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tân Thành trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điêu hành thực hiện chức năng quản lý nhà nước của đơn vị và bộ phận, cá nhân trong công tác tham mưu thực hiện công tác quản lý nhà nước giai đoạn từ năm 1992 đến nay.

Ngoài ra, còn có trách nhiệm của UBND huyện Tân Thành (nay là TX Phú Mỹ), UBND xã Tân Hải và Tân Hòa trong việc để chùa Phật Quang xây dựng trên đất rừng trái quy định.

Trước những vấn đề trên, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có kết luận chỉ đạo việc xử lý những vi phạm trong xây dựng tại chùa Phật Quang: "Cần thiết xử lý tháo dỡ để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật trong việc xử lý xây dựng không phép trên địa bàn".

Chủ tịch UBND tỉnh giao Giám đốc Sở Xây dựng; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; UBND huyện Tân Thành (nay là thị xã Phú Mỹ); Giám đốc Ban Quản lý Rừng phòng hộ tỉnh; Chi Cục trưởng Chi Cục kiểm lâm; Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Tân Thành (nay là thị xã Phú Mỹ); Chủ tịch UBND xã Tân Hòa và Chủ tịch UBND xã Tân Hải làm rõ trách nhiệm và kiểm điểm đúng mức đối với các khuyết điểm, vi phạm của cá nhân tại đơn vị liên quan đến các vi phạm của chùa.

Kiến nghị Tỉnh ủy chỉ đạo Huyện ủy huyện Tân Thành (nay là thị xã Phú Mỹ) tổ chức kiểm điểm đúng mức đối với nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Hội Bài giai đoạn năm 1991, hiện nay là Ủy viên Ban Thường vụ Thị ủy.

Nguồn: Báo điện tử DÂN VIỆT

Bài liên quan